15/03/2020 11:44 GMT+7

Bình Thuận cần 'đặc biệt lưu ý bệnh nhân 34', người dân lo lắng là đúng

ĐỨC TRONG - A LỘC
ĐỨC TRONG - A LỘC

TTO - Sáng 15-3, đoàn công tác Bộ Y tế do thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đến ghi nhận và họp bàn giải pháp phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận cần đặc biệt lưu ý bệnh nhân 34, người dân lo lắng là đúng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng) tại cuộc họp với UBND Bình Thuận sáng 15-3 - Ảnh: ĐỨC TRONG

Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Khi liên quan đến vấn đề y tế phải khai báo thật thà'

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Việt - giám đốc Sở Y tế Bình Thuận - cho hay khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là nhân lực phục vụ phòng chống dịch còn thiếu, đang làm việc trong tình trạng quá sức. Trong khi đó, trang thiết bị y tế chưa đầy đủ nếu tình trạng dịch bệnh diễn ra phức tạp trong thời gian tới.

Ông Việt kiến nghị Bộ Y tế sớm công nhận phòng xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đủ điều kiện an toàn sinh học.

Địa phương cần Bộ Y tế hỗ trợ thêm các trang thiết bị để triển khai phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đồng thời hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên và nhân lực khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bình Thuận cần đặc biệt lưu ý bệnh nhân 34, người dân lo lắng là đúng - Ảnh 3.

Nhân viên y tế sát trùng bên trong tuyến đường bị cách ly tại TP Phan Thiết - Ảnh: A LỘC

Tính đến thời điểm này, tại Bình Thuận ghi nhận 9 ca nhiễm COVID-19, 203 trường hợp tiếp xúc gần (F1) và 761 trường hợp F2 (tiếp xúc gần với F1).

Số mẫu địa phương đã đưa đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang là 229, trong đó có 9 ca dương tính.

Đia phương có 2 cơ sở cách ly tập trung là Trung đoàn 812 đóng tại thị xã LaGi (110 giường) và cơ sở số 4 đường 19/4 TP Phan Thiết (30 giường). Hiện địa phương chuẩn bị mở cơ sở thứ 3 tại Trường Quân sự tỉnh (khoảng 150 giường).

Ông Nguyễn Đức Hòa - phó chủ tịch UBND Bình Thuận - kiến nghị Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn những trường hợp xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu sân bay, bởi địa phương không thể thực hiện được việc này.

Cũng theo ông Hòa, ban đầu khi xảy ra dịch, địa phương có lúng túng trong việc xử lý tình huống nhưng đến giờ đã ổn định trở lại. Ông cho rằng khâu xác định F1 rất quan trọng vì hiện nay nhiều trường hợp khai báo không đầy đủ.

Địa phương đã tính đến phương án huy động các đội ngũ y tế từ tuyến dưới đến tăng cường chi viện cho TP Phan Thiết. Địa phương đang thành lập thêm các bệnh viện dã chiến cấp 1 ở tuyến dưới.

Bình Thuận cần đặc biệt lưu ý bệnh nhân 34, người dân lo lắng là đúng - Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (giữa) trao đổi cùng bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận tại khu vực 2 tuyến đường bị cách ly - Ảnh: A LỘC

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - cho rằng ngành y tế tỉnh cần tăng cường đội ngũ y tế ở các tuyến dưới lên để đảm bảo phòng chống dịch.

"Phải tính thêm phương án huấn luyện cấp tốc cho các sinh viên năm 2 và năm 3 tại Trường Cao đẳng y tế Bình Thuận để sẵn sàng tham gia công tác chống dịch khi xảy ra tình huống xấu nhất" - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, ngành y tế địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát các trường hợp F1, F2 vì có khả năng còn sót lọt.

"Bình Thuận đang chủ động nỗ lực khắc phục và xác định đây chỉ là giai đoạn đầu của chặng đường đầu trong công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cho phương án nhiều ngày và nhiều tháng tiếp theo" - ông Hùng nói thêm.

“Cho đến bây giờ, cơ bản chúng tôi đã xác đinh được những đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 và đang tổ chức biện pháp cách ly, điều trị một cách phù hợp nhất” - thứ trưởng Sơn khẳng định.

Bệnh nhân 34 Bệnh nhân 34 'siêu lây nhiễm' khai gian dối như thế nào?

TTO - Bệnh nhân 34 khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là đi thẳng về nhà riêng, tuy nhiên thực tế bà từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến Phan Thiết, bà còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống.

Bình Thuận cần đặc biệt lưu ý bệnh nhân 34, người dân lo lắng là đúng - Ảnh 6.

Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Vệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận - Ảnh: A LỘC

Kết luận tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ghi nhận nỗ lực trong công tác phòng chống dịch của địa phương và cho biết Bộ Y tế sẽ sẵn sàng hỗ trợ địa phương. 

Trước mắt, bộ sẽ hỗ trợ các vật tư y tế cho Bình Thuận từ nguồn dự trữ quốc gia, đồng thời đề nghị Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM sớm xem xét, giải quyết kiến nghị của địa phương.

Ông Sơn đề nghị Bình Thuận đặc biệt lưu ý bệnh nhân thứ 34. Bởi bệnh nhân là doanh nhân, có quan hệ làm ăn và giao dịch nhiều nơi dẫn đến khả năng lây lan bệnh cho nhiều người. 

Sau khi đi thị sát tại các khu điều trị và cách ly, thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đã yên tâm về công tác chuẩn bị, thực hiện những quy định theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” của địa phương, đặc biệt là tinh thần chấp hành rất nghiêm của người dân về cách ly. 

Về trường hợp “siêu lây nhiễm” thứ 34, ông Sơn cho rằng lo lắng của bà con hoàn toàn chính xác. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng, mỗi người dân khi có những vấn đề liên quan đến y tế thì phải khai báo thật thà. 

Thêm 81 mẫu âm tính, tiếp tục theo dõi mẫu bệnh nhân 34

Sáng 15-3, Sở Y tế Bình Thuận cho biết vừa nhận thêm kết quả âm tính của 81 mẫu bệnh phẩm từ Viện Pasteur Nha Trang. Đó là những trường hợp F1 của 9 bệnh nhân COVID-19 tại địa phương. Riêng mẫu 82 (gửi đi cùng lúc 81 mẫu F1) là bệnh phẩm của bệnh nhân 34 vẫn đang tiếp tục theo dõi.

Bình Thuận tạm đóng cửa quán bar, game, phòng tập gym, yoga... phòng COVID-19 Bình Thuận tạm đóng cửa quán bar, game, phòng tập gym, yoga... phòng COVID-19

TTO - 15h chiều 14-3, Bình Thuận sẽ phun xịt khử trùng trên diện rộng để phòng dịch COVID-19, đồng thời đóng cửa một số hoạt động dịch vụ ở địa phương này.

ĐỨC TRONG - A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên