05/05/2019 20:41 GMT+7

Bế tắc cát, Singapore đeo đuổi xây đô thị nổi trên biển

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Cuộc đua sinh tồn với biến đổi khí hậu đã bắt đầu trên khắp thế giới. Ý tưởng 'khu dân cư nổi' đang được các nước tiên tiến như Singapore, Hà Lan, Israel... cân nhắc, vừa giúp mở rộng đất, vừa thoát nước biển dâng.

Bế tắc cát, Singapore đeo đuổi xây đô thị nổi trên biển - Ảnh 1.

Singapore đang đối mặt với bài toán thiếu quỹ đất để phát triển - Ảnh: Hakai Magazine

Singapore đang quá chật chội. Với 5,9 triệu người sống trên diện tích chỉ 719 km2, đây là một trong những quốc gia có mật độ dân cao nhất thế giới.

Trong nhiều thập niên, Singapore không ngừng "phình ra" nhờ nhập khẩu cát từ các nước Đông Nam Á láng giềng để san lấp khu vực bờ biển. Chính sách này giúp diện tích Singapore tăng gần 25% và dân số tăng gấp 3 từ năm 1965.

Nhưng thời gian qua, quan ngại môi trường về hoạt động hút cát ở các nước như Việt Nam, Campuchia... dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu loại tài nguyên này. Singapore giờ đây tìm cách khác để thích ứng: không bồi đắp nữa mà xây hẳn trên mặt biển nhờ một hệ thống phao nổi cố định với đáy biển.

Theo Tạp chí khoa học Hakai (Canada), các quan chức Singapore chưa dám thảo luận nhiều về chủ đề này, nhưng chi tiết bản kế hoạch vừa được tiết lộ trong một nghiên cứu hàn lâm đăng tải gần đây.

Theo đó, các nhà khoa học thuộc Bộ Kỹ thuật xây dựng và môi trường Singapore đề xuất xây một mạng lưới phao nổi gồm 40 đơn vị, mỗi cái rộng khoảng 35 m2, cao 12m và nặng hơn 7,5 tấn. Chúng sẽ được kết nối với một cầu tàu trên bờ, đặt trong một khu vực biển êm sâu khoảng 18m.

Ở giai đoạn này, nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở lý thuyết, tập trung giải quyết bài toán liên kết các phao nổi sao cho chúng ổn định, ví dụ như lắp bộ phận triệt tiêu lực đánh của sóng. Tiếp theo, bản thiết kế sẽ cần được kiểm nghiệm bằng một mô hình mẫu.

Bế tắc cát, Singapore đeo đuổi xây đô thị nổi trên biển - Ảnh 2.

Trong ảnh là ý tưởng thiết kế một thành phố nổi (Oceanix City) giữa biển; khác với nó, khu dân cư nổi chỉ là phần tiếp nối của một thành phố hiện hữu - Ảnh: Business Insider

Đáng chú ý, Singapore không phải là quốc gia duy nhất âm thầm nuôi dưỡng kế hoạch này. Đối mặt với tình trạng dân số tăng, nước biển dâng và quỹ đất ngày càng "teo", các đô thị và khu vực ven biển trên thế giới, từ Hong Kong đến Hà Lan, đang tìm cách xây khu dân cư trên mặt nước.

Giống các đồng nghiệp Singapore, ông Gil Wang, kỹ sư hàng hải thuộc Viện Công nghệ Israel, đang dẫn đầu một nhóm khoa học nghiên cứu cách chế tạo phao nổi để mở rộng thành phố Tel Aviv của Israel, thuộc khu vực đông Địa Trung Hải.

Nhà khoa học nhận định "đô thị nổi" là phương án rẻ và bền vững hơn mở rộng đất. Dùng cát để lấp đáy biển không chỉ gây tổn hại về môi trường, nó còn không khả thi khi nhu cầu và quy mô quá lớn, ông đánh giá. 

"Các thành phố ven biển không còn quỹ đất đế phát triển sẽ phải đối mặt với vấn đề này" - ông Wang cảnh báo.

Trong mô hình Israel, mỗi cụm phao nổi có diện tích lên đến 300 m2 - tương đương 1 sân hockey, đủ sức chứa 3 tòa nhà 10 tầng. Một tá phao nổi liên kết với nhau sẽ xây được 2.280 căn hộ. Các nhà khoa học hình dung khu dân cư mới có thể trải dài đến 5km tính từ bờ biển.

Cứu ĐBSCL bớt chìm bằng cách nào? Cứu ĐBSCL bớt chìm bằng cách nào?

TTO - Một nghiên cứu mới của đại học tại Hà Lan dự báo gần như toàn bộ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước vào khoảng năm 2100 theo tốc độ "sụt lún" hiện tại.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên