14/11/2021 08:26 GMT+7

Bắt buộc tiêm vắc xin: Lợi ích cộng đồng lớn hơn tự do cá nhân

TRẦN LÂM
TRẦN LÂM

TTO - Các sự kiện đã trải qua ở Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới là chứng cứ thuyết phục nhất cho thấy những lần chính quyền ban hành chính sách bắt buộc tiêm chủng trước đây đều đã mang lại kết quả tốt.

Bắt buộc tiêm vắc xin: Lợi ích cộng đồng lớn hơn tự do cá nhân - Ảnh 1.

Sinh viên Jenna Goulet đang được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai tại khuôn viên Đại học Wisconsin - Madison, bang Wisconsin, Mỹ. Quy định bắt buộc tiêm vắc xin đã làm tăng tỉ lệ chích ngừa COVID-19 tại bang Wisconsin thời gian qua - Ảnh: Madison

Nước Mỹ có một lịch sử dài của các quy định tiêm vắc xin bắt buộc, khởi đầu với sắc lệnh năm 1777 của vị tổng thống đầu tiên George Washington yêu cầu mọi quân nhân thuộc lực lượng Lục quân lục địa phải chích vắc xin phòng đậu mùa. 

Trang web History.com năm ngoái chia sẻ bài viết chi tiết cho thấy chiến dịch tiêm chủng vắc xin đậu mùa của George Washington đã giúp ông giành "chiến thắng kép" trước dịch bệnh và quân đội Anh, mang lại độc lập cho nước Mỹ.

Bị phạt vì không chịu tiêm vắc xin

Vào đầu những năm 1900, ông Henning Jacobson - một mục sư tại TP Cambridge, bang Massachusetts - đã bị phạt 5 USD vì tội không chịu tiêm vắc xin đậu mùa. 

Ông Jacobson đâm đơn khởi kiện với lý lẽ tiêm vắc xin là lựa chọn cá nhân và ông không nên bị bắt phải chịu các tác dụng phụ giống như từng bị lúc bé.

Trong phán quyết lịch sử ngày 19-2-1905 về vụ việc, Tòa tối cao Mỹ kết luận trong vấn đề sức khỏe và hạnh phúc, lợi ích cộng đồng có thể quan trọng hơn các quyền tự do cá nhân và "việc kích hoạt luật tiêm vắc xin bắt buộc sẽ thuộc về quyền hạn của bang". 

Phán quyết này trở thành một cột mốc quan trọng, còn được gọi là "quyết định Jacobson", tạo ra tiền lệ lớn về trao quyền quyết định cho các chính quyền về chính sách tiêm chủng.

Cũng tương tự, năm 1922 Tòa tối cao Mỹ viện dẫn "án lệ" trong vụ ông Jacobson để ủng hộ quyết định của một trường công lập tại bang Texas khi cấm nam sinh Rosalyn Zucht không được tới trường nếu chưa chích ngừa. 

Cha mẹ Zucht không tiêm cho con. Kể từ đó tới nay, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt các vụ kiện chống vắc xin khác bị bác bỏ.

Việc bắt buộc tiêm chủng vắc xin đã giúp nhân loại quét sạch bệnh đậu mùa trong thế kỷ 20 và ngăn chặn đáng kể nhiều dịch bệnh khác như bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, rubella và thủy đậu.

Nếu lịch sử thường lặp lại như người ta vẫn nói, chính sách bắt buộc tiêm chủng vắc xin COVID-19 với lực lượng lao động Mỹ do Tổng thống Joe Biden công bố tháng trước cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự. 

"Sự kiên nhẫn của chúng tôi đã cạn" - khi đó ông Biden nói với những người Mỹ vẫn chưa chịu tiêm vắc xin, cho biết sẽ sớm bắt buộc việc này với các công ty tư nhân lớn.

Theo quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 4-1-2022, các công ty tư nhân có hơn 100 người buộc phải yêu cầu nhân viên xuất trình xác nhận đã tiêm chủng hoặc phải xét nghiệm COVID-19 hằng tuần nếu không muốn bị phạt lên tới 136.000 USD và có thể bị bêu tên trước công chúng.

Trước đó trong tháng 9, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp buộc mọi nhân viên liên bang (gồm cả các nhân viên hợp đồng) phải tiêm phòng COVID-19 trong vòng 75 ngày (tức hạn chót là ngày 8-12), nếu không sẽ mất việc. 

Dĩ nhiên vẫn có ngoại lệ cho lý do y tế, tôn giáo. Khác với nhóm tư nhân, các nhân viên liên bang chỉ có thể chọn giữa việc tiêm hay mất việc, không có lựa chọn xét nghiệm hằng tuần.

Khắp nơi tiêm bắt buộc

Theo Hãng tin Quartz, tại hầu hết các nước ở Bắc và Nam Mỹ cũng như phần lớn khu vực châu Âu, tiêm chủng cho trẻ em là bắt buộc. Tại Úc, trẻ chưa tiêm không được nhận vào tại các trường mầm non cũng như trung tâm giữ trẻ, phụ huynh không chích ngừa cho con cũng bị cắt các phúc lợi liên quan tới trẻ.

Trên toàn cầu, các trường đại học đã yêu cầu chứng nhận tiêm chủng và việc đi lại quốc tế hiện nay cũng đã yêu cầu hành khách phải có thông hành vắc xin.

Trong bối cảnh COVID-19 đã được liệt vào danh sách 10 dịch bệnh chết chóc nhất trong lịch sử, tới nay gần 24 quốc gia đã ra quy định tiêm chủng bắt buộc ở các mức độ khác nhau.

Mức phạt hành chính tối đa với các trường hợp không chịu tiêm vắc xin khi không thuộc diện miễn trừ dao động từ 357 USD ở Indonesia lên 720 USD tại Costa Rica. Ngoài phạt tiền, Ý cũng đình chỉ công tác không lương với các nhân viên không tiêm trong khi Fiji vừa phạt tiền vừa cho nghỉ việc với các đối tượng này.

Các nước đã bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19

Ngày càng nhiều nước áp dụng tiêm bắt buộc ở nhiều cấp độ và với các nhóm đối tượng khác nhau. Dưới đây là dữ liệu cập nhật đến ngày 13-11 của Hãng tin Reuters.

- Bắt buộc với người trưởng thành: Indonesia, Micronesia và Turkmenistan.

- Bắt buộc với nhân viên chính phủ, người lao động khối công và tư: Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Ai Cập, Fiji, Hungary, Ý, Latvia, Nga, Saudi Arabia, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Mỹ.

- Bắt buộc với nhân viên y tế: Úc, Anh, Pháp, Hy Lạp, New Zealand.

- Bắt buộc với các lao động khác: Bang Tây Úc, Trung Quốc, Philippines, Kazakhstan.

- Quy định tại các điểm công cộng: Áo, Bulgaria, CH Czech, Đan Mạch, Pháp, Lebanon, Morocco, Hà Lan, Romania, Thụy Sĩ.

70% dân Mỹ tiêm 2 mũi vắc xin, Thái Lan tiêm đến 800.000 liều mỗi ngày 70% dân Mỹ tiêm 2 mũi vắc xin, Thái Lan tiêm đến 800.000 liều mỗi ngày

TTO - Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 8-11, Mỹ đã tiêm hơn 432 triệu liều vắc xin COVID-19. Theo đó, hơn 70% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vắc xin đầy đủ.

TRẦN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên