20/12/2023 15:56 GMT+7

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tích cực tham mưu thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1-7-2024

Bộ Nội vụ nêu rõ đang tích cực xây dựng nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, để thực hiện từ 1-7-2024.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 20-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh trong năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm sự liên thông, thống nhất, đồng bộ.

Trong đó, các địa phương cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ.

Cùng với đó, các cấp ngành đã tăng cường thanh tra công vụ, công chức và xử lý nghiêm việc sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8% từ 1-7-2023.

Tích cực tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ 1-7-2024…

Bộ Nội vụ cũng tập trung tham mưu triển khai quyết liệt thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Tích cực tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, theo Bộ trưởng Trà, vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ.

Trong đó, nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ.

Như tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho rằng việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.

Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành nội vụ là rất nặng nề, vì vậy bà Trà đề nghị các đại biểu tham gia, đóng góp bổ sung các nhiệm vụ, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt chương trình công tác năm 2024 của ngành.

Việc này nhằm thể chế hóa kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành nội vụ.

6 nội dung cải cách tiền lương

Trước đó, báo cáo của Bộ Nội vụ nêu rõ đang tích cực xây dựng nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Cùng với đó, bộ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bộ cũng phối hợp với Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự kiến từ ngày 1-7-2024, 6 nội dung cải cách tiền lương được thực hiện gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Gần 18.000 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trên cả nước bị kỷ luậtGần 18.000 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trên cả nước bị kỷ luật

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1-1 đến 15-12-2023, tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên