18/08/2023 10:20 GMT+7

Bệnh nhân Đà Nẵng phải đi cả trăm cây số ra Huế mổ chân

Nhiều bệnh nhân TP Đà Nẵng bị tai nạn, chấn thương gãy chân tay phải vượt cả trăm cây số ra Bệnh viện Trung ương Huế để mổ. Chuyện trớ trêu này đã xảy ra hơn một năm nay.

Bệnh nhân N.T.Q.N. phải vượt cả trăm cây số từ Đà Nẵng ra Huế để được mổ chân sau tai nạn - Ảnh: NHẬT LINH

Bệnh nhân N.T.Q.N. phải vượt cả trăm cây số từ Đà Nẵng ra Huế để được mổ chân sau tai nạn - Ảnh: NHẬT LINH

Ngày 9-8, bệnh nhân N.T.Q.N., sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, bị tai nạn khi đi xe máy từ trường về nhà trọ và được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.

N. được chẩn đoán gãy xương ống chân và rạn xương đùi chân phải. Bác sĩ chỉ định phải mổ ghép và nẹp vít xương sớm.

Sau một ngày nằm viện, N. được thông báo không thể mổ. Lý do là bệnh viện này đang thiếu thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, bệnh viện đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Gãy xương ống chân phải chuyển tuyến trung ương

Gia đình N. đành phải thuê xe đưa em vượt đèo Hải Vân, đi hơn 100km ra một cơ sở y tế ở TP Huế để được mổ sớm.

Sau khi bác sĩ thăm khám, N. được chẩn đoán vết thương để lâu không được xử lý, cộng thêm việc vận chuyển bệnh xa, đi ô tô dằn xóc khiến phần thịt tiếp xúc với điểm gãy chân bị sưng lên nên chưa thể mổ được.

Cái chân đau được bó bột tạm thời, điều trị sưng tấy và được xếp lịch mổ ghép, nẹp vít xương vào ngày 17-8. Một ca bệnh gãy chân thông thường nhưng bệnh nhân phải đi hai bệnh viện, mất chín ngày mới được mổ. "

Em rất buồn và mệt mỏi. Nếu có thể mổ cấp cứu sớm hơn ở Đà Nẵng, có lẽ em sẽ không phải nằm viện dài ngày như thế này" - N. than thở.

Theo thống kê của Bệnh viện Trung ương Huế, trong sáu tháng cuối năm 2022, bệnh viện chỉ tiếp nhận một bệnh nhân chuyển tuyến điều trị từ TP Đà Nẵng ra. Tuy nhiên qua sáu tháng đầu năm 2023, số bệnh nhân cơ sở này tiếp nhận từ Đà Nẵng chuyển ra đã hơn 35 người.

Đây chỉ mới tính những bệnh nhân chuyển tuyến có giấy xác nhận chuyển viện của các cơ sở y tế ở Đà Nẵng, chưa tính đến những trường hợp bệnh nhân chấp nhận vượt tuyến, tự ra Huế để điều trị bệnh.

Như người lính ra trận không có súng!

Khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện Đà Nẵng đã phải giới thiệu nhiều ca bệnh đi các bệnh viện khác trong TP và ra ngoài tỉnh.

Bệnh viện này đang thiếu hụt vật tư cho các ca mổ xương khớp. Một bác sĩ công tác tại khoa ngoại chấn thương cho hay tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế đã diễn ra hơn một năm nay. Nguyên do là công tác đấu thầu bị vướng, bệnh viện chưa mua được trang thiết bị.

Một số bệnh nhân được mổ tại chỗ nếu còn vật tư phù hợp, các vị trí chấn thương mà bệnh viện không còn vật tư buộc phải chuyển đi nơi khác.

"Nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, phải chuyển đi Huế tốn kém, vất vả trăm bề. Mà đâu phải dễ chuyển bệnh đi, chúng tôi phải liên hệ các bệnh viện hỏi xem nơi nào còn vật tư, thiết bị mới chuyển được.

Nhìn thấy bệnh nhân tội lắm, nhất là người già và trẻ nhỏ. Bệnh gãy tay còn đỡ, những ca gãy chân đau đớn mà phải chuyển qua chuyển lại rất áy náy.

Có những ca bệnh nếu có vật tư xử lý đơn giản chỉ khoảng 30 phút là xong, hôm sau xuất viện nhưng hiện bó tay, không làm được. Bệnh nhân than thở mà mình không biết trả lời sao cả. Bác sĩ chúng tôi như lính ra trận mà không có súng vậy!" - vị này bức xúc nói.

Theo bác sĩ này, mỗi ngày khoa ngoại chấn thương phải giới thiệu 4-5 ca bệnh đi các bệnh viện khác. Đối với các dạng bệnh trì hoãn, không phải mổ cấp cứu như bệnh nhân viêm khớp, đứt dây chằng, bệnh viện hẹn cả năm nay để dồn lại chưa xử lý được.

Vài tuần tới sẽ ổn

Là cơ sở hàng đầu điều trị các bệnh xương khớp cho người dân Đà Nẵng nhưng hiện nay khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện Đà Nẵng gần như chỉ là trung tâm cấp cứu ban đầu, xử lý ổn định vị trí tổn thương cho bệnh nhân rồi chuyển viện.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho hay trước đây việc đấu thầu vật tư thiết bị y tế theo quy trình là bệnh viện trình Sở Y tế để trình UBND TP sau đó tổ chức đấu thầu. Quy định mới giao các bệnh viện trực tiếp đấu thầu, các bệnh viện phải mất thời gian làm lại thủ tục đấu thầu.

Bác sĩ Nhân cho biết bệnh viện rất trăn trở về việc này và đã nỗ lực ngày đêm rút ngắn thời gian để các gói thầu sớm triển khai, sớm có trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ bệnh nhân. "Đến thời điểm này các gói thầu đã gần xong, khoảng mười ngày nửa tháng sẽ có hàng trở lại" - bác sĩ Nhân nói.

Máy móc "trùm mền", bệnh nhân Đà Nẵng phải ra tỉnh khác làm xét nghiệm ung thưMáy móc 'trùm mền', bệnh nhân Đà Nẵng phải ra tỉnh khác làm xét nghiệm ung thư

Tình trạng máy móc hư hỏng nhưng không được sửa chữa, một số khoa phòng quá tải khiến bệnh nhân điều trị ung thư tại Đà Nẵng phải bốc số đợi hàng tuần hoặc đi tỉnh khác xét nghiệm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên