14/09/2015 10:43 GMT+7

Bệnh màng trinh không thủng

BS TRƯƠNG ANH MẬU (Bệnh viện Nhi Đồng 2)
BS TRƯƠNG ANH MẬU (Bệnh viện Nhi Đồng 2)

TT - Khoa niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh lý phụ khoa khá điển hình nhưng dễ nhầm lẫn.

Em N.V.M.N., 12 tuổi, nhập viện với chẩn đoán u vùng hạ vị vì siêu âm cho thấy có một khối lớn vùng hạ vị (bụng dưới) bên trong chứa dịch.

Trước đó, em có những đợt đau bụng nhưng cơn đau ít, tự hết. Lần đau bụng này kéo dài hơn hai ngày, đau và căng tức bụng khiến em đi tiểu lắt nhắt, ngày càng tăng; đặc biệt là các bộ phận giới tính khác của em đã ra dáng thiếu nữ nhưng em chưa có kinh nguyệt.

Kết hợp cùng việc khám bộ phận sinh dục cho thấy màng trinh của em căng phồng, không lỗ thủng, các bác sĩ khoa ngoại niệu cho em siêu âm bụng lại vì nghi ngờ ứ dịch lòng tử cung và âm đạo do màng trinh không thủng (không lỗ).

Đúng như dự đoán, siêu âm cho thấy có nhiều dịch giống máu ứ trong lòng tử cung và âm đạo. Ngay sau đó, em nhanh chóng được các bác sĩ phẫu thuật xẻ màng trinh, thoát dịch ứ đọng. Sau mổ, em hồi phục nhanh chóng.

ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, quyền trưởng khoa ngoại niệu bệnh viện, cho biết bệnh khá thường gặp với tần suất 1/2.000 trường hợp, nguyên nhân do các bất thường ở giai đoạn phôi thai.

Các dấu hiệu thường gặp gợi ý đến bệnh này là trẻ gái đã bước vào giai đoạn dậy thì (khoảng 11-12 tuổi), đã có dấu hiệu thay đổi của giới tính mà chưa thấy có kinh nguyệt.

Ngoài ra, trẻ thường bị đau bụng âm ỉ. Một số trẻ giai đoạn sau sẽ có bụng trướng to vùng hạ vị gây cảm giác như trẻ bị béo bụng.

Việc phát hiện sớm và cho trẻ đi khám rất quan trọng vì ứ dịch kéo dài dễ dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí có thể làm viêm nhiễm trầm trọng vùng hạ vị, gây nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.

BS TRƯƠNG ANH MẬU (Bệnh viện Nhi Đồng 2)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên