08/06/2020 09:40 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Khẩn trương giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu

LÊ THANH - LÊ KIÊN thực hiện
LÊ THANH - LÊ KIÊN thực hiện

TTO - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, nhưng Chính phủ triển khai nhiều biện pháp nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Khẩn trương giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp tại Bình Dương gia công xuất khẩu giày qua thị trường Mỹ - Ảnh: T.T.D.


"Quan điểm của Chính phủ cũng như ngành tài chính là phải chung tay chia sẻ khó khăn với người nộp thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Ông Dũng nói: Đến thời điểm này, VN là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch COVID-19, kinh tế bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề, nên nhiều ngành kinh tế trong nước chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giảm thuế, phí và lệ phí chứ không chỉ dừng lại ở các chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất như nghị định 41 vừa qua. VN sẽ thực hiện các chính sách với sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các tổ chức WB, IMF..., trên cơ sở cân đối khả năng của ngân sách, từ đó đề xuất miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.

Giảm chi phí đầu vào sẽ giúp doanh nghiệp, người kinh doanh cầm cự, vượt qua khó khăn trước mắt, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, như gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỉ đồng và miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị khoảng 40.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Khẩn trương giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Hỗ trợ trước mắt để có lợi ích lâu dài

* Chính sách giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề nghị bộ trưởng đánh giá tác động của chính sách này?

- Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi đã trình Chính phủ và Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệpphải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. 

Theo đó, những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm nay không quá 50 tỉ đồng và số lao động đóng bảo hiểm không quá 100 nhân công sẽ được hưởng chính sách này. Tôi khẳng định rằng đây là chính sách thiết thực nhằm trợ giúp hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19.

Nếu Quốc hội chấp thuận, sẽ có khoảng 93% số DN của cả nước với hơn 700.000 doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm nay. Chính sách này khiến số thu ngân sách năm nay hụt khoảng 15.840 tỉ đồng, gây áp lực lên cân đối ngân sách trong ngắn hạn.

Nhưng về dài hạn, theo kinh nghiệm của chúng tôi, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng nộp thuế cho ngân sách nhà nước những năm sau. Hơn thế nữa, khu vực doanh nghiệp này còn góp phần rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động và ổn định xã hội. Đây là lợi ích lâu dài và bền vững.

Ngoài ra, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm nay. Chính sách này đạt mục tiêu kép là vừa kích cầu tiêu dùng thị trường vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài các chính sách trên, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tới. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ việc giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng: Khẩn trương giảm thuế, nuôi dưỡng nguồn thu - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ tài chính - Dữ liệu: LÊ THANH - Đồ họa: NHƯ KHANH

Tính lại doanh thu để giảm thuế khoán

* Với hàng triệu hộ kinh doanh, Bộ Tài chính có đề nghị miễn, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng này?

- Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn mà các hộ kinh doanh đã và đang phải trải qua, tính từ đầu năm đến nay. Không ít hộ kinh doanh buộc phải tạm ngưng hoạt động. Khó khăn của họ cũng đồng nghĩa với việc số thu ngân sách nhà nước sẽ càng eo hẹp hơn.

Quan điểm của Chính phủ cũng như ngành tài chính là phải chung tay chia sẻ khó khăn với người nộp thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu. Với tinh thần này, như chính sách hỗ trợ cộng đồng DN mà tôi nói ở trên, với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng đến cuối năm nay. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng được lùi thời hạn nộp tiền thuê đất.

Về chính sách thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế khẩn trương rà soát lại các mức doanh thu khoán để giảm tiền thuế phải nộp cho hộ kinh doanh theo quy định. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới trong năm đầu và những đơn vị có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống...

* Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh đã khá rõ. Vậy đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa thì sao? Nếu các chính sách hỗ trợ là hướng đến người lao động thì cần hỗ trợ doanh nghiệp lớn?

- Cần tránh hỗ trợ dàn trải, cào bằng mà chỉ tập trung chia sẻ cho những đối tượng bị thiệt hại nặng nề hơn do tác động của dịch bệnh. Mặt khác, chính sách về thuế được nghiên cứu xây dựng dựa trên nguồn lực, điều kiện ngân sách nhà nước. Như đề xuất giảm 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho năm nay, chúng tôi tính toán nếu áp dụng cho cả những doanh nghiệp vừa thì có khoảng 97% tổng doanh nghiệp của cả nước được ưu đãi, ngân sách năm 2020 sẽ giảm thu khoảng 22.440 tỉ đồng.

Nếu vậy thì gần như toàn bộ doanh nghiệp của VN được giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa và có thể sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn về vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ... Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:

Ngành tài chính đang chịu áp lực rất lớn

Thu ngân sách giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu, giá dầu thô giảm sâu, rồi đang miễn, giảm, lùi thời hạn nộp một loạt các sắc thuế, phí và lệ phí. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Nhìn số thu từng tháng qua, nếu như tháng 1 thu đạt 12% dự toán, tháng 4 chỉ thu được 5,9%, và thu tháng 5 được 4,5% dự toán. Trong khi theo quy luật 3 năm gần đây, thu ngân sách tháng 4 và 5 đạt từ 8,5-10% dự toán. Lũy kế cập nhật 5 tháng, số thu ngân sách nhà nước đạt 38,2% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn khoảng 700.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển (đầu tư công). Đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... Đây đang là thách thức rất lớn cho việc điều hành, cân đối ngân sách...

Để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách năm nay đạt mức cao nhất, ngành thuế sẽ quyết liệt trong công tác quản lý thu, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng...

Mong người dân và doanh nghiệp cùng chia sẻ với Nhà nước. Với VN, việc điều hành chính sách tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng phải rất đặc biệt và đang là thách thức lớn, là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn của Chính phủ, của Bộ Tài chính trong năm 2020 và cả những năm tới.

Hỗ trợ với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh Bộ Tài chính đã kiến nghị:

- Gia hạn nộp tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng đến cuối năm nay.

- Hộ kinh doanh cũng được lùi thời hạn nộp tiền thuê đất.

- Miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới trong năm đầu và những đơn vị có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống...

Ưu đãi thuế nhập khẩu 0% cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất ôtô Ưu đãi thuế nhập khẩu 0% cho nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất ôtô

TTO - Sau hơn 2 năm chờ đợi, chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sản xuất, lắp ráp ôtô đã được ban hành. Theo đó, thuế nhập khẩu về mức 0% với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất ôtô mà trong nước chưa sản xuất được.

LÊ THANH - LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên