09/07/2021 18:51 GMT+7

Bộ Y tế khuyến nghị TP.HCM xét nghiệm tầm soát hộ gia đình khu nguy cơ cao 1-3 lần/tuần

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình với tần suất 3 ngày/lần đến 1 tuần/lần đối với các khu vực nguy cơ cao và rất cao của TP.HCM.

Bộ Y tế khuyến nghị TP.HCM xét nghiệm tầm soát hộ gia đình khu nguy cơ cao 1-3 lần/tuần - Ảnh 1.

Xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm tại TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Đó là khuyến nghị của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong văn bản Bộ Y tế gửi cho báo chí chiều 9-7.

Bộ Y tế cho biết ngành y tế TP.HCM đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn. Theo đó, việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu, điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm được phân công thực hiện nhằm đảm bảo nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm.

Các đơn vị từ thành phố sẽ điều phối tổng thể cũng tham gia điều phối khi các quận, huyện quá tải.

Đối với hình thức xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết hiện đang phối hợp cùng các đơn vị để tập huấn xét nghiệm mẫu gộp bằng test nhanh để đáp ứng nhanh chóng công tác phòng chống dịch của thành phố.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế, trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM - cho biết căn cứ tình hình giãn cách tại TP.HCM cùng kinh nghiệm chống dịch được tích lũy trong thời gian qua, Bộ Y tế khuyến nghị đối với các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả các thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu). 

Trong đó, khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/lần, với các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/lần và nếu có điều kiện tiến hành nâng cao tần suất. Đối với các khu vực nguy cơ sẽ được tầm soát theo hộ gia đình.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết các lực lượng của Bộ Y tế luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM bao gồm lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, hỗ trợ chuyên môn, điều trị… 

Bộ Y tế sẽ dựa trên yêu cầu từ TP.HCM để hỗ trợ, điều phối và phối hợp cho phù hợp với các lực lượng sẵn có.

Đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong thời gian tới Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc xin cho thành phố, song song đó cũng sẽ phối hợp cùng thành phố xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp với tình hình thực tiễn giãn cách tại đây - Bộ Y tế cho biết.

Tổ chức tiêm ngừa COVID-19 lưu động tại TP.HCM, bố trí xe tiêm đến các hẻm

Tại cuộc họp của Bộ trưởng với Bộ phận thường trực hỗ trợ TP.HCM chống dịch và các đơn vị chuyên môn ngày 9-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quyết định thực hiện nhiều thay đổi lớn trong hướng dẫn chuyên môn phòng chống dịch tại TP.HCM, như rút ngắn thời gian trả mẫu xét nghiệm COVID-19 xuống còn 12 giờ, tăng tần suất xét nghiệm, cách ly F1 tại nhà, tăng cường điểm tiêm vắc xin lưu động, tổ chức các điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi phù hợp...

Bộ Y tế quyết định cử 25 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tới TP. HCM tham gia chống dịch tại Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại thành phố. Đội ngũ cán bộ tăng cường sẽ tham gia phối hợp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP Thủ Đức và tất cả các quận huyện của TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM chống dịch - cho biết hiện TP.HCM đã có 2.500 đội lấy mẫu xét nghiệm với 4.000 người.

Công suất lấy mẫu đạt 350.000 - 400.000 mẫu/ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn. Bộ phận thường trực đã chuẩn bị 500.000 test nhanh và đã phân bổ về một số quận huyện và đơn vị xét nghiệm của TP.HCM.

"Đối với đơn vị làm xét nghiệm khẳng định mẫu đơn, trên địa bàn TP.HCM hiện có Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). Thời gian trả mẫu xét nghiệm đang là 24 giờ, tôi đã đề nghị rút ngắn xuống còn 12 giờ", ông Sơn thông tin - "TP.HCM đã tích cực triển khai test nhanh tại vùng lõi, nếu có trường hợp dương tính thì tiến hành làm xét nghiệm mẫu đơn đối với F1. Hơn 300 sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương hỗ trợ lấy mẫu tại 2 điểm nóng Gò Vấp, Bình Thạnh rất tích cực và hiệu quả".

Ông Sơn cũng cho biết TP.HCM đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 500 người phục vụ công tác truy vết. Hiện bộ phận thường trực đã điều động nhân lực của hai trường ĐH Y Thái Bình và ĐH Y Hải Phòng vào TP.HCM thực hiện công việc này.

TP.HCM triển khai 1.000 giường hồi sức cho các ca COVID-19 nguy kịch TP.HCM triển khai 1.000 giường hồi sức cho các ca COVID-19 nguy kịch

TTO - Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết thành phố sẽ triển khai 1.000 giường hồi sức tại 4 bệnh viện tuyến cuối.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên