25/11/2020 08:49 GMT+7

Bất chấp 'khẩn cầu' của nhân viên y tế, người Mỹ đổ về sân bay dịp cuối năm

ANH THƯ - HỒNG VÂN
ANH THƯ - HỒNG VÂN

TTO - Khoảng 1 triệu hành khách mỗi ngày đã đổ về các sân bay ở Mỹ trong 3 ngày cuối tuần qua. Tình hình ở châu Á cũng đáng lo ngại.

Bất chấp khẩn cầu của nhân viên y tế, người Mỹ đổ về sân bay dịp cuối năm - Ảnh 1.

Nhiều hành khách chờ đợi tại sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) trong ngày 23-11 - Ảnh: Reuters

Mọi người dường như bất chấp lời khẩn cầu của các chuyên gia y tế cộng đồng về việc ở nhà, cũng như tránh tụ tập trong dịp lễ cuối năm như lễ Tạ ơn.

Lễ Tạ ơn, theo truyền thống, là khoảng thời gian đi du lịch đông nhất của người Mỹ. Dự kiến chủ nhật tới (29-11) sẽ là ngày đông đúc nhất tại các sân bay sau khi kết thúc dịp lễ kéo dài nhiều ngày này, theo hãng tin AP.

"Tôi thực sự sợ hãi, nhưng với tôi việc được sum họp với gia đình là rất quan trọng" - sinh viên Hannah Osnan (18 tuổi), ĐH Long Beach bang California, chia sẻ khi đứng xếp hàng với dòng người kéo dài đang chờ xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế Los Angeles.

"Đây là chuyến bay đầu tiên của tôi kể từ tháng 12-2019, do đó đúng là tôi có lo. Nhưng tôi nghĩ hầu hết các hãng hàng không đều đang hành động có trách nhiệm và yêu cầu đeo khẩu trang trên tất cả các chuyến bay" - Stephen Browning, một giám đốc đã về hưu, nói về quyết định bay từ thành phố Tucson, bang Arizona về nhà ở thành phố Seattle, bang Washington.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã kêu gọi người dân tránh đi du lịch hoặc đi nghỉ lễ cùng người khác. Số ca nhiễm mới tại Mỹ đã tăng vọt trong những tuần qua, trung bình có thêm hơn 170.000 ca mới mỗi ngày. Trong khi số người chết vì COVID-19 bình quân 7 ngày qua cũng tăng thẳng đứng, 1.500 ca/ngày vào hôm 22-11.

"Có quá nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng trên khắp nước Mỹ đến nỗi khả năng bạn gặp phải ai đó mắc COVID-19 là cực kỳ cao, bất kể trên một chuyến bay, tại sân bay hay ở khu vực chờ" - bác sĩ Syra Madad, chuyên gia dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm cho các bệnh viện tại thành phố New York, bày tỏ lo lắng.

Trong khi đó, tình hình dịch tại các nước châu Á cũng đang diễn biến phức tạp. Ngày 24-11, Hàn Quốc thông báo nước này có thêm 349 ca nhiễm, với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Cả Seoul và vùng phụ cận phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn sự lây lan của virus.

Một điểm nóng khác là Indonesia đến nay đã có 4.192 ca nhiễm mới và 109 người chết, nâng tổng số ca nhiễm cả nước là 506.302 ca với 16.111 trường hợp tử vong. Tình hình tại các nước láng giềng với Việt Nam như Lào và Campuchia đang được kiểm soát khá tốt. Ngày 23-11, Lào xác nhận chỉ có thêm 14 trường hợp dương tính, đều là các ca nhập cảnh và được cách ly từ đầu. Campuchia không có ca nhiễm mới từ ngày 23-11 đến nay.

Sớm phê chuẩn lưu hành vắcxin

Dự kiến Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ sẽ phê chuẩn lưu hành, sử dụng cho vắcxin của Hãng dược Pfizer (có trụ sở tại Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) vào tháng 12. Vắcxin của Moderna cũng sẽ trình lên cho FDA phê duyệt trước cuối năm nay, theo Hãng tin Reuters. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của cả 2 vắcxin trên đều đạt hiệu quả khoảng 95%.

Một công ty có trụ sở tại Anh, AstraZeneca cũng tuyên bố vắcxin của họ đạt 90% hiệu quả và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Công ty này sẽ cung cấp khoảng 700 triệu liều trên toàn cầu trước cuối quý 1-2021.

Cơ quan phụ trách chiến dịch vắcxin của Chính phủ Mỹ cho biết sau khi được FDA cấp phép, những mũi vắcxin đầu tiên sẽ được tiêm cho những người trong diện ưu tiên vào giữa tháng 12.

Vắc xin COVID-19 của Nga giá dưới 20 USD, hiệu quả 95% Vắc xin COVID-19 của Nga giá dưới 20 USD, hiệu quả 95%

TTO - Vắc xin Sputnik V phòng bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do Nga sản xuất sẽ có giá dưới 20 USD/người trên thị trường quốc tế.

ANH THƯ - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên