06/02/2019 14:49 GMT+7

Bí mật của thế giới hàng cao cấp: nghiền nát đồng hồ trị giá nửa tỉ đô

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Muốn bán được hàng, các doanh nghiệp phải quảng bá sản phẩm, nhưng nếu làm không khéo sẽ ăn phải "quả đắng". Nhiều vụ tai tiếng lớn đã xảy ra đối với các thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng.

Bí mật của thế giới hàng cao cấp: nghiền nát đồng hồ trị giá nửa tỉ đô - Ảnh 1.

Nhãn hãng thời trang cao cấp Dolce & Gabanna của Ý từng phải hủy buổi trình diễn ở Thượng Hải (Trugn Quốc) vào cuối tháng 11-2018 - Ảnh: AFP

Công ty Prada ở Ý chuyên về quần áo, giày dép và mắt kính cao cấp đã bị một vố nhớ đời.

Vào tháng 12-2018, cửa hàng Prada ở New York (Mỹ) giới thiệu móc khóa, vòng đeo cổ, túi điện thoại với hình tượng chú khỉ da đen Otto có đôi môi tô son đỏ choét.  

Lập tức làn sóng phản đối lan rộng tố Prada sử dụng hình ảnh phân biệt chủng tộc. Sau đó, Prada phải xin lỗi và thu hồi các vật phẩm bị chỉ trích. Dân mạng vẫn chưa hài lòng tiếp tục kêu gọi tẩy chay các mặt hàng của Prada.

Một người dùng viết trên Twitter: "Tôi không chịu nổi khi sử dụng sản phẩm của Prada. Tôi sẽ bán, cho hoặc vất vào sọt rác hết mọi thứ liên quan đến Prada".

Quảng bá với hình ảnh phản cảm

Cuối tháng 11-2018, nhãn hãng thời trang cao cấp Dolce & Gabanna của Ý (D&G) phải hủy bỏ buổi trình diễn thời trang ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Để quảng bá cho buổi trình diễn, D&G phát trên mạng Instagram các đoạn video hài hước ngắn. Một video thể hiện cô gái Trung Quốc dùng đũa chạm vào các món mì spaghetti, bánh pizza và bánh cannoli của Ý có kích thước to đùng.

Cô gái cười khúc khích trong khi có tiếng một người đàn ông nói: "Cái đó lớn quá đối với cưng phải không?".

Người dân Trung Quốc diễn giải phương Tây chê Trung Quốc lạc hậu nên phản ứng rầm trời trên mạng. Một lời bình luận có nội dung: "Các người dạy cho chúng tôi dùng đũa, chúng tôi sẽ đáp lễ xem các người cút khỏi Trung Quốc thế nào".

Trước sức ép dư luận, nhiều khách mời như nữ diễn viên Chương Tử Di, ca sĩ Vương Tuấn Khải tuyên bố không đến dự buổi trình diễn. Cuối cùng D&G phải xin lỗi và thông báo hủy buổi diễn ba tiếng trước giờ khai mạc.

Buổi trình diễn tiêu tốn chi phí nhiều triệu USD dự tính giới thiệu hơn 300 mẫu trang phục với hơn 1.400 người tham gia. Đây là vố quá đau bởi D&G có hơn 50 cửa hàng tại Trung Quốc và 35% doanh số đến từ thị trường này.

Đầu năm 2018, nhãn hàng H&M của Thụy Điển cũng đã bị dân mạng chỉ trích phân biệt chủng tộc. Trang web của H&M ở Anh đã đăng hình ảnh một cậu bé da màu mặc chiếc áo chui đầu tay dài có dòng chữ "Chú khỉ ngầu nhất trong rừng".

H&M phải xin lỗi và hủy bỏ hình ảnh gây sốc nhưng phản ứng vẫn lan rộng. Tại Johannesburg (Nam Phi), những người biểu tình đã xông vào một cửa hàng H&M đập phá, lấy đi hàng hóa. Cảnh sát phải bắn đạn cao su giải tán.

Ngành công nghiệp hàng cao cấp phát triển nhờ vào tiếng đồn hàng hiếm. Nếu công chúng biết thương hiệu nào đó có hàng tồn, câu chuyện thành công của thương hiệu ấy bị lột trần và uy tín sẽ sụp đổ ngay

Chuyên viên tư vấn Thụy Sĩ Olivier R. Müller

Bí mật của thế giới hàng cao cấp: nghiền nát đồng hồ trị giá nửa tỉ đô - Ảnh 3.

Cửa hàng bán quần áo của thương hiệu H&M ở Johannesburg (Nam Phi) bị đập phá - Ảnh: TWITTER

Hủy hàng tồn chứ không giảm giá

Trong giới kinh doanh hàng cao cấp, các nhãn hàng thường hủy hàng tồn để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngăn chặn hàng lọt ra thị trường chợ đen bán giá thấp. Thông lệ này ngày càng bị phản đối.

Trong báo cáo thường niên công bố vào tháng 7-2018, hãng thời trang cao cấp Burberry của Anh cho biết năm trước đó đã thiêu hủy quần áo và mỹ phẩm với tổng trị giá 28 triệu bảng Anh.

Hủy hàng là chuyện bí mật mà không nhãn hàng thời trang cao cấp nào dám thừa nhận công khai. Từ năm 2013 đến nay, nhãn hàng quần áo thời trang H&M của Thụy Điển đã thiêu hủy 60 tấn quần áo bị hư hỏng hoặc không an toàn.

Các nhãn hàng đồng hồ cũng không ngoại lệ. Công ty Richemont ở Thụy Sĩ, chủ nhãn hàng đồng hồ Cartier và Montblanc, từng mở chiến dịch thu hồi và trong vòng hai năm đã tiêu hủy số đồng hồ trị giá hơn 522,3 triệu USD.

Ngay sau đó, các nhà bảo vệ môi trường đã "ném đá" không thương tiếc, chỉ trích Burberry lãng phí.

Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đánh giá Burberry "không thể hiện thái độ tôn trọng với chính sản phẩm của mình, không tôn trọng công sức lao động và tài nguyên thiên nhiên được dùng để làm ra sản phẩm".

Nhà phân tích tài chính Christophe Laborde ở ngân hàng Bordier & Cie (Thụy Sĩ) ghi nhận: "Các nhãn hàng uy tín thường từ chối giảm giá vì cho rằng như vậy hình ảnh thương hiệu bị giảm giá trị và vị thế hàng cao cấp bị ảnh hưởng".

Thật ra quan niệm này không đúng. Christophe Laborde giải thích: "Đây là quan niệm kinh tế sai lầm cổ điển… Các nhà phân phối không muốn thiếu hàng bán và khi nhu cầu giảm họ phải ôm hàng. Hàng không bán được, phía nhãn hàng cũng không được thanh toán. Tình trạng này tạo ra nút thắt cổ chai và các bên đều chịu thiệt".

Đầu tháng 9-2018, Burberry thông báo sau giai đoạn giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tồn đọng hàng hóa, từ nay sẽ không thiêu hủy hàng tồn nữa. Burbery mong muốn "tiếp tục nỗ lực tái sử dụng, sửa chữa, tặng cho và tái chế các sản phẩm không còn lưu thông".

Song song theo đó, Burberry cũng khẳng định sẽ ngừng sử dụng lông thú may quần áo. Tổng giám đốc Marco Gobbetti nhấn mạnh: "Hàng cao cấp hiện đại đồng nghĩa phải có trách nhiệm với xã hội và môi trường".

Bí mật của thế giới hàng cao cấp: nghiền nát đồng hồ trị giá nửa tỉ đô - Ảnh 5.

Nhãn hàng quần áo thời trang Burberry thông báo chấm dứt thiêu hủy hàng tồn kho - Ảnh: AFP

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên