12/05/2022 18:16 GMT+7

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin mũi 4

THÙY DƯƠNG - DƯƠNG LIỄU
THÙY DƯƠNG - DƯƠNG LIỄU

TTO - Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2, tức mũi 4. Nhiều ngày gần đây, số mắc mới liên tục giảm, có cần thiết tiêm mũi 4?

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin mũi 4 - Ảnh 1.

Cán bộ y tế phường Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiêm vắc xin COVID-19 tại nhà cho người cao tuổi - Ảnh: NAM TRẦN

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sở y tế tham mưu UBND các tỉnh, thành phố quyết định đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng thời đề xuất nhu cầu vắc xin tiêm mũi 4 gửi Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý trước ngày 25-5-2022.

Nhiều người không "mặn mà" với vắc xin mũi 4

Bộ Y tế cũng hướng dẫn đối tượng tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 gồm người từ 50 tuổi trở lên, cùng nhóm từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (cán bộ y tế, nhân lực tuyến đầu phòng chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).

Khoảng cách tiêm chủng là ít nhất 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Đối với người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3, cần trì hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19 trước khi tiêm mũi 4.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, loại vắc xin sử dụng để tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna); vắc xin AstraZeneca, vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

Sau khi có văn bản của Bộ Y tế ngày 11-5, Sở Y tế TP.HCM cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 tại TP.HCM.

Trước thông tin TP.HCM chuẩn bị triển khai tiêm mũi 4, nhiều người dân nằm trong đối tượng được tiêm tỏ ra không mặn mà lắm.

Bà N.T.N., 52 tuổi, ngụ quận Tân Bình, cho hay bà đọc báo thấy bà cũng nằm trong đối tượng được tiêm ngừa mũi 4. Nhưng bà N. tính sẽ không đi tiêm mũi 4. Bà thấy những người xung quanh mắc COVID-19 cũng nhẹ, phần lớn như mắc cảm cúm. 

Chưa kể, trong cộng đồng số người mắc COVID-19 nhiều nên nguy cơ lây bệnh cũng ít hơn trước rất nhiều, trong khi tiêm 3 mũi vắc xin trước đó bà N. đều bị mệt, sốt...

Tương tự, ông N., 55 tuổi, ở quận Phú Nhuận, dự tính sẽ không tiêm mũi 4. Ông mắc bệnh COVID-19 từ hơn 3 tháng trước. Ông bị khá nhẹ nên cũng không lo lắng về căn bệnh này nhiều như trước nữa.

Tại Hà Nội, nhiều người dân, thậm chí đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu cũng không quá "mặn mà" với vắc xin phòng COVID-19 mũi 4.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một bác sĩ chia sẻ: "Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19. Sau đó tôi đã mắc COVID-19 với triệu chứng khá nhẹ, âm tính sau 5 ngày. Vì vậy, tôi nghĩ chưa cần thiết phải tiêm mũi 4, hiện cũng chưa nhiều nước triển khai tiêm mũi 4. Chúng ta cần theo dõi thêm tình hình dịch và hiệu quả của liều tiêm bổ sung".

Tương tự, một cán bộ trạm y tế phường chia sẻ chưa sẵn sàng cho việc tiêm mũi 4 vắc xin COVID-19. 

Vị này cho biết: "Dù tiếp xúc với người mắc COVID-19 khá nhiều nhưng đến tháng 3 vừa rồi tôi mới dương tính COVID-19. Nếu tuân thủ các biện pháp phòng dịch, tỉ lệ nhiễm bệnh không quá cao. Vì vậy, tôi nghĩ việc tiêm mũi 4 cũng chưa thật sự cần thiết".

Đã có 7 quốc gia triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quang Thái - trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết đến nay đã có khoảng 7 quốc gia trên thế giới triển khai tiêm nhắc lại thứ 2 (mũi 4) như: Israel, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Lào...

Ông Thái thông tin, hiện nay đã có những nghiên cứu về hiệu quả của mũi tiêm nhắc lại. Vào tháng 3-2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã đề xuất tiêm liều nhắc lại thứ 2 đối với một số nhóm đối tượng. 

Các dữ liệu tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm phòng cơ bản và tiêm liều nhắc lại để bảo vệ các cá nhân khỏi bị nhiễm bệnh và các hậu quả nghiêm trọng của COVID-19. 

Người lớn và thanh thiếu niên đủ điều kiện để tiêm liều nhắc lại đầu tiên, những mũi tiêm này an toàn và mang lại lợi ích đáng kể. Trong đợt tăng biến chủng Omicron gần đây, những người được tiêm nhắc lại thì khả năng tử vong do COVID-19 thấp hơn 21 lần so với những người không được tiêm chủng và nguy cơ nhập viện thấp hơn 7 lần.

"Hiện nay chúng ta không thiếu vắc xin, vì vậy việc tiêm mũi 4 cho các đối tượng nguy cơ cao để hạn chế việc bùng phát dịch, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân", ông Thái nói.

Ai cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4? Ai cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4?

TTO - Trong 2 văn bản gần đây, Bộ Y tế đã giao các địa phương chủ động triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 4) cho người đã đến lịch tiêm.

THÙY DƯƠNG - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên