11/08/2019 19:30 GMT+7

Bảo tàng quan trọng vì trình độ trí tuệ đang sụt giảm

TƯỜNG ANH (*)
TƯỜNG ANH (*)

TTO - Bảo tàng quốc gia Nga Hermitage nằm trong số 10 bảo tàng đông khách tham quan nhất thế giới: năm ngoái, số khách tới bảo tàng này lên tới 4,4 triệu người.

Bảo tàng quan trọng vì trình độ trí tuệ đang sụt giảm - Ảnh 1.

Mikhail Piotrovsky - viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và Viện hàn lâm Nghệ thuật Nga, thành viên Hội đồng tổng thống Nga về văn hóa và nghệ thuật, thành viên Hội đồng xã hội thuộc Ủy ban Đuma quốc gia Nga về văn hóa và nghệ thuật, chủ tịch Liên minh các bảo tàng Nga. Ông là giám đốc Bảo tàng Hermitage đã 27 năm - Ảnh: RIA Novosti

Trước làn sóng phát triển vũ bão của công nghệ số, Cổng thông tin văn hóa Nga đã phỏng vấn giám đốc bảo tàng Mikhail Piotrovsky về chân dung khách tham quan bảo tàng hiện nay và có cần hay không trưng bày nghệ thuật thời kỹ thuật số. TTCT trích dịch.

Thành công của bảo tàng không đo bằng lượng khách tham quan

* Portal-kultura: Có thể chúc mừng ông về kết quả khách đến tham quan rất cao đó không?

- Thành công của bảo tàng không đo bằng lượng khách tham quan. Đó chỉ là một trong các tiêu chí, lại không phải là tiêu chí quan trọng nhất. Chưa kể dòng người xem đã làm giảm đáng kể chất lượng các chuyến tham quan bảo tàng, cả Hermitage lẫn Louvre.

Hermitage quả thật nằm trong số các bảo tàng chính về số lượng các bộ sưu tập lẫn tính chất hoạt động và phạm vi phổ quát. Nó chỉ có hai đối tác - đối thủ: Louvre (Paris) và Metropolitan (New York).

Trong thế kỷ 20, chúng tôi đã xoay xở thành công để trở thành một bảo tàng tổng hợp và sau đó biến thành một định chế toàn cầu, có mặt khắp thế giới. Chiến lược như thế là một phần của ý niệm "đại Hermitage".

Chúng tôi kể về lịch sử văn hóa Nga nhờ sự giúp sức của các triển lãm lớn. Đã mở các trung tâm ở Amsterdam, Venice, Kazan (thành phố thuộc CH Tatarstan), vào tháng 11 sẽ hoạt động tại Omsk (thành phố lớn thứ 2 của Nga, cách Matxcơva 2.700km). Một phần của khái niệm này là tổ chức những ngày Hermitage trên toàn thế giới, các hội bạn Hermitage.

Ví dụ, khi Bảo tàng Louvre được thành lập ở Abu Dhabi, thử nghiệm của chúng tôi "Hermitage - Guggheim" và "Hermitage - Amsterdam" đã trở thành các hình mẫu để đánh giá kinh nghiệm. Một ví dụ khác về đổi mới là quỹ lưu trữ mở. Chúng tôi đã có hai tòa nhà hoạt động.

Bảo tàng quan trọng vì trình độ trí tuệ đang sụt giảm - Ảnh 2.

Bảo tàng Hermitage nhìn từ phía sông Neva - Ảnh: Wikipedia

* Có bao nhiêu phần trăm tác phẩm từ những quỹ này khách xem được thấy trong bảo tàng?

- Ở Hermitage triển lãm khoảng 30% những gì cần trưng bày (không tính tiền xu và các loại hộp sọ). Quỹ lưu trữ tính đến khả năng trưng bày khoảng 70% các hiện vật. Nhìn chung, một bảo tàng lớn thường trưng bày 3-4%.

* Thời gian gần đây, các bảo tàng tư nhân phải chịu đựng những vấn đề tài chính của chủ sở hữu. Ví dụ nổi bật nhất là việc Viện Nghệ thuật hiện thực Nga (IRRA) tạm thời đóng cửa. Nhà nước nên phản ứng bằng cách nào?

- Đây là một vấn đề quan trọng, cần được đặt ra. Chúng ta có các quỹ bảo tàng nhà nước và phi nhà nước, và lúc nào cũng diễn ra cuộc đấu tranh để cân bằng quyền lợi của chúng. Đang thông qua các luật lệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập hay xuất các tác phẩm, đáp ứng quyền lợi của các bảo tàng tư nhân.

Bảo tàng tư nhân có nhiều tiền hơn, họ có thể chi tiêu tự do, trong khi bảo tàng nhà nước không phải đóng thuế. Bảo tàng tư nhân cũng muốn có những đặc quyền như thế. Nhưng muốn vậy không thể tránh khỏi các giới hạn trong hoạt động của họ. Vì vậy, Liên minh các bảo tàng Nga đang dần phát triển một kế hoạch xác định khái niệm về một bảo tàng: nó khác với phòng trưng bày trước tiên ở chỗ tồn tại các quỹ.

Chẳng hạn, Trung tâm nghệ thuật đương đại Garage đã tạo ra những quỹ tuyệt vời, bao gồm cả những phim tài liệu và do đó trở thành một bảo tàng chính thức. Đó là một trong các bảo tàng tư nhân tốt nhất hiện diện ở Nga.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta cần xây dựng một hệ thống bảo vệ các định chế mà số phận của chúng gắn kết chặt chẽ với số phận của những nhà sáng lập. Bảo tàng cần được bảo vệ theo thông lệ quốc tế (mặc dù mỗi quốc gia có những tinh tế riêng của mình).

Có một nguyên tắc thế này: một sự kiện văn hóa quan trọng được tách khỏi phạm trù pháp lý chung. Nó được gọi là miễn trừ khỏi bị bắt giữ. Thậm chí kể cả khi có đơn kiện liên quan tới các tác phẩm trong thành phần triển lãm cũng không được động đến chúng. IRRA đã trở thành một hiện tượng của đời sống văn hóa.

Phải có những cơ chế cho phép bảo vệ bảo tàng độc lập khỏi số phận chủ nhân của nó. Liên minh các bảo tàng sẽ nghiên cứu các nền tảng pháp lý. Sau đó, chúng tôi sẽ liên lạc với chính phủ, Đuma Nga.

Cần phải đề xuất một cơ chế bảo vệ các bộ sưu tập tư nhân khi chủ nhân của chúng bị phá sản hay thay đổi. Tuy nhiên, cũng cần các giới hạn đối với sở hữu chủ: anh ta không thể tự do định đoạt việc thu thập bộ sưu tập. Tôi nghĩ chúng tôi có thể giúp các bảo tàng.

Nhân tiện, hầu tước Giampietro Campana - chúng tôi đang trưng bày bộ sưu tập của ông - là nhà tài chính của Giáo hoàng Gregory XVI, cũng là người phát minh hiệu cầm đồ và đã tiêu xài các khoản tiền cho lợi ích của mình.

Ông ta đã bị bỏ tù như một tên trộm, còn các bộ sưu tập bị đem bán. Ý đã mất kho báu này, trong khi Pháp và Nga đã có được chúng. Kết quả là thế đấy. Tuy nhiên, mặc cho mọi việc, Campana vẫn là một nhà sưu tập vĩ đại và Louvre cũng như Hermitage tự hào về bộ sưu tập của ông ta.

Bảo tàng quan trọng vì trình độ trí tuệ đang sụt giảm - Ảnh 3.

Một gian trưng bày của Hermitage - Ảnh: RIA Novosti

* Vậy điều gì đang diễn ra trong lĩnh vực pháp lý đối với vấn đề bảo trợ nghệ thuật?

- Trước đây, ở các nước Anglo - Saxon đã giảm bớt phần nào cơ sở chịu thuế cho các nhà bảo trợ. Tuy nhiên, chính sách này hiện nay đang mất dần. Ở Mỹ, dưới thời ông Obama đã chuẩn bị loại bỏ các khoản giảm nhẹ thuế khóa này, thời ông Trump dường như đang thực hiện được một phần.

Ở Pháp có một thực tế khác: tại đó có thể tránh thuế thừa kế nếu tặng một phần cho nhà nước. Bằng cách đó đã xuất hiện Bảo tàng Picasso. Trong luật của chúng tôi có điều khoản về tỉ lệ phần trăm lợi nhuận ròng nhất định, có thể làm giảm thuế. Tuy nhiên, đối với các doanh nhân Nga, đây không phải là một lựa chọn hấp dẫn.

Chúng tôi có đầy những nhà bảo trợ, cho tiền và không nhận lại gì ngoài sự hài lòng về đạo đức. Người ta khen ngợi họ, quảng cáo, đánh giá cao.

Như một trong số họ đã nói tại Câu lạc bộ những người Petersburg toàn thế giới mới đây: "Một điều quan trọng đối với tôi là các con tôi sẽ sống ở đâu". Đấy, sự ủng hộ nghệ thuật được xác định như thế. Dẫu sao luật này cũng cần thiết, dần dần sẽ xuất hiện ba hoặc bốn điểm và có những người có thể vận dụng chúng.

Bảo tàng quan trọng vì trình độ trí tuệ đang sụt giảm - Ảnh 4.

Triển lãm “Jan Fabre: Hiệp sĩ tuyệt vọng - các chiến binh nhan sắc” tại Hermitage - Ảnh: TASS

Khó hiểu và bất thường không nhất thiết phải là xấu

* Bộ sưu tập của Hermitage được bổ sung bằng những tác phẩm gì và như thế nào? Các ông có mua các tác phẩm của thế kỷ 20-21?

- Từ lâu chúng tôi đã sưu tập các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng thế kỷ 20, thủy tinh nghệ thuật, đá chạm khắc, sứ. Có một bộ phận nghệ thuật hiện đại chuyên chuẩn bị các dự án, triển lãm, nhưng đồng thời cũng chuyên chú vào việc thu thập, sở hữu.

Chúng tôi là bảo tàng nghệ thuật thế giới. Khác với Bảo tàng Nga và phòng trưng bày Tretyakov mà chức năng của chúng là hỗ trợ các họa sĩ, chúng tôi phải mua những gì sẽ còn lại trong nhiều thế kỷ.

Do đó, chúng tôi vừa mua Anselm Kiefer (1), Bill Viola (2). Nói chung, chúng tôi chọn lựa rất cẩn thận, tên tuổi đòi hỏi. Nhưng đấy, những hình ảnh của Boris Smelov (3) chúng tôi không thể bỏ qua vì ông là người mang văn hóa Petersburg.

Điều quan trọng với chúng tôi là trưng bày các dự án nghệ thuật hiện đại, để tạo ra một mô hình nào đó cho bộ sưu tập của Hermitage.

* Sau các trưng bày tác phẩm của anh em Chapman (5) và Jan Fabre (6), ông sẽ triển lãm một số thứ khiêu khích? Bởi thậm chí ông đã muốn tổ chức hội nghị đề tài "Báng bổ trong nghệ thuật"?

- Chúng tôi đã tổ chức một số bàn tròn về chủ đề này. Còn Jan Fabre là nghệ thuật đích thực. Một khi nó nằm trong bảo tàng - có nghĩa đó là nghệ thuật đích thực. Nhiệm vụ của chúng tôi là giải thích: những thứ khó hiểu và bất thường không nhất thiết là xấu.

Một bảo tàng toàn cầu như Hermitage phải chỉ ra rằng có những nền văn minh khác nhau. Cần phải hiểu sự diễm lệ của Thần Vệ nữ thời kỳ đồ đá cũ và biết điều gì đứng sau những con mèo của Jan Fabre. Điều này quan trọng, vì đang cảm nhận được sự sụt giảm trình độ trí tuệ. Bảo tàng đóng một vai trò lớn trong ý nghĩa này.

Chúng tôi đang chuẩn bị chiến lược Bảo tàng Saint Petersburg: chúng tôi là thành phố bảo tàng, và có một số nguyên tắc nên áp dụng cho chính thủ đô phương bắc này. Khi đó, chúng tôi mới có thể bảo tồn được tiềm năng trí tuệ của mình.

* Ông nói gì về chính sách trưng bày của các bảo tàng nhà nước: họ có tự do trong sự lựa chọn của mình và được hướng dẫn chỉ bởi lợi ích riêng mình không?

- Bảo tàng có thể cứu thế giới. Và phải cứu. Nhưng không ai có quyền nói với nó, nó buộc phải làm gì. Có ba phần của văn hóa. Cái đầu tiên là nền tảng, những tác phẩm được tạo ra bởi các thiên tài và sẽ còn lại trong nhiều thế kỷ.

Nó phải được nhà nước và xã hội hỗ trợ. Lớp khác là đơn đặt hàng của nhà nước: ngày nay cần phải kể về nước Nga, về chủ nghĩa yêu nước và ngày mai về chủ nghĩa quốc tế, về cách mạng thế giới. Thứ ba là cái gọi là ngành công nghiệp văn hóa, mà tiền được chi vào đó: điện ảnh, Internet, quảng cáo, thiết kế. Ba thứ này chắc chắn đang được kết hợp trong công việc của bảo tàng.

Bảo tàng quan trọng vì trình độ trí tuệ đang sụt giảm - Ảnh 5.

Chuẩn bị triển lãm bộ sưu tập của hầu tước Campana “Ước mơ của Ý” - Ảnh: portal-kultura

* Vậy còn công nghệ thông tin? Liệu người ta có thôi đi bảo tàng không khi có thể xem trên mạng?

- Kinh nghiệm nhiều năm qua chứng minh rằng: các bản sao cực tốt cũng như các hình ảnh trên màn hình máy tính không hề làm sụt giảm mong muốn được nhìn thấy nguyên bản. Các công cụ kỹ thuật thật sự quan trọng, nhưng chúng ta phải nhớ: đó chỉ là những thứ trợ giúp. Tuy nhiên, có một thứ là trí tuệ nhân tạo.

Nó hoạt động bằng chính các thuật toán cũng như bộ não người, rồi sau đó tạo ra cái gì đó mới hơn trên cơ sở những thông tin thu thập được - điều này đã nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải nhân tính hóa các công nghệ này. Để làm điều đó, mới đây chúng tôi đã mở triển lãm "Trí tuệ nhân tạo và đối thoại của các nền văn hóa".

* Các đổi mới công nghệ có giúp kéo giới trẻ đến bảo tàng?

- Nói chung, bảo tàng tồn tại cho trẻ em. Chúng tôi có những nhóm tuyệt vời. Như chat-bot Liza: một lộ trình trò chơi qua cung điện Mùa Đông. Khách truy cập được đặt câu hỏi trong một phòng chat đặc biệt. Và chỉ có thể trả lời khi tham quan bảo tàng. Có một festival trên mạng xã hội "VKontakte" và nhiều thứ khác khiến khán giả trẻ thích thú.

* Hãy kể về những kế hoạch của Hermitage trong những năm tới có gì mới và thú vị cho công chúng xem?

- Tháng 12 này, chúng tôi sẽ có một trưng bày tuyệt vời chủ đề Potemkin (7) gồm một loạt dự án lịch sử và văn hóa. Sẽ có một triển lãm chấn động về các bức phù điêu Assyria từ bảo tàng Anh.

Chúng tôi cũng có kế hoạch giới thiệu một số kiệt tác xuất sắc của thời Phục hưng Ý mà nay tôi sẽ không tiết lộ sớm. Hay "Afghan Geniza" là các tài liệu của Thư viện quốc gia Israel, được tìm thấy ở Afghanistan, kể về cuộc sống thời Trung cổ của thành phố Bamiyan bằng các ngôn ngữ Pashtun, Ả Rập cổ đại và Do Thái. Những dự án như thế, ngoài chúng tôi, không ai có thể làm được…

* Ông từng nói "khách tham quan đi ngang Rubens (4) như đi qua cửa sổ của một cửa hàng lớn". Người xem ở Hermitage có thay đổi không trong ký ức của ông?

- Tất nhiên là có vấn đề đối với công chúng. Các nhà xã hội học của chúng tôi tính được rằng khoảng 80% khách xem Hermitage không biết họ đi đâu và ở đó có gì. Còn vào mùa đông, khi người xem chỉ toàn là người Petersburg, lại là chuyện khác. Họ không chỉ hiểu mình đi đâu mà còn quay trở lại cuộc triển lãm lần thứ hai, rồi thứ ba.

Chú thích:

(*) Trích dịch từ nguyên tác tiếng Nga trên trang portal-kultura.ru.

(1) Anselm Kiefer: Họa sĩ và điêu khắc gia Đức. Các tác phẩm của ông kết hợp các vật liệu như rơm, tro, đất sét, chì và nhựa shellac.

(2) Bill Viola: Nghệ sĩ video đương đại với các tác phẩm nghệ thuật dựa vào công nghệ điện tử, âm thanh và hình ảnh trong truyền thông mới.

(3) Boris Smelov (1951-1998): Nghệ sĩ nhiếp ảnh Liên Xô và Nga, nhà sáng lập "nền nhiếp ảnh phi chính thức" thập niên 1970-1990, một trong những nghệ sĩ ngầm nổi bật nhất Liên Xô.

(4) Sir Peter Paul Rubens (1577-1640): Nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của truyền thống Flemmish Baroque. Các tác phẩm bao gồm chủ đề tôn giáo và thần thoại, chân dung.

(5) Jane và Dinos Chapman: những nghệ sĩ thị giác người Anh.

(6) Jan Fabre: Nghệ sĩ đa ngành người Bỉ. Tháng 10-2016, Hermitage trưng bày các tác phẩm của Fabre và bị phản ứng kịch liệt khi những chú thú nhồi trong bộ dạng kỳ lạ, khiến nhà thờ chính thống giáo lẫn dư luận xã hội Nga chỉ trích về việc hành hạ súc vật, kêu gọi tẩy chay. Hermitage phải tổ chức một sự kiện để giải thích, nhưng vẫn tiếp tục trưng bày đến tháng 4-2017. Jan Fabre nhiều lần giải thích những con thú được sử dụng triển lãm là những con thú thu được từ đường phố khi chúng đã bị giết.

(7) Grigory Aleksandrovich Potemkin (1739-1791): Nhà hoạt động Nhà nước Nga, người sáng lập và là chỉ huy đầu tiên của hạm đội Biển Đen.

Bảo tàng ngộ cảnh đìu hiu Bảo tàng ngộ cảnh đìu hiu

TTO - Một loạt bảo tàng trên địa bàn TP.HCM đang mang 'bộ mặt lặng lờ' do các dịch vụ bổ trợ như hàng lưu niệm, quầy giải khát... đã bị ngưng hoạt động.


TƯỜNG ANH (*)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên