Năm nay, sự kiện Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ít được nhắc tới hơn năm ngoái dù trên thực tế, cũng đã có một số động thái "qua lại" giữa các bên, cả trên truyền thông lẫn trên biển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo ngày 13-7 tuyên bố cao giọng như thường lệ, phủ định tất cả: "Cái gọi là phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.

Điều đó là bất hợp pháp, vô hiệu và vô nghĩa". Ông Uông giữ nguyên thái độ cố hữu: "Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ yêu sách hoặc hành động nào dựa trên phán quyết này". Nói cách khác, Trung Quốc mới là luật, còn tất cả, kể cả PCA, đều là con số không.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 1.

Chẳng qua hôm ấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc "phản pháo" tuyên bố trước đó một ngày của tân Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo, vừa nhậm chức hôm 1-7 cùng tân Tổng thống Bongbong Marcos. Nhà ngoại giao 70 tuổi Manalo từng giữ chức quyền ngoại trưởng, đại sứ Philippines tại Đức, rồi Liên Hiệp Quốc, nên hiển nhiên "rành sáu câu" các quy tắc cũng như "đòn thế" ngoại giao.

Ngày 12-7-2022, kỷ niệm 6 năm ngày phán quyết PCA về Biển Đông, ông Manalo đã "ra mắt" cộng đồng quốc tế bằng một tuyên bố chính thức dài 486 chữ. So với tuyên bố năm ngoái kỷ niệm 5 năm phán quyết dài đến 691 chữ của người tiền nhiệm là ông Teodoro L.Locsin Jr, tuyên bố năm nay không chỉ ngắn hơn, mà còn "bọc nhung" hơn.

Mở đầu, ông Manalo viện dẫn "ngày 12-7-2016 như là ngày khẳng định với cộng đồng các quốc gia rằng pháp quyền chiếm ưu thế, và sự ổn định, hòa bình và tiến bộ chỉ có thể đạt được khi được thiết lập trên trật tự pháp lý dựa trên các quy tắc trên đại dương, cũng như ở mọi nơi khác", mà tránh không đề cập trực tiếp đến vụ kiện hay quan hệ đối kháng Philippines - Trung Quốc trên biển.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 2.

Chính sách đối ngoại của Philippines dưới thời ông Marcos Junior được dự báo không khác nhiều so với thời Duterte. Ảnh: Inquirer.net

Tuyên bố 9 lần đề cập đến "biển Hoa Nam" (tức Biển Đông), song không một lần nhắc đến Trung Quốc, cho thấy chủ ý đấu dịu. Cách hành văn "phi chủ từ" và không nêu danh này cho thấy một thái độ "dĩ hòa vi quý" có vẻ đang ngày càng phổ biến trong khu vực.

Qua đó có thể thấy sơ lược cách tiếp cận của chính quyền mới ở Manila. Có lẽ để xướng họa cho tương ứng, ông Uông ngày hôm sau cũng không nêu đích danh ai cả. Vụ nói qua, nói lại "cách sơn đả ngưu" này giữa hai bộ ngoại giao Bắc Kinh và Manila cho thấy chính quyền Bongbong Marcos có lẽ sẽ không thay đổi nhiều về chính sách đối ngoại với láng giềng phương bắc.

Thật vậy, giới phân tích từ lâu đã nhận diện tân Tổng thống Marcos là khá "thân thiết" với Bắc Kinh. Những nhận xét chắc nịch như của Aaron Jed Rabena trên trang Fulcrum (Singapore) 12-7 không phải là hiếm:

"Việc Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr. được bầu làm tổng thống mới của Philippines đã làm dấy lên suy đoán rằng chính sách về Trung Quốc của chính quyền ông sẽ na ná người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Ngoài việc hai ông là đồng minh chính trị, Bongbong trong chiến dịch tranh cử còn nhiều lần ca ngợi Trung Quốc và thỉnh thoảng chế giễu Hoa Kỳ".

Tất nhiên, mọi sự trên đời đều có mặt trái mặt phải. Nhà phân tích Rabena lưu ý: "Chớ vội kết luận chính quyền mới sẽ nghiêng hẳn về Bắc Kinh", bởi lẽ tân Tổng thống Marcos sau khi nhậm chức đã có những tuyên bố về phán quyết PCA 2016 và khẳng định "sẽ nói chuyện với Trung Quốc một cách quả quyết".

Âu cũng là dễ hiểu, bởi lẽ ông Bongbong không chỉ lãnh đạo cử tri của mình, mà còn phải tranh luận ở nghị trường với các nghị sĩ đối lập, các bậc trưởng thượng trong chính giới, như cựu ngoại trưởng Albert del Rosario hoặc Thẩm phán Tòa Tối cao Antonio Carpio, những người vốn có tinh thần quốc gia dân tộc rất mạnh.

Xã hội Philippines đa dạng, có người thân Trung Quốc, còn nhớ kỹ những đau khổ Mỹ gây ra cho đất nước trong thời thuộc địa; thì cũng có không ít người thân Mỹ, còn nhớ đồng minh Hoa Kỳ từng sống chết với Philippines - như có thể thấy qua 17.000 nấm mồ và tấm đá vôi khắc tên 36.000 binh sĩ Mỹ tử trận trong Thế chiến II còn chưa tìm thấy hài cốt ở nghĩa trang quân đội Mỹ, ngoại ô Manila.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 3.

Ký ức của thời kỳ đó còn bao gồm 99 phi công Mỹ thuộc đội tình nguyện Hoa Kỳ Phi hổ (Flying Tigers), mà từ cuối năm 1941 đã cùng 100 máy bay Curtiss P-40 sang Côn Minh (Trung Quốc) tham chiến chống phát xít Nhật thời Tưởng Giới Thạch.

Nhưng hơn 40.000 binh sĩ Mỹ tử trận để giành lại Philippines trong Thế chiến II và đội Phi hổ là bằng chứng khó bác bỏ về một nước Mỹ đã, đang và sẽ còn hiện diện ở Biển Đông nói riêng, và châu Á - Thái Bình Dương nói chung, với đầy đủ thẩm quyền.

Còn trong thời hiện đại, một nghiên cứu của Viện SEAS - Yusof Ishak Singapore cho thấy ở Đông Nam Á, khoảng 69% những người được hỏi muốn "Trung Quốc tôn trọng chủ quyền và không ép buộc các chọn lựa chính sách đối ngoại của nước tôi" (Insideover 17-7).

Tương tự, "trong ASEAN nói chung, 64,6% những người được hỏi nghĩ rằng "Trung Quốc nên giải quyết tất cả tranh chấp lãnh thổ và hàng hải một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế"". Con số này đã tăng so với năm 2021 (55,2%), và đặc biệt áp đảo ở một số nước, như Campuchia (80,0%), Indonesia (63,2%), Philippines (94,5%) và Việt Nam (88,9%).

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 4.

6 năm đã trôi qua kể từ phán quyết PCA. Tuy nhiên trên thực tế, tình hình Biển Đông vẫn đang biến chuyển như thể chưa từng có phán quyết này, căng thẳng giữa các bên xa gần vẫn không ngớt. Thiết nghĩ cần nhắc lại những ý chính của phán quyết PCA, kẻo có người cố tình quên:

(1) Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với tài nguyên bên trong cái gọi là "Đường 9 đoạn".

(2) Việc Trung Quốc tự ý thay đổi hiện trạng các thực thể trên biển bằng hoạt động cải tạo và xây dựng không tạo ra các quyền mới cho Trung Quốc.

Hai kết luận này nay là cơ sở cho hoạt động của các nước có nhu cầu bảo vệ tuyến hàng hải và quyền tự do hàng hải của mình, từ Mỹ, Úc, Nhật, Pháp, Ấn Độ...

Ngược lại, Trung Quốc vẫn không thừa nhận phán quyết. Đầu tháng 6 vừa rồi, họ tiếp tục các hoạt động "nắn gân" bằng cách cử máy bay chiến đấu J-16 "ép" một máy bay thám thính P-8 của không quân hoàng gia Úc, mà theo Bộ Quốc phòng Úc thì mấy chục năm qua không quân nước họ vẫn hoạt động tại khu vực này, tất nhiên hoàn toàn đúng luật pháp quốc tế.

Càng nguy hiểm hơn khi chiếc J-16 đã phóng ra những mảnh "bùi nhùi" kim loại mà nếu lọt vào động cơ phản lực chiếc P-8 sẽ gây ra một thảm họa khôn lường.

Vụ đó vẫn chưa ghê gớm bằng vụ một máy bay của hãng hàng không dân dụng Cathay Pacific may mắn thoát khỏi một tên lửa Trung Quốc cuối tháng 5 vừa rồi (Eurasian Times 27-5). Số là trong đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, do một phi công đăng tải, một máy bay đã suýt bị trúng tên lửa, được cho là phóng từ tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 5.

Nhiều nước ngoài khu vực đã khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Getty Images

Chiếc máy bay đang bay trên Biển Đông khi Cơ quan Kiểm soát không lưu (ATC) cuống cuồng ra lệnh: "Quẹo trái 90 độ ngay lập tức!". Giọng nói của những người không rõ danh tính trong video bàn về việc liệu tên lửa có đang hướng về phía họ hay không.

Có thể thấy quả đạn trồi lên khỏi mặt biển và bay lên một độ cao phía trước máy bay. Đoạn phim được chia sẻ trực tuyến bởi người dùng Twitter @jchovernut - phi công của Allegiant Air và cựu chiến binh trong cộng đồng tàu ngầm của hải quân Hoa Kỳ.

Chưa hết, vào tháng 6, chiến hạm Úc HMAS Parramatta, sau khi ghé thăm Đà Nẵng, đang trên đường đi Hàn Quốc, thì bị tàu khu trục tên lửa dẫn đường 052C "Luyang II" và tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân 093-A "Shang II" đeo bám sát nút (ABC News 13-7).

Có những vụ "làm luật" khác không gây căng thẳng ngay song lại "chặn đường, chặn sá" trên biển, tỉ như lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc đơn phương áp đặt với ngư dân các nước khác suốt ba tháng rưỡi (Asia Times 6-6).

Cả Mỹ cũng phản đối việc này, lập luận rằng phán quyết PCA đâu có cho Trung Quốc quyền đó. Như để thể hiện rõ sự phản đối, tuần rồi hai lần tàu chiến Mỹ đã tiến vào Hoàng Sa và Trường Sa để chứng tỏ phán quyết 2016 là có giá trị thực hành.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 6.

Vô hình trung, các hành động "làm luật" của Trung Quốc góp phần giải thích mục đích và yêu cầu của cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2022 lớn nhất từ trước tới nay, quy tụ 25.000 quân nhân, 38 tàu mặt nước, hơn 170 máy bay và 9 nhóm lực lượng đánh bộ của 26 quốc gia, mà trong khối ASEAN đã có đến phân nửa tham gia (Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Singapore).

Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) 6-6, ghi nhận: "Cuộc tập trận đa phương diễn ra vào thời điểm Trung Quốc dự kiến sẽ hạ thủy tàu sân bay thứ ba trong tháng này...

Tháng trước, hải quân Trung Quốc đã tập trận ngoài khơi Okinawa bằng cách phô diễn khoảng 300 lượt máy bay hạ và cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh".

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 7.

Toàn cảnh phiên tòa 6 năm trước. Ảnh: pca-pac.org

Tờ báo viết tiếp: "Cảm nhận về mối đe dọa ở Ấn Độ - Thái Bình Dương tăng cao khi Trung Quốc nay sử dụng cơ bắp kinh tế và quân sự để xây dựng các hiệp ước quốc phòng với các đảo xa Thái Bình Dương như quần đảo Soloman, Kiribati và Vanuatu ở châu Đại Dương...

Mục tiêu rõ ràng của Trung Quốc là vượt qua chuỗi đảo thứ nhất bao quanh Biển Đông và tiến vào Thái Bình Dương xa hơn, từ đó tạo ra rào cản an ninh cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cũng như đe dọa ảnh hưởng trong khu vực của Úc".

Từ đó, tờ báo giải thích cho RIMPAC bằng vỏn vẹn mấy chữ: "RIMPAC là để phô diễn sức mạnh hàng hải". Ấn Độ tất nhiên có tham gia.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 8.

Có thể lấy ví dụ là một nước ASEAN tầm trung như Malaysia cũng tham gia hết mình với khinh hạm KD Lekir, trong bài tập đánh chìm tàu (Sinkex) bằng tên lửa chống hạm Exocet Block 2 của Pháp, được phóng vào mục tiêu giả lập là chiếc khinh hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ lớp Oliver Hazard Perry đã bị loại biên.

Dẫn đầu về lực lượng tham gia RIMPAC là Hàn Quốc với ba tàu mặt nước và một tàu ngầm. Kế đến là Úc với ba tàu mặt nước. Canada, Nhật Bản và Mexico cùng gửi mỗi nước hai tàu.

Ấn Độ, Chile, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Peru, Pháp, Philippines và Singapore mỗi nước một chiếc. Riêng Ấn Độ phái khinh hạm tàng hình mang tên lửa dẫn đường 6.000 tấn INS Satpura và một máy bay tuần thám P8, theo tin từ Bộ Quốc phòng nước này.

Làm thế nào mà hải quân chừng đó nước, trải dài trên 13 múi giờ, lại có thể tứ hải giai huynh đệ, nếu không vì một mối đe dọa chung?

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 9.

Tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong đang di chuyển như con thoi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức hôm 23-5. Chính phủ mới mà bà Wong đang phụng sự muốn thiết lập lại sợi dây liên kết với các nước trong khu vực, mà chuyến đi đến Đông Nam Á hai tuần rồi là một chỉ dấu rõ ràng.

Trong bài phát biểu chính sách quan trọng ở Singapore hôm 6-7, bà Wong đã nói tất cả những điều mà ASEAN muốn nghe: vai trò trung tâm của ASEAN, cách khu vực sẽ trở thành trọng tâm chiến lược với tương lai của Úc và việc Úc sẽ tìm cách đảm bảo an ninh cho chính mình cùng với châu Á, chứ không chỉ hưởng lợi từ châu Á.

Mỗi nơi bà Wong đặt chân đến, từ Việt Nam đến Malaysia (26 đến 30-6), Singapore (6 và 7-7) và gần đây nhất là Indonesia (đến lần thứ hai để dự Hội nghị ngoại trưởng G20 ngày 7 và 8-7), thông điệp của bà gần như giống nhau. Đó là câu chuyện về cội nguồn châu Á.

Bà có cha là người Malaysia gốc Hoa, trải qua thời thơ ấu ở bang Sabah (Malaysia), trước khi chuyển đến Úc năm 8 tuổi, nên rất hiểu Đông Nam Á; đi kèm là một thông điệp chính trị: nước Úc đã thay đổi và là một phần của châu Á.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 10.

"Cứ hai người Úc thì một người sinh ra ở nước ngoài hoặc có cha mẹ sinh ra ở nước ngoài, nên đây là một trải nghiệm kiểu Úc", bà Wong nói khi trở về cố hương. Trong bài phát biểu sau đó tại Singapore, bà nhấn mạnh sự quan tâm của Canberra xuất phát từ thực tế đa văn hóa và đa chủng tộc của quốc gia này.

"Hơn 1 triệu trong 25 triệu người Úc tuyên bố có gốc gác Đông Nam Á. Tôi không phải thành viên lập pháp duy nhất sinh ở Malaysia. Các nghị sĩ mới bầu của Úc có gốc Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Sri Lanka, Afghanistan và các nơi khác", bà Wong chia sẻ và cho rằng những dữ kiện đó nói lên phần nào chính sách đối ngoại của Úc - điều mà bà mô tả là tấm gương phản chiếu chính sách đối nội.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 11.

Trong ba chuyến công du Đông Nam Á trong vòng 1 tháng (lần đầu đến Indonesia khi tháp tùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese cuối tháng 5-2022), bà Wong đã nhiều lần nói tới nguồn gốc Đông Nam Á của mình.

Trang tiểu sử của bà cũng liệt kê chi tiết quá trình từ lúc sinh ra đến khi trở thành lãnh đạo phe đối lập tại thượng viện, và nay là ngoại trưởng Úc.

Bà tỏ ra rất thoải mái trong nền văn hóa địa phương và thể hiện sự tôn trọng rất mực - một bài học vỡ lòng của các nhà ngoại giao để tranh thủ tình cảm của dân bản xứ.

Tại Việt Nam, bà thưởng thức món phở gà vào buổi sáng Hà Nội, trong khi ở Indonesia, bà gửi đi một thông điệp qua đoạn video nói tiếng Bahasa Indonesia - thứ tiếng có nhiều người nói nhất trong khu vực.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 12.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong vui vẻ ăn sáng tại cố hương Malaysia trong chuyến thăm vào cuối tháng 6-2022. Ảnh: Twitter Senator Penny Wong

Trong chuyến thăm Malaysia, bà Wong chủ đích ghé Kota Kinabalu trên đảo Borneo, về lại nơi bà đã trải qua thời thơ ấu. Nữ ngoại trưởng Úc cũng đi ăn sáng tại một quán địa phương với em trai, người vẫn sống ở Kota Kinabalu, và sau đó đến thăm mộ bà ngoại.

Những hành động đó không chỉ để "lấy điểm" với dân bản địa, mà còn là thông điệp bà Wong và chính quyền mới ở Úc muốn nói với khu vực, rằng Úc là một phần của khu vực và là nơi tiếp nhận rất nhiều người gốc Đông Nam Á đang đảm nhận những chức vụ cấp cao nhất trong chính quyền, và người không phải da trắng vẫn có thể thành công ở Úc, kể cả một người gốc Hoa như bà Wong, dù quan hệ Úc - Trung Quốc đang căng thẳng chưa từng thấy.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 13.

Câu hỏi đặt ra là liệu Úc có thực sự lấy được lòng tin của Đông Nam Á hay không? Những màn xã giao tuy đẹp và ấn tượng, nhưng sẽ là không đủ nếu thiếu những chính sách mang lại lợi ích thực tế.

Trong khi với dân chúng, hình ảnh nước Úc gần gũi và một người gốc Đông Nam Á thành công như bà Wong tạo được nhiều thiện cảm, thì trong giới tinh hoa, vẫn có những người tin rằng Úc quá giống một "tay chân" của "sen đầm" Mỹ.

Những cơ chế mà Canberra đã đạt được trong chính quyền trước như AUKUS (hợp tác đóng tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân) hay Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD) vẫn thường được dùng làm dẫn chứng cho các hoạt động tập hợp lực lượng của Úc gắn chặt với Mỹ - quốc gia có nhiều hệ quy chiếu giống họ, dù ở xa tít mù khơi.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 14.

Quan hệ Úc - Trung Quốc là một khúc mắc lâu nay trong chính sách đối ngoại của Úc. Ảnh: Reuters

Khác biệt giữa Úc và Đông Nam Á bắt nguồn từ nhận thức khác nhau về mối đe dọa. Với Canberra, sức mạnh kinh tế - quân sự của Trung Quốc, và việc họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó để cưỡng ép nước khác, là mối đe dọa lớn nhất với an ninh khu vực.

Trong khi nhiều thành viên ASEAN có xu hướng coi cạnh tranh Mỹ - Trung, chứ không phải một bên cụ thể, là động lực cơ bản gây ra bất ổn.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 15.

"Trạng thái cân bằng chiến lược" là giải pháp của Úc trước nỗi lo của Đông Nam Á. Như bà Wong mô tả tại Singapore, đó là trạng thái mà các quốc gia không bị ép buộc, được quyết định những quan hệ liên kết và đối tác với nước khác.

Bài phát biểu là chỉ dấu về cách chính phủ mới ở Úc đang điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp hơn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Với một số nhà quan sát Đông Nam Á, cuộc gặp của bà Wong với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 8-7 bên lề hội nghị G20 ở Indonesia là một động thái tích cực, dù không có kết quả thực chất nào được công bố.

Cả hai bên cũng tuyên bố đây chỉ là khởi đầu, và dù có những tranh cãi qua lại sau đó, cuộc gặp là tín hiệu cho thấy Canberra và Bắc Kinh đều không muốn những khác biệt đi quá xa.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 16.

Theo đề xuất của một số chuyên gia, Úc cần bổ nhiệm một đặc phái viên cấp cao chuyên trách ASEAN để thiết lập quan hệ mang tính xây dựng với các nước và quản lý sự khác biệt, để nắm bắt rõ hơn những mối quan tâm riêng của các quốc gia tầm trung tại Đông Nam Á.

Chính phủ của Thủ tướng Albanese đã đáp ứng đề xuất đó khi cam kết sẽ chỉ định một đặc phái viên để xóa bỏ các khâu trung gian, quan liêu cản trở quan hệ song phương. Ít nhất hai nguồn tin ngoại giao xác nhận việc chỉ định đặc phái viên là một cam kết mà chính phủ Công đảng Úc sẽ tiến hành, có thể sớm nhất trong "vài tuần tới".

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 17.

Bà Penny Wong và Thủ tướng Úc Albanese. Ảnh: Asia Times

Tiến sĩ Hường nhận định các chuyến công du đầu tiên của bà Wong chủ yếu ở Đông Nam Á và diễn ra chỉ trong vài tuần sau khi nhậm chức là một chỉ dấu tốt.

"Nó theo đúng những cam kết của bà ấy từ khi còn là bộ trưởng ngoại giao trong nội các đối lập, đó là dành nhiều sự quan tâm hơn đến Đông Nam Á.

Việc chính phủ Công đảng muốn có đặc phái viên Đông Nam Á là một dấu hiệu khác cho thấy Úc đang ngày càng chú ý đến khu vực này", bà Hường nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Biển Đông 6 năm sau phán quyết PCA - Ảnh 18.
DANH ĐỨC - DUY LINH
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0