21/12/2017 20:06 GMT+7

Bắt băng nhóm lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM và Công an quận Bình Thạnh vừa được khen thưởng do có thành tích bắt băng nhóm lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia.


Bắt băng nhóm lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia - Ảnh 1.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang khen thưởng PC46 và Công an quận Bình Thạnh - Ảnh: SƠN BÌNH

Chiều 21-12, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang dẫn đầu đoàn cán bộ TP đến thăm, khen thưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46,  Công an TP.HCM) và Công an quận Bình Thạnh do có thành tích xuất sắc trong điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM, thượng tá Vũ Như Hà, trưởng Phòng PC46, đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, trưởng Công an quận Bình Thạnh, và nhiều cán bộ chiến sĩ Công an TP.HCM có mặt tham dự.

Khởi tố hơn 200 bị can lừa đảo công nghệ cao

Thượng tá Vũ Như Hà cho biết từ cụối năm 2013 đến nay, tại TP liên tục xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn: gọi điện mạo danh nhân viên Tổng đài VNPT thông báo nợ cước điện thoại, mạo danh điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội và Công an các tỉnh thành khác.

Từ đó nạn nhân bị hăm dọa, đòi bắt giam, nên hoang mang, lo sợ và chuyển một lượng tiền lớn vào các tài khoản ngân hàng do nhóm đối tượng lừa đảo chỉ định và bị chiếm đoạt.

PC46 đã bắt xử lý hơn 200 bị can (cả người Việt Nam và người Đài Loan - Trung Quốc), khởi tố hơn 150 vụ án hình sự, thu hồi hơn 50 tỉ đồng trao trả cho bị hại, tịch thu nhiều thiết bị công nghệ viễn thông công nghệ cao, sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, do đây là loại tội phạm lừa đảo hoạt động xuyên quốc gia, được lập thành nhiều băng nhóm, phân chia thành nhiều tổ chức điều hành, các đối tượng chủ mưu là người Đài Loan, sinh sống ở nước ngoài và không lộ diện.

Cho nên, dù đã bắt xử lý rất nhiều bị can, nhưng tội phạm này vẫn tồn tại và tiếp tục hoạt động với mức độ ngày càng tinh vi hơn, gây thiệt hại to lớn về mặt tinh thần và vật chất cho một số người dân tại TP.

Trước tình hình đó, Công an TP.HCM chỉ đạo và giao Phòng PC46 là đơn vị chủ công điều tra, xử lý triệt để loại tội phạm này.

Liên tục bắt nhiều băng nhóm

Theo thượng tá Vũ Như Hà, tháng 11-2017, bị hại Nguyễn Đăng Khoa (81 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đến Công an quận Bình Thạnh trình báo về việc bị lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt 123 triệu đồng. 

Nhóm đối tượng thực hiện cuộc gọi mạo danh công an, yêu cầu bị hại chuyển 123 triệu đồng vào tài khoản mà nhóm đối tượng chỉ định.

Công an quận Bình Thạnh thông báo Phòng PC46 phối hợp Viện KSND TP điều tra làm rõ. 

Qua kiểm tra các thông tin ban đầu, Phòng PC46 nhận định: thực hiện hành vi lừa đảo trên là do một tổ chức từ nước ngoài, cầm đâu là các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc, cấu kết với người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài để lừa đảo người bản xứ.

Bắt băng nhóm lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia - Ảnh 2.

Thượng tá Vũ Như Hà báo cáo liên quan đến tội phạm công nghệ cao - Ảnh: SƠN BÌNH

Phòng PC46 phân công lực lượng làm chủ công phối hợp Công an quận Bình Thạnh điều tra. Trong thời gian ngắn, công an đã bắt giữ 4 đối tượng (một người Đài Loan và 3 người Việt Nam), thu giữ nhiều tang vật, phương tiện gây án.

Tiếp đó, tháng 12-2017, Phòng PC46 tiếp nhận tố giác của ông Vũ Anh Tuấn (78 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) về việc bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại đe dọa, yêu cầu chuyền tiền 611 triệu đồng vào tài khoản mà họ chỉ định.

PC46 đã chủ động, lập kế hoạch truy xét, triển khai lực lượng khẩn trương, đến ngày 5-12, đã phát hiện và bắt khẩn cấp Phan Thanh Nhân và Trương Văn Khanh là các đối tượng rút tiền chiếm đoạt của bị hại trong đường dây lừa đảo (do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu)...

Còn kẻ hở từ quản lý ngân hàng

Thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ thêm loại tội phạm này thường "đánh" vào người lớn tuổi (chủ yếu là phụ nữ), mượn danh công an để "đánh" vào tâm lý sợ hãi của người dân và có cả việc "đánh" vào lòng tham của con người muốn nhận tiền, quà từ nước ngoài gởi về…

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn. Và một trong những khó khăn đó là việc tạo tài khoản ngân hàng đơn giản, thiếu kiểm soát, khiến cho tội phạm lợi dụng để lừa đảo.

Bắt băng nhóm lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia - Ảnh 3.

Thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ phương thức thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao - Ảnh: SƠN BÌNH

Phát biểu kết thúc buổi khen thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang ghi nhận, tuyên dương những đóng góp của Công an TP.HCM nói chung và nhiều phòng nghiệp vụ, công an quận huyện, trong việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời yêu cầu Ban nội chính Thành ủy TP.HCM ghi nhận những vấn đề liên quan đến loại tội phạm công nghệ cao, tổ chức buổi làm việc với các cơ quan liên quan như công an, đại diện các ngân hàng cùng chia sẻ thông tin, khắc phục những khó khăn, hạn chế...

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cũng nhấn mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin, nhiều cách thông tin, để phân tích hành vi thủ đoạn cảnh báo về loại tội phạm công nghệ cao cho người dân…

Bên cạnh đó, phải chủ động học tập, nghiên cứu, cập nhật các loại tội phạm mới xuất hiện trên thế giới, để chủ động có các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm công nghệ cao.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên