06/08/2021 11:04 GMT+7

Biến thể Delta đang lan rộng ở Nhật

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nhật Bản quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế khẩn cấp ảnh hưởng tới hơn 70% dân số, trong bối cảnh số ca bệnh và nhập viện vì biến thể Delta tăng kỷ lục tại thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác của nước này.

Biến thể Delta đang lan rộng ở Nhật - Ảnh 1.

Người đi đường đeo khẩu trang tại thủ đô Tokyo, Nhật ngày 6-8 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nước này - Ảnh: REUTERS

Theo Đài NHK, Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Nhật ước tính gần 90% ca bệnh được ghi nhận gần đây tại Tokyo và ba tỉnh lân cận Kanagawa, Saitama và Chiba là do biến thể Delta (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ).

Viện đã phân tích thông tin do bảy công ty tư nhân chuyên xét nghiệm COVID-19 để ước tính sự phổ biến của virus mang đột biến L452R, phát hiện trong biến thể Delta, trong các ca bệnh gần đây, và công bố kết quả trong cuộc họp với hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế Nhật hôm 5-8.

Theo NIID, tỉ lệ lây nhiễm biến thể Delta tại các tỉnh phía tây như Osaka, Kyoto và Hyogo vẫn thấp cho đến đầu tháng 7. Tuy nhiên NIID dự báo số ca bệnh do biến thể Delta có thể tăng lên và chiếm đến 80% ca bệnh trong khu vực này vào cuối tháng 8.

Số ca mắc biến thể Delta cũng đang tăng ở những khu vực khác của Nhật.

NIID cảnh báo sự phổ biến của biến thể Delta có thể làm tăng mạnh số ca nhập viện, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.

Ông Wakita Takaji, trưởng nhóm chuyên gia thuộc Bộ Y tế Nhật, cho biết biến thể Delta gần như lây truyền nhanh gấp đôi so với các biến thể khác. 

Ông Takaji thừa nhận sẽ rất khó để kiểm soát số ca bệnh do biến thể Delta nếu các biện pháp phòng dịch hiện nay vẫn như trước đây.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga thông báo các biện pháp phòng dịch mới, hầu hết là tự nguyện, khi Tokyo ngày 5-8 lập kỷ lục về số ca mắc mới theo ngày với 5.042 ca bệnh trong 24 giờ. Cùng ngày, số ca bệnh trên cả nước Nhật cũng lần đầu tiên vượt mốc 15.000 ca trong 24 giờ.

Theo Đài NHK, các cố vấn y khoa tại Tokyo cho biết thủ đô Nhật có thể ghi nhận gấp đôi số ca bệnh trong hai tuần tới.

"Tình hình tại các bệnh viện đang cực kỳ nghiêm trọng" - Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết. Theo ông Nishimura, tình hình nghiêm trọng tới mức chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Suga cho biết chính phủ "hiện không xem xét điều đó" và sẽ tập trung vào các điểm nóng dịch bệnh.

Theo Hãng tin Reuters, sáu tỉnh, trong đó có thủ đô Tokyo, hiện đang trong tình trạng khẩn cấp đến ngày 31-8. Năm tỉnh khác cũng đang áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng tới hơn nửa dân số các tỉnh.

Chính phủ Nhật yêu cầu các nhà hàng đóng cửa sớm và ngừng phục vụ đồ uống có cồn, đồng thời kêu gọi người dân ở nhà càng nhiều càng tốt. Ông Suga ngày 5-8 yêu cầu người dân hạn chế đi du lịch trong mùa hè này.

Các biện pháp mới nhất vừa được ông Suga công bố sẽ có hiệu lực từ ngày 8-8. Theo Reuters, điều này có nghĩa là hơn 70% dân số sẽ chịu một số hạn chế nhất định để ngăn dịch lan rộng.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà tổ chức Thế vận hội ngày 6-8 ghi nhận thêm 29 ca bệnh mới liên quan đến sự kiện thể thao đang diễn ra tại Nhật, nâng tổng số ca bệnh liên quan đến Thế vận hội từ ngày 1-7 lên 382 ca.

Hàn Quốc ghi nhận hơn 1.700 ca bệnh trong ngày thứ ba liên tiếp

Tại nước láng giềng Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo Kyum ngày 6-8 cho biết Hàn Quốc sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm hai tuần trong bối cảnh dịch bùng phát trên toàn quốc và ngày càng nhiều người bệnh nặng.

Theo Reuters, Chính phủ Hàn Quốc đã siết các biện pháp hạn chế phòng dịch trong tuần trước trên hầu hết các khu vực của đất nước trước kỳ nghỉ hè.

Seoul và các vùng lân cận bị cấm tụ tập trên hai người từ sau 18h, trong khi cấm tụ tập trên 4 người ở những khu vực còn lại của Hàn Quốc.

Giới chuyên gia y tế đã kêu gọi chính phủ siết chặt các biện pháp giãn cách trong bối cảnh số ca bệnh nặng đã tăng gấp đôi trong ba tuần.

Hàn Quốc cũng đã ghi nhận trên 1.700 ca bệnh theo ngày trong ba ngày liên tiếp. Mới nhất, Hàn Quốc ngày 6-8 ghi nhận thêm 1.704 ca bệnh trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 207.400 ca, trong đó có 2.113 ca tử vong.

Dịch COVID-19 trong tương lai sẽ ra sao? Dịch COVID-19 trong tương lai sẽ ra sao?

TTO - Nhiều yếu tố tác động như khả năng bảo vệ của các loại vắc xin khác nhau, nhiều biến thể mới xuất hiện, độ bao phủ tiêm chủng vắc xin… khiến khó xác định tỉ lệ tiêm cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên