22/08/2019 07:00 GMT+7

Bí thư kiêm chủ tịch: Phải tìm ra người thủ tròn 'hai vai'

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Là một thử nghiệm đột phá được Đảng đề ra cách đây 10 năm, tại TP.HCM cũng từng có 6 quận, huyện và 81 phường, xã thí điểm, nhưng vì sao đến nay chỉ còn huyện Nhà Bè và 25 phường, xã duy trì mô hình này?

Bí thư kiêm chủ tịch: Phải tìm ra người thủ tròn hai vai - Ảnh 1.

Cán bộ, chuyên viên Phòng nội vụ huyện Nhà Bè đã giảm nhiều cuộc họp, tăng thời gian xử lý công việc hơn nhờ mô hình bí thư kiêm chủ tịch tại huyện này - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ trương thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND là một thử nghiệm đột phá được Đảng đề ra cách đây 10 năm.

Tại TP.HCM, từng có 6 quận, huyện và 81 phường, xã thí điểm. Tuy nhiên, vì sao đến nay chỉ còn huyện Nhà Bè và 25 phường, xã duy trì mô hình này? Trong khi đó, ở một số nơi như Vũng Tàu, Bình Phước, An Giang, mô hình nhất thể hóa cán bộ thực hiện ở cấp huyện, xã ngày càng nhiều?

Khó tìm được người thủ tròn "hai vai"

Vấn đề trên đã được các đại biểu thảo luận, mổ xẻ tại hội thảo khoa học "Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp - Từ lý luận đến thực tiễn" diễn ra ngày 21-8. Hội thảo do Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp Trường Chính trị tỉnh Bình Phước tổ chức.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất nhận xét điểm hạn chế của mô hình bí thư kiêm chủ tịch là lượng công việc nhiều, quá tải, dễ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán.

Tuy nhiên, mặt thuận lợi vẫn nhiều hơn vì khi nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, chủ trương nghị quyết được triển khai nhanh, giảm được các thủ tục báo cáo, chờ chủ trương. Từ đó cũng tránh đùn đẩy trách nhiệm, chấm dứt tình trạng Đảng ra nghị quyết, chính quyền từ từ triển khai.

ThS Trần Thị Hà Vân - phó trưởng khoa xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM - đặt vấn đề: Tại sao TP.HCM từng là địa phương đi đầu trong thí điểm nhất thể hóa nhưng hiện tại số nơi áp dụng mô hình lại thu hẹp dần?

Bà Vân giả định liệu có phải do việc thực hiện gặp khó với một đô thị lớn như TP.HCM, dân số đông, áp lực quản lý hành chính cao, hoặc còn một lý do khác là TP vẫn chưa tạo được đội ngũ cán bộ đủ lực?

Giải thích cho vấn đề đặt ra ở trên, TS Bùi Thị Ngọc Trang, phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - cho biết một trong những nguyên nhân khiến mô hình bị ảnh hưởng là do khâu điều động, luân chuyển cán bộ.

"Một cán bộ đang giữ nhiệm vụ bí thư kiêm chủ tịch nhưng khi luân chuyển thì không tìm được người có khả năng làm hai vai thay thế. Nhiều nơi cán bộ không đáp ứng được yêu cầu" - bà Trang nói.

Bà Trang còn dẫn chứng thêm ngay từ đầu, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã xác định điều kiện chọn thực hiện thí điểm phải là địa bàn ổn định về kinh tế, xã hội; tổ chức bộ máy ổn định, năng lực cán bộ đồng đều, tập thể đoàn kết.

Ngoài ra, cán bộ được chọn giữ hai vai còn phải là người có trình độ, phẩm chất tốt, am hiểu địa bàn. Tuy nhiên, không dễ tìm được người đáp ứng đủ chuẩn, chất và phù hợp.

Phải kiểm soát được quyền lực!

TS Nguyễn Việt Hùng - trưởng khoa xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.HCM - nhận xét có ba yếu tố khiến vị bí thư kiêm chủ tịch huyện Nhà Bè (TP.HCM), đơn vị cấp huyện duy nhất còn áp dụng nhất thể hóa chức danh lãnh đạo - làm tốt nhiệm vụ.

Đó là phẩm chất điềm đạm, bình dị, gần dân; tính cương quyết trong thực hiện nhiệm vụ và có uy tín cao đối với cán bộ và nhân dân.

"Ngày nghỉ, ông ấy đi xe đến từng ấp, tổ trò chuyện thăm hỏi bà con. Kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ thì ông làm rất nghiêm nên được cả cán bộ và nhân dân tín nhiệm" - TS Hùng nhận xét.

Về vấn đề này, TS Đinh Phương Duy - phó giám đốc Học viện Cán bộ TP - cho rằng để mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo thành công, vai trò của cá nhân - yếu tố con người là rất quan trọng.

"Cá nhân đảm bảo năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín sẽ tăng cao. Mà có uy tín rồi, làm việc gì cũng dễ được đồng thuận" - ông Duy đúc kết và cho rằng cần đổi mới, chú trọng nhiều hơn khâu đào tạo cán bộ để đáp ứng nhu cầu đổi mới mô hình quản lý.

Góp ý thêm, ThS Nguyễn Thanh Thuyên, phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, nói: "Liệu có nên trông đợi cán bộ sẽ tốt mãi? Khi ta bổ nhiệm, họ rất tốt. Nhưng trong suốt thời gian làm việc liệu họ có tốt mãi hay không? Phải có cơ chế kiểm soát được quyền lực để họ không thể làm sai mới là điều quan trọng".

Từ thực tiễn triển khai mô hình ở Bình Phước, ông Thuyên còn cho rằng khi áp dụng mô hình này cần có bước chuẩn bị để nâng chuẩn, chất cho toàn bộ đội ngũ như: bộ phận tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo phải chuyên nghiệp, cấp phó phải phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho người đứng đầu.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên