14/04/2019 07:48 GMT+7

Biến cầu Bình Lợi thành sản phẩm du lịch

KTS CAO THÀNH NGHIỆP - KTS NGUYÊN HẠNH NGUYÊN
KTS CAO THÀNH NGHIỆP - KTS NGUYÊN HẠNH NGUYÊN

TTO - Cầu Bình Lợi là cây cầu thép quay duy nhất còn lại ở Việt Nam, để lại bao ký ức trong lòng người dân Nam Bộ khi đến đất Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp...

Biến cầu Bình Lợi thành sản phẩm du lịch - Ảnh 1.

Mô tả đề xuất bảo tồn cầu Bình Lợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đối với dân làm du lịch, sản phẩm là yếu tố quyết định đến sự thành công. Một địa điểm dù đẹp, hấp dẫn đến mấy nhưng cứ 'ăn mãi, không làm mới nó thì dần cũng nhàm chán... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch than thở rằng du khách đến TP.HCM cứ mãi loanh quanh những địa điểm quen thuộc như chợ Bến Thành, Bưu điện trung tâm, địa đạo Củ Chi... riết cũng đâm chán.

Từ nhu cầu xây dựng sản phẩm mới cho du lịch TP.HCM; từ bài viết Lịch sử hình thành cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, đã có những gợi ý, đặt hàng của ngành du lịch cho chúng tôi về việc khai thác cầu Bình Lợi trong tour khai thác du lịch đường sông Sài Gòn.

Kinh nghiệm quốc tế: Cây cầu trên sông Kwai - Thái Lan

Tại thượng nguồn dòng sông Kwai chảy vào Kanchanaburi (miền trung Thái Lan) có một cây cầu tuy trông có vẻ tầm thường nhưng đã trở thành một cột mốc lịch sử quốc gia. Cây cầu này nổi tiếng thế giới từ sau bộ phim do Hollywood thực hiện vào năm 1957 Cầu sông Kwai.

Đây là một bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ hai chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Pierre Boulle. Phim này đoạt giải Oscar năm 1957. Phim nói về chuyện tù binh Đồng minh bị quân đội Nhật Bản buộc phải xây tuyến đường sắt Myanmar - Thái Lan vào năm 1942-1943.

Phim do David Lean đạo diễn với sự tham gia diễn xuất của Alec Guiness, Sessue Hayakawa, Jack Hawkins và William Holden. Cây trụ bêtông và dầm thép được sử dụng cho đến ngày nay như một phần lịch sử của Thái Lan trên tuyến đường huyết mạch nối Miến Điện.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản chiếm đóng vùng đất này với tham vọng muốn xây dựng một tuyến đường sắt nối Nong Pladuk ở miền trung Thái Lan tới Thanbyuzayat ở Myanmar phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí chuẩn bị cho mục tiêu xâm lược Ấn Độ, và cũng để chuyển những thứ khác tại Myanmar, nhất là vàng bạc và ngọc quý về Nhật Bản.

Để xây dựng tuyến đường này, quân đội Nhật đã đưa tới đây hơn 200.000 dân phu từ các nước châu Á bị chiếm đóng, và hơn 60.000 tù binh quân Đồng minh bị quân Nhật bắt trên chiến trường Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Các kỹ sư người Nhật đã tính toán thời gian xây dựng toàn bộ 415km đường sắt này phải mất 5 năm. Nhưng chỉ huy quân đội Nhật dưới sức ép của chiến tranh đã ra lệnh cho việc hoàn thành tuyến đường này trong thời gian 16 tháng, các dân phu phải làm việc liên tục 18 giờ/ngày trong điều kiện hết sức khó khăn. Hầu như ngày nào cũng có người chết vì bệnh tật hoặc tai nạn lao động quá sức.

Năm 1945, trong một trận chiến khốc liệt, quân đội Đồng minh đánh bom phá sập cả 2 cầu, sau khi được sử dụng trong 20 tháng. Cây cầu ở vị trí ngày nay một lần nữa lại nối giữa 2 bờ sông Kwai cho tàu lửa qua lại.

Ngày nay, cây cầu này là một điểm tham quan thu hút du khách, với nhiều nhà hàng và cửa hiệu trong khu vực dân cư lân cận, người dân được hưởng lợi từ cây cầu phục vụ du lịch.

Khi tôi đến tham quan cây cầu này, những nhà hàng nổi trên sông trông rất sạch sẽ và ngăn nắp, không một cọng rác. Nhìn xuống dòng sông có thể thấy rõ từng con cá bơi lội. Có một khoảng không gian rộng để khách du lịch chụp hình, bởi phía xa là cái cầu thép duyên dáng.

Người Thái đã rất giỏi trong việc hút khách du lịch khi tổ chức Lễ hội cầu sông Kwai với âm thanh, ánh sáng sống động tái hiện lại những hình ảnh đau thương trong quá trình xây dựng cầu với hàng trăm ngàn người làm việc trong môi trường cực khổ, là những trận bom như trút nước của quân Đồng minh, đã để lại những cảm xúc thật mãnh liệt cho những ai từng tham quan.

Cầu sông Kwai không chỉ là một biểu tượng về một quá khứ đau buồn của những dân phu bị đàn áp trong Chiến tranh thế giới lần hai mà ngày nay nó còn trở thành một biểu tượng du lịch của tỉnh Kanchanaburi. Vào tháng 11 hàng năm, lễ hội cầu sông Kwai thu hút rất đông du khách.

Biến cầu Bình Lợi thành sản phẩm du lịch - Ảnh 2.

Phương án sau bảo tồn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Biến cầu Bình Lợi thành cầu tàu du lịch

Trong bài báo "Lịch sử hình thành cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn", chúng tôi đã giới thiệu gần như toàn bộ giá trị lịch sử, kiến trúc của cây cầu này.

Dù cầu Bình Lợi không có được những lợi thế như cầu sông Kwai (được Hollywood làm phim), nhưng nó cũng không đến nỗi vô danh để chúng ta vứt bỏ một cách không thương tiếc, đầy phí phạm.

Với giới bảo tồn di sản, nếu nói đến Hà Nội là nghĩ đến cầu Long Biên; hay Trường Tiền của Huế, thì cầu Bình Lợi đã để lại bao ký ức trong lòng người dân Nam Bộ khi đến đất Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Chưa kể, nó là cầu đô thị với kiến trúc độc đáo bởi là cầu thép duy nhất có tuổi thọ trên 100 năm còn tồn tại và đặc biệt có trục quay.

Hiện nay có văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc tháo dỡ tạm thời lưu kho nhưng chưa có giải pháp tháo dỡ như thế nào (bởi các thanh thép được liên kết vối nhau bằng rivê (rivet) và có sử dụng lại hay không, sử dụng vào mục đích gì?

Về tổng thể cầu, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy chỉ cần trùng tu sửa chữa những thanh liên kết, còn các thanh dầm chính vẫn sử dụng tốt. Tuy nhiên, vì độ tĩnh không thông thuyền của cầu thấp, ảnh hưởng lớn cho tàu bè qua lại khu vực này nên giữ nguyên câu cầu là điều không thể.

Song, không giữ nguyên vẹn nó không có nghĩa là tháo bỏ hoàn toàn, vì đây là cây cầu thép quay duy nhất còn lại ở Việt Nam, mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, chất lượng còn sử dụng được.

Với hình thức kiến trúc cầu thép Bình Lợi độc đáo, là di sản đô thị, chúng tôi đề xuất bảo tồn cầu Bình Lợi theo cách chuyển đổi chức năng thành cầu tàu đón khách du lịch và điểm trả đón khách đi buýt đường sông.

Biến cầu Bình Lợi thành sản phẩm du lịch - Ảnh 3.

Một góc nhà hàng cạnh cầu sông Kwai (Thái Lan)

Cụ thể là tháo dỡ hai nhịp cầu mới gắn sau không đúng với kết cấu ban đầu, trả lại không gian thông thuyền ở khu vực giữa lòng sông Sài Gòn.

Tại phía bờ Thủ Đức, cầu Bình Lợi có trụ và nhịp xoay 90 độ - nhịp xoay gác lên trụ đỡ bằng thép làm đường dẫn ra tàu thuyền đón khách du lịch như cầu tàu bến phà Thủ Thiêm hoặc cầu tàu trên bến Bạch Đằng thời Pháp thuộc. Khu vực bờ sông sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, mở các nhà hàng, quán cà phê đẹp để phục vụ du khách.

Cách làm này, trong bảo tồn di sản được gọi là tạo ra cho di tích một "cuộc sống mới", vừa đảm bảo thay đổi bộ mặt của cảnh quan xung quanh, vừa nâng giá trị của di tích trong các hoạt động phát triển chung của đô thị.

Nếu thực hiện giải pháp này, có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho việc làm sống dậy các di tích cầu cũ khác (mang dấu ấn của đô thị sông nước mà người Pháp để lại) đang có nguy cơ bị phá dỡ dần trong thành phố.

Lắp dải phân cách ở cầu Bình Lợi ngăn xe máy chạy vào làn ô tô Lắp dải phân cách ở cầu Bình Lợi ngăn xe máy chạy vào làn ô tô

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã cho lắp dải phân cách cứng, điều chỉnh lại phân luồng giao thông trên đoạn đường Phạm Văn Đồng dẫn lên cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh.

KTS CAO THÀNH NGHIỆP - KTS NGUYÊN HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên