05/10/2022 08:51 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời về đề nghị xử tử hình với tội phạm tham nhũng kinh tế lớn

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời về đề nghị xử tử hình với tội phạm tham nhũng kinh tế lớn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri Đà Nẵng phản ảnh điểm c, khoản 3, điều 40 của Bộ luật hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp sau đây:

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Cử tri cho rằng việc quy định này là chưa hợp lý và sẽ tạo lỗ hổng trong công tác phòng, chống tham nhũng, khiến việc tham nhũng sẽ tinh vi hơn, nhiều thủ đoạn hơn và mức tham nhũng sẽ cao hơn. Do đó cử tri kiến nghị trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh lại quy định này.

Về nội dung này sau khi nghiên cứu, Bộ Tư pháp cho biết để thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được khẳng định tại nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về cải cách tư pháp đến năm 2020.

Đồng thời thực hiện chủ trương thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có nên tại điểm c, khoản 3, điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định nêu trên.

Quy định này nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế và tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Bộ Tư pháp nêu rõ quy định này chỉ được áp dụng đối với trường hợp đã có bản án tuyên hình phạt tử hình và khi có đủ các điều kiện bao gồm:

Chủ động nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trường hợp thiếu điều kiện thứ hai thì người bị kết án dù đã nộp đủ 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ vẫn phải thi hành án.

Cũng theo Bộ Tư pháp, với những trường hợp thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4, điều 353 và khoản 4, điều 354 Bộ luật hình sự sẽ bị xem xét truy cứu với mức hình phạt cao nhất là tử hình - hình phạt nghiêm khắc nhất quy định trong chế tài hình sự.

Do vậy, quy định tại điểm c, khoản 3, điều 40 Bộ luật hình sự không ảnh hưởng tới việc xem xét quyết định áp dụng hình phạt trong quá trình xử lý hành vi phạm tội tham ô, nhận hối lộ đối với người phạm tội.

Tham ô, nhận hối lộ 1 tỉ đồng trở lên có thể bị tử hình

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV liên quan đến việc đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Bộ luật hình sự.

Trong đó cử tri đề nghị tăng chế tài xử phạt cao nhất lên tử hình đối với tội phạm về tham nhũng kinh tế lớn làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trả lời nội dung này, bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay Bộ luật hình sự năm 2015 đã dành một chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều (từ điều 352 đến điều 366).

Các điều luật của chương này được chia thành 2 mục, trong đó mục 1 quy định các tội phạm tham nhũng gồm 7 điều và mục 2 quy định các tội phạm khác về chức vụ; 1 điều về khái niệm tội phạm chức vụ.

Trong đó 2 điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô tài sản (điều 353) và tội nhận hối lộ (điều 354).

Cụ thể, khoản 4, điều 353 quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Như vậy theo Bộ Tư pháp, Bộ luật hình sự đã có quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa Luật đất đai vào đầu năm 2023 Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa Luật đất đai vào đầu năm 2023

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên