13/11/2013 21:05 GMT+7

Bỏ hoang một di tích lịch sử quốc gia

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTO - Di tích lịch sử quốc gia Hoàng Viện là nơi lưu dấu những nhà hoạt động cách mạng thời xứ ủy Trung kỳ (1930-1945). Nhiều năm qua, khu di tích này hầu như bị bỏ hoang.

ujtK3jXb.jpgPhóng to
Di tích lịch sử chỉ còn lại ba gian nhà vắng
DvxJpfo2.jpg
Khung ảnh các nhà cách mạng tiền bối dựng trên đất

Di tích vốn chỉ năm gian nhà ngang nối liền ba gian nhà dọc trên lưng chừng một triền đồi ở làng Châu Sơn, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Sau hai lần tu sửa, từ năm 2001 đến nay di tích hầu như bị bỏ hoang, thi thoảng chỉ có bà con trong làng đến trông nom. Ba gian nhà dọc và căn hầm bí mật đã biến mất. Năm gian nhà ngang nay cũng chỉ còn ba gian. Trước trận siêu bão Haiyan vừa rồi, bà con làng Châu Sơn phải dùng tre làng để chằng chống phía ngoài. Trong nhà thì làm cột đỡ những thanh xà, vì kèo đã mối mọt.

Trong ba gian nhà ẩm đất, hàng chục khung ảnh của những nhà hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, tiêu biểu như cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đại tướng Chu Huy Mân, thượng tướng Trần Văn Quang, cụ Trần Quỳ, Bùi San... đều dựng quanh nền nhà. Ngoài những tấm ảnh bị mốc, mờ, di tích còn duy nhất chiếc nồi đồng và chiếc mâm đồng dùng để nấu và đựng thạch cao phục vụ việc in ấn tài liệu truyên truyền không chỉ trong phạm vi xứ ủy Trung kỳ.

Nguyên gốc đây là hai căn nhà cấp bốn của hai anh em cụ Hoàng Viện từng tham gia hoạt động cách mạng bị giặc Pháp tù đày ở nhà lao Đắk Lắc, Kon Tum, sau trở thành cơ sở hoạt động bí mật của nhiều nhà cách mạng. Ngoài cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đại tướng Chu Huy Mân, thượng tướng Trần Văn Quang nhiều rường cột của phong trào cách mạng lúc bấy giờ đã trở thành cán bộ chủ chốt sau năm 1975. Cụ Bùi San bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cụ Trần Quỳ phó ban tổ chức trung ương...

KS4Hgo64.jpg
Dụng cụ in ấn tài liệu cũng bơ vơ trong tủ sụng

Ông Hoàng Hiếu, nguyên chủ tịch UBND xã Hưng Châu nói: "Làng Châu Sơn có danh hiệu làng có công với nước. Đường vào di tích xưa chỉ là một lối mòn nay bà con đã hiến đất để mở đường thông thoáng như bây giờ. Hiềm một nỗi là những khung ảnh của những nhà cách mạng tiền bối không có nơi lưu giữ, thờ tự đúng với lòng ngưỡng vọng của bà con và lớp trẻ về một di tích lịch sử đáng nhớ của cha ông".

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên