03/03/2023 11:53 GMT+7

Bệnh viện chờ cấp cứu: Đừng lấy sinh mạng người bệnh chờ thông tư!

Đó là yêu cầu mà bạn đọc Tuổi Trẻ Online đặt ra trước tình trạng nhiều bệnh viện công từ tuyến trung ương đến địa phương đang thiếu trầm trọng hóa chất, vật tư y tế… phải loay hoay chờ "cấp cứu". Hậu quả cuối cùng là người bệnh phải chịu thiệt.

Bệnh viện chờ cấp cứu: Đừng lấy sinh mạng người bệnh chờ thông tư! - Ảnh 1.

Cán bộ y tế làm việc tại phòng xét nghiệm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người bệnh trần ai vì bệnh viện chờ cấp cứu

Trong cuộc họp cuối tuần trước với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bệnh viện, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu "đến ngày 3-3 phải xong các vấn đề quan trọng và trong tháng 3 phải cơ bản giải quyết các vướng mắc của ngành y tế".

Tuy nhiên hôm nay là 3-3, các vấn đề quan trọng và bức thiết nhất của ngành (thiếu vật tư, thiết bị, thiếu thuốc...) vẫn đang chờ được giải quyết. Từ ngày 1-3, Bệnh viện Việt Đức đã tạm ngưng mổ phiên, có khoa trên lịch mổ gần 20 ca nhưng chỉ 6 ca được duyệt.

Bệnh viện Chợ Rẫy có tất cả 6 máy chụp CT scanner (cắt lớp vi tính) nhưng hiện chỉ còn 1 máy hoạt động hết công suất. Bệnh viện buộc phải chỉ định chuyển bệnh nhân qua bệnh viện khác chụp CT.

Ngán ngẩm trước tình trạng bệnh viện chờ cấp cứu, bạn đọc Chóe ta thán: "Hết vật tư thuốc men chữa bệnh mà chờ ba bộ nghiên cứu thống nhất bệnh viện mới có vật tư thì xong phim rồi!".

Kể câu chuyện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vào bệnh viện công cấp cứu nhưng phải mang mẫu máu sang bệnh viện tư xét nghiệm, bạn đọc Tuấn Trần bức xúc: "Bệnh nhân nhồi máu cơ tim vào khoa can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM cấp cứu, thân nhân bệnh nhân phải ký cam kết tự chịu chi phí xét nghiệm mẫu máu. Hoặc tự đem mẫu máu, đóng phí gửi bệnh viện tư nhân định lượng men tim để bác sĩ có căn cứ kết luận, chỉ định can thiệp mạch vành hay không. Lý do được giải thích: bệnh viện hết hóa chất xét nghiệm".

Theo bạn đọc Đỗ Huỳnh Thanh Cơ, "tác động của các quy định từ Bộ Y tế không phải chỉ bệnh viện bị ảnh hưởng mà bệnh nhân nghèo chữa trị theo dạng bảo hiểm y tế lãnh đủ".

Bạn đọc Vinh đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối: "Có dẫn người thân đi chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối mới hiểu được cảnh bệnh tật, đông đúc mệt mỏi như thế nào. Nhất là phải đợi chờ xét nghiệm, mà là làm các kỹ thuật xét nghiệm tại bệnh viện khác, qua đó lại phải tiếp tục chờ đợi.

Tại sao các bệnh viện tư nhân vẫn hoạt động bình thường mà bệnh viện công hàng đầu lại bế tắc như vậy? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho người dân khi vì chờ đợi mà lỡ mất cơ hội chữa bệnh? Ai thấu cho sự đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bệnh khi bệnh viện phải dùng loại dao mổ "rạch 3 lần mới đứt"? Người bình thường xoay vòng vòng như vậy đã mệt nói gì người bệnh, lắm điều trần ai, lắm nỗi đoạn trường ai thấu đây?".

Bệnh viện chờ cấp cứu: Đừng lấy sinh mạng người bệnh chờ thông tư! - Ảnh 2.

Vận hành hệ thống máy chụp PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Xé rào" vì người bệnh được không?

Vướng mắc hiện nay là hầu hết thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu... đều không có đủ ba báo giá theo quy định trong thông tư 68/2022 để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Bạn đọc Thiên đặt vấn đề: "Nếu thông tư đưa ra không phù hợp với thực tế, gây khó khăn thì tổ chức phê duyệt thông tư phải nhanh chóng tìm hiểu có nên tiếp tục hay bỏ. Không nên lấy sinh mạng của người bệnh đi chờ đợi thông tư!".

"Hãy biến câu khẩu hiệu "Lấy bệnh nhân làm trung tâm" thành hành động trên thực tế, từ chính sách cho đến áp dụng thực tiễn. Thầy thuốc và người bệnh đều đang cần thuốc và vật tư y tế, hy vọng các bệnh viện dũng cảm... xé rào nếu được cho phép!" - bạn đọc Khai Phong tha thiết.

Chung nỗi niềm, bạn đọc Trần Thanh Thành có ý kiến: "Nên xem tính mạng của dân là trên hết, cứu người như cứu hỏa. Mua sắm thiết bị chỉ cần cơ quan thẩm định giá duyệt là xong, tại sao phải chờ ba đơn vị báo giá?".

Bạn đọc Dân yêu cầu "trước khi ban hành bất cứ văn bản pháp luật quan trọng nào, Bộ Y tế phải cân nhắc thật kỹ về những hạn chế và nhược điểm của nó và phải có ý kiến phản hồi của các đơn vị y tế, phải phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam chứ không phải áp dụng một cách cứng nhắc".

Thiếu hóa chất, vật tư y tế, nhiều bệnh viện loay hoay chờ Thiếu hóa chất, vật tư y tế, nhiều bệnh viện loay hoay chờ 'cấp cứu'

Đà Nẵng đã thông qua nghị quyết riêng để gỡ khó cho mua sắm, đầu tư công y tế thành phố nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để được tình trạng thiếu thốn sinh phẩm, vật tư y tế ở các bệnh viện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên