24/02/2022 13:08 GMT+7

Bộ Tài chính nói gì về thuế với xăng dầu?

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Với mức giá bán xăng tăng kể từ ngày 21-2, một lít xăng RON95 đang 'cõng' hơn 10.000 đồng tiền thuế, còn các mặt hàng xăng dầu khác có số tiền thuế phải nộp lên tới 8.000 - 9.000 đồng/lít, tùy theo từng sản phẩm.

Bộ Tài chính nói gì về thuế với xăng dầu? - Ảnh 1.

Giá xăng RON95-III tăng thêm 960 đồng/lít, lên mức 26.282 đồng/lít kể từ 15h ngày 21-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một lít xăng đang "cõng" hơn 10.000 đồng tiền thuế các loại. 

Đơn cử, một lít xăng RON95 nhập về có giá khoảng 14.900 đồng thì thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) tương ứng 1.490 đồng, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít, thuế nhập khẩu (8%) 1.190 đồng và thuế giá trị gia tăng (10%) 2.500 đồng. 

Như vậy, tổng số tiền thuế một lít xăng RON 95 đang chịu hơn 10.000 đồng. Còn với các mặt hàng xăng dầu khác cũng có mức thuế 8.000 - 9.000 đồng, tùy theo mức thuế từng mặt hàng. 

Về chính sách thuế đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, các sắc thuế áp dụng với xăng dầu gồm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng). Các mặt hàng xăng dầu không chịu các khoản phí, lệ phí nộp cho ngân sách nhà nước.

So với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra trong nước đang thấp hơn mức bình quân chung. Tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45 - 60%, ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn tỉ trọng này thấp hơn. Trong khi đó, ở nước ta, tỉ trọng thuế đối với xăng khoảng 38%, với dầu khoảng 20%.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng ngày 22-2 về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và Vụ Chính sách thuế nghiên cứu để có giải pháp tối ưu nhất về thuế đối với mặt hàng xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.

Theo ông Trịnh Quang Khanh - tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28-2 là rất quyết liệt, kịp thời, đúng mong muốn của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước. 

Mức giảm thuế 1.000 đồng/lít, từ 4.000 xuống 3.000 đồng với xăng và 500 đồng/lít, từ 2.000 xuống 1.500 đồng với dầu diesel.

"Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Do đó, việc giảm thuế để bình ổn giá nhiên liệu sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đây là cách để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng nguồn thu về mặt lâu dài cho ngân sách nhà nước" - ông Khanh nhận định.

Cùng với giải pháp thuế, lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu cũng đề nghị cơ quan chức năng cần buộc các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối nhập đủ lượng dự trữ theo quy định. Còn các thương nhân đầu mối phải đảm bảo đủ nguồn hàng cho thương nhân phân phối trên cơ sở hợp đồng kinh tế đã ký kết. 

Để đảm bảo nguồn vốn cho nhập xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cần sớm chỉ đạo tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Thủ tướng gửi công điện khẩn đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu Thủ tướng gửi công điện khẩn đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu

TTO - Thủ tướng nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên