TTO - Lần đầu tiên ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), một bệnh viện được lập để chuyên cứu hộ, chăm sóc và trả về tự nhiên những chú chim yến gặp nạn. Rất nhiều yến non đã được tận tình cứu sống trong khoảnh khắc sinh tử...

Đêm 1-7, sau những đợt nắng nóng như thiêu đốt, các kỹ sư vẫn miệt mài trong hang sâu nằm bên vực biển cứu những chú yến non rơi ra khỏi tổ. Tuy nhiên, lượng yến rơi xuống vực quá lớn khiến cửa hang dính đầy máu chim non.


Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 1.

Kỹ sư Huỳnh Ty - phó giám đốc Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm - cho biết đầu tháng 7 là thời gian trứng trong các hang yến nở đồng loạt. Thời tiết thay đổi, thiếu thức ăn hoặc vì lý do nào đó làm tổ yến bị động, yến tìm cách trườn ra khỏi tổ.

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 2.

Ngay trong khuya 1-7, ba công nhân tại Hang Cả phải đội đèn pin đứng dưới hang sâu cứu yến.

Nhưng bi kịch không dừng lại mà tới hai ngày sau đó, từng đợt chim yến non vẫn rớt xuống đất và chết trong tức tưởi trong sự bất lực của cán bộ ban quản lý.

Kỹ sư Huỳnh Ty mở điện thoại, đưa cho chúng tôi một số hình ảnh yến chết non trên mỏm đá.

Cù Lao Chàm như một viên ngọc trồi lên giữa đại dương mênh mông. Không có nhiều người được đặt chân tới các hang yến tự nhiên nằm ẩn dưới các vực đá phía mạn nam xã đảo Tân Hiệp. Những mỏm đá mỗi năm đang đưa về cho Cù Lao Chàm 50-60 tỉ đồng từ loài chim quý của biển cả.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, số lượng yến sụt giảm phân nửa, một trong các nguyên nhân là do yến non gặp nạn và chết yểu mỗi mùa sinh sản lên tới 4.000 - 5.000 con...

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 3.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 4.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 5.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 6.

Buổi sáng, chiếc tàu cá của Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm chở trang thiết bị cứu hộ cập hang Mũi Dứa - 1 trong 10 hang yến tự nhiên tại đảo này.

Có vẻ nhận ra mùi mồ hôi của công nhân, đàn yến háu đói hét lên ầm ĩ trong gian phòng cứu hộ. Một công nhân chạy vào nhà đổ mớ thức ăn ra tô nhựa lớn, dùng tay trộn nhuyễn thức ăn tổng hợp rồi cầm kẹp sắt tỉ mẩn vón vào từng cổ họng yến non.

Bên vực đá chênh vênh, trung tâm cứu hộ yến là hai khối nhà rộng chỉ khoảng 150m2. Đó vừa là chỗ ở cho anh em kỹ sư, công nhân, vừa là nơi cấp cứu, điều trị "phục hồi chức năng" cho yến con bị rơi xuống vực trong những ngày mong manh mới nở khỏi vỏ trứng.

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Video: TVO

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 8.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 9.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 10.

Ông Võ Quý, công nhân tại trạm cứu hộ Mũi Dứa, kể từ lúc bệnh viện được thiết lập, hầu như các công nhân rất ít khi trở về đất liền. Anh em bị cuốn theo công việc ngày đêm, ai cũng nắm kỹ trong lòng lịch ấp nở, đẻ trứng của yến.

Khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm là thời gian căng thẳng nhất bởi yến nở đồng loạt. Chim yến non trong độ 1-22 ngày tuổi đang được yến mẹ nuôi bật ra khỏi tổ, rơi xuống la liệt. Tất cả chúng đều phải chịu cảnh làm mồi ngon cho chuột đá, cá biển, mèo hoang.

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 11.

Để đưa được yến về bệnh viện, kỹ sư, công nhân phải canh tổ yến liên tục, dùng lưới mắt cá căng đón lõng ở những vị trí yến dễ rơi xuống nhất rồi gom về cứu hộ. Yến bị thương sẽ được cứu chữa, chăm sóc, cho ăn uống. Khi chúng khỏe mạnh, đủ lông cánh sẽ được cho ra gian nhà lưới để tập bay.

Các công nhân sẽ tìm cách dẫn dụ, hướng yến bay xung quanh nhà lưới thành thục. Thời khắc hạnh phúc nhất với họ là được gieo thả yến ra trời biển, theo chim mẹ bay về nhập đàn tự nhiên.

Dù mới hoạt động và đón lứa "bệnh nhân yến" đầu tiên từ tháng 7 tới nay, nhưng hơn 500 chim yến gặp nạn đã được các bác sĩ cứu sống, trả về tự nhiên.

Ông Huỳnh Ty cho biết trừ những ca chấn thương, va đập quá nặng khi rơi khỏi tổ, hầu hết yến non được đưa về cứu hộ đều sống sót, được chăm sóc đầy đủ và đủ lông đủ cánh để thả về tự nhiên.

Tuy nhiên, năng lực của bệnh viện chim trời hiện còn quá nhỏ so với số lượng 2.000 - 4.000 yến non gặp nạn mỗi mùa sinh sản, nên ai cũng đau lòng khi đi kiểm tra hang yến và nhìn những lớp yến non rơi xuống vách đá chết tức tưởi mỗi năm.

Ngoài ra, rắn đảo, chuột đá, ong vò vẽ, mèo hoang, kiến... cũng là những cỗ máy săn mồi khiến không ít yến non phải lìa khỏi tổ. Các kỹ sư ngoài việc vừa cứu hộ vừa phải canh từng tổ yến để bảo vệ chim non.

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 12.


Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 13.

Địa điểm đặt bệnh viện cứu hộ yến là một vách đá đặc biệt nằm chênh vênh bên mép biển ở mạn phía Nam đảo Cù Lao Chàm. Tên gọi "Mũi Dứa" là một địa danh được cư dân địa phương gọi để xác định khu vực tập trung rất nhiều cây dứa dại nằm treo trên các mũi đá.

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 14.

Mũi Dứa từ trước đó dù có hang sâu nhưng chưa từng có chim yến để làm tổ, sinh sống. Các kỹ sư đã quyết định chọn vị trí này để thực hiện cứu hộ với mục đích thực nghiệm công tác cứu chữa, điều trị yến tự nhiên trong điều kiện khắc nghiệt, thực tế nhất.

Năm 2017, quá trình xây dựng vô cùng gian nan bởi vị trí hiểm yếu khiến nhà thầu xây dựng nản chí, từng viên gạch, bao xi măng được kiên trì mang ra từ đất liền để xây ròng rã trong cả năm trời.

Khi công trình xong, để kéo được yến đến làm tổ, sinh sống, suốt nửa năm trời các kỹ sư phải dùng loa, thiết bị âm thanh dụ yến. Ban đầu chỉ có ba cặp yến đến làm tổ, nay số lượng tổ đã lên tới hàng chục.

Từ một hang "chết", Mũi Dứa đang trở thành ngôi nhà an toàn nhất và kéo từng đàn yến tự nhiên vào sinh nở, gây đàn.


Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 15.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 16.
Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 17.

Các kỹ sư kể nhiều năm làm việc ở Cù Lao Chàm, mỗi lần ra thăm hang thấy yến chết, rụng la liệt xuống mỏm đá bụng dạ không khỏi xót xa. Một số anh em công nhân đã tự tay cứu hộ, băng bó, đem yến về nuôi nhưng công việc này chẳng thấm tháp vào đâu.

Từ khi trung tâm cứu hộ yến ra đời, những chiếc bóng lầm lụi của những nam công nhân trở nên thân quen và trở thành những bà mẹ bất đắc dĩ của yến.

Hàng ngày họ phải ra hang kiểm tra tình trạng tổ yến, xuống vực sâu lắp đặt các thiết bị theo dõi tổ như camera, loa dụ yến, canh các loài thiên địch ăn thịt như rắn, mèo hoang, chuột… để yến vào làm tổ an toàn.

Với những chú chim yến mới nở, rơi khỏi tổ, rớt xuống các mỏm đá và được lớp lưới hứng lại, việc cứu hộ cũng vô cùng vất vả.

Các kỹ sư, công nhân phải thức trắng đêm, ăn ngủ ngay bên trung tâm cứu hộ để theo dõi diễn biến sức khỏe từng con, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để yến khỏe mạnh cho tới ngày đủ lông cánh và bay về biển cả hòa vào đàn.

Bệnh viện chim yến giữa biển khơi - Ảnh 18.
THÁI BÁ DŨNG
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên