07/06/2014 00:00 GMT+7

Bó tay với việc rải tiền lẻ

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Tại hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội sáu tháng đầu năm 2014 diễn ra ngày 6-6, ông Vương Duy Bảo - phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) - cho biết kết quả của hoạt động lễ hội đầu năm vừa qua là lượng khách du lịch đến với lễ hội ngày càng tăng.

"Hoạt động thanh tra, kiểm tra mà báo trước cho địa phương sẽ không thu được kết quả gì"

Ông Phạm Xuân Phúc (phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL)

Lễ hội đầu năm: nơi hội ngộ thói hư tật xấu?

“Lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn. Vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với các kỳ lễ hội những năm trước đây” - ông Bảo nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận ấy, ông Bảo cho rằng vẫn còn những hạn chế đã có từ lâu, chưa khắc phục được như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau, tranh giành như tại lễ cướp phết - Lập Thạch, Vĩnh Phúc; lễ khai ấn đền Trần - Nam Định. Việc bày bán thịt gia súc, gia cầm ở chùa Hương còn diễn ra rất phản cảm. Hiện tượng ăn xin, dùng người khuyết tật bán hàng lưu niệm, tăm tre nhân đạo... còn diễn ra tại chùa Keo (Thái Bình), phủ Tây Hồ, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... Và hiện tượng nhức nhối bao năm nay mà chưa có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả là việc đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ khắp nơi trong lễ hội.

Ông Phạm Xuân Phúc - phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, nêu một thực tế là tại lễ hội đền Bà Chúa Kho năm nay, khi ông vào trong hậu cung thì thấy tiền lẻ do người dân rải đã dày cao đến nửa mét. “Hoạt động lễ hội không phải ở đâu cũng làm tốt, nhưng nếu đoàn thanh tra của bộ đến kiểm tra mà có kế hoạch báo trước thì ở đâu cũng làm rất tốt. Trong khi đó, nếu thanh tra, kiểm tra đột xuất thì thực tế lại không phải như vậy. Thế nên hoạt động thanh tra, kiểm tra mà báo trước cho địa phương sẽ không thu được kết quả gì” - ông Phúc nói.

Ông Phạm Xuân Phúc còn nêu một bất cập nữa là đầu năm 2014 có nhiều di tích tự ý tiếp nhận công đức bằng hiện vật và đặt trong nơi thờ tự rất nhiều. Việc này đã làm phá vỡ cảnh quan của di tích và trái với Luật di sản nếu những di tích đó đã được công nhận. “Tôi khẳng định rằng những món đồ công đức đắt tiền được bày trên đàn lễ hay đặt trong các di tích kia là không phải của dân. Vì người dân làm gì có nhiều tiền để mua những đồ đắt tiền như vậy. Vậy đó là những đồ của ai? Điều này cần phải làm rõ”.

Ông Trần Hữu Sơn - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai - cho rằng hiện nay cả nước có hàng vạn lễ hội nhưng lại chưa có một cẩm nang nào về tổ chức lễ hội. “Tôi đề nghị các nhà nghiên cứu hãy cùng với cơ quan quản lý văn hóa biên soạn một cuốn cẩm nang tổ chức lễ hội để các lễ hội trên cả nước dùng làm tài liệu tham khảo, vận dụng” - ông Sơn nói.

Hội nghị tại các khu vực phía Nam sẽ được tổ chức vào ngày 12-6.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên