05/05/2013 02:37 GMT+7

Bảo tàng chiến tranh của ông Hiệp

LÊ BÌNH - CHÍ HÒA
LÊ BÌNH - CHÍ HÒA

TT - Từ khi có ý tưởng đến ngày khánh thành bảo tàng lưu giữ kỷ vật chiến tranh của ông Nguyễn Mạnh Hiệp (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) tròn 20 năm chẵn.

GfE8amu2.jpgPhóng to
Ông Hiệp tại bảo tàng của gia đình

Năm 1967, dù thuộc diện miễn nhập ngũ vì có anh trai hi sinh trên chiến trường, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn xếp bút nghiên tình nguyện vào bộ đội. Năm 1968, sư đoàn 320B của ông cùng sư đoàn 324 đã đập tan cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn địch (trong đó có tám tiểu đoàn lính dù) tại đồi Abia (đồi thịt băm).

Cuối năm 1969, ông Hiệp bị thương và điều trị tại đoàn an dưỡng 580. Sau đó, ông được điều về làm cán bộ khung, huấn luyện và chuyển quân bổ sung cho các đơn vị. Cuối năm 1972, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Văn hóa, rồi Bộ Giao thông vận tải đến lúc nghỉ hưu.

Hành trình thu gom và lưu giữ những kỷ vật chiến tranh của ông Hiệp là một kỳ tích. Mỗi khi ai đó báo tin có kỷ vật ở chiến trường, ông liền giục vợ chuẩn bị tiền, quân tư trang để lên đường. Trong mỗi chuyến đi ông tìm đến các cửa hàng buôn bán phế liệu tìm kiếm những hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để mua. Đến đâu ông cũng để lại số điện thoại của mình để họ liên lạc mỗi khi có hiện vật mới. Vào tháng 7-2012, khi đó ở Hướng Hóa, Quảng Trị đang có bão số 3 cũng là lúc có người gọi điện báo là vừa tìm thấy vỏ quả bom 500 cân Anh (1 cân Anh = 0,453kg). Sợ họ bán mất, ông liền thuê xe vào Quảng Trị bất chấp trời mưa bão để mua vỏ quả bom ấy với giá 5 triệu đồng, cộng thêm tiền xe chở từ Khe Sanh (Quảng Trị) ra Hà Nội là 12 triệu đồng. Trên đường vận chuyển, vỏ bom này bị các trạm cảnh sát giao thông kiểm tra và họ định thu giữ, nhưng nghe ông giải thích mang về làm bảo tàng, họ lại cho đi tiếp.

“Được sống và trở về sau chiến tranh là niềm hạnh phúc lớn, có biết bao đồng đội tôi đã ngã xuống nơi chiến trường. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ làm gì đó để lưu giữ những ký ức chiến tranh, nhớ về đồng đội xưa và giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng giá trị lịch sử” - ông Hiệp nói lý do mở bảo tàng của mình. Hơn 20 năm qua, năm nào ông cũng lặn lội từ Bắc vào Nam rồi ngược lên Tây nguyên... sưu tầm những kỷ vật thời chiến. Ý tưởng xây dựng bảo tàng được hình thành từ những năm 1990, nhưng mãi đến cuối năm 2009 vợ và mấy người con của ông mới góp đủ số tiền gần 1 tỉ đồng để ông xây dựng một bảo tàng với kiểu kiến trúc Gothic hai tầng trên diện tích 100m2 đất của gia đình để trưng bày hiện vật. Bảo tàng hiện lưu giữ hàng nghìn kỷ vật, hình ảnh có giá trị của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Việc xây dựng một bảo tàng tư nhân giữa lòng thủ đô cho thấy tấm lòng của một cựu chiến binh. Mặc dù không hoành tráng, đồ sộ nhưng ẩn chứa trong mỗi hiện vật ở đây là câu chuyện cảm động về bom đạn, khói lửa và sự khốc liệt của chiến tranh.

LÊ BÌNH - CHÍ HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên