21/03/2017 10:54 GMT+7

Bảo hiểm y tế: đóng cao nên được hưởng cao

TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY 
KINH TẾ FULBRIGHT), N.BÌNH ghi
TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY 
KINH TẾ FULBRIGHT), N.BÌNH ghi

TTO - Bàn thêm câu chuyện “Bảo hiểm y tế: chi chục triệu vẫn khó xài” (Tuổi Trẻ ngày 20-3), các chuyên gia cho rằng nên thay đổi cách chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc để đảm bảo công bằng cho người có mức đóng cao.

Người dân nộp sổ bảo hiểm y tế khám bệnh tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

 

Chính sách BHYT của VN hiện không công bằng mà theo kiểu cào bằng, do vậy chính sách này cũng không căn cứ vào nguyên tắc người hưởng lợi, tức người có nhu cầu khám chữa bệnh nhiều hơn thì chi trả nhiều hơn, mà dựa trên thu nhập, dẫn đến người đóng mức cao cũng được chi trả như với người đóng thấp.

Trong khi ở các nước, chính sách BHYT không chỉ phân theo độ tuổi mà còn theo ngành nghề, những người làm việc trong điều kiện rủi ro cao về nguy cơ bệnh tật thì mức đóng cũng khác với người làm nghề trong điều kiện lý tưởng về bảo đảm sức khỏe. Một số quốc gia còn có quỹ bảo hiểm theo từng loại bệnh, điều đó cho thấy sự đa dạng trong thiết kế các gói dịch vụ BHYT.

Thêm vào đó, tình trạng, điều kiện con người khác thì nhu cầu về chất lượng khám chữa bệnh cũng khác nhau, nếu cứ cào bằng, “đầu ra” chất lượng khám chữa bệnh giống nhau dù đóng thấp hay cao thì khó khuyến khích cũng như đảm bảo công bằng cho người đóng bảo hiểm.

Việc chất lượng bảo hiểm được cung ứng một cách đại trà cũng làm xảy ra tình trạng dịch vụ BHYT có khi lại cao hơn mức cần thiết với nhóm chi trả thấp nhưng lại không đáp ứng nhu cầu dịch vụ của nhóm chi trả cao. Có thực tế hiện nay, doanh nghiệp bên cạnh mua BHYT bắt buộc vẫn mua thêm BHYT của các công ty bảo hiểm do họ không hài lòng về các dịch vụ khám chữa bệnh của gói BHYT bắt buộc cung cấp.

Chúng ta đều đồng ý bản chất của bảo hiểm là phân chia, bù đắp rủi ro trong xã hội, lấy của những người có điều kiện nhưng chưa cần sử dụng đến trợ giúp những người kém may mắn hơn, bao bọc cho người có thu nhập thấp hơn, một phần nào đó câu chuyện này đáp ứng được yêu cầu tái phân phối xã hội. Nhưng thực tế, chúng ta vẫn có thể trợ cấp sai nhóm đối tượng, đó là những người có điều kiện nhưng rảnh rỗi, cơ hội nghỉ ngơi của họ không làm mất lợi ích nền kinh tế nhưng lại thường xuyên sử dụng các phúc lợi của quỹ BHYT.

Theo tôi, cần chia thành những gói dịch vụ bảo hiểm theo các cấp như cơ bản, thông thường và gia tăng, có thể lấy thực trạng hiện nay để làm gói cơ bản. Những người có nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao hơn nữa thì họ có thể tìm đến các dịch vụ của công ty bảo hiểm.

Chúng ta cần thiết kế lại, tái phân phối phúc lợi bảo hiểm và vẫn giữ mục tiêu người nghèo đảm bảo được lợi ích khám chữa bệnh.

Cách chi trả cũng như cung ứng dịch vụ BHYT của các nước khác nhau, khá đa dạng. Hàn Quốc, Nhật Bản hay Pháp đều triển khai chương trình bảo hiểm theo cách riêng nhưng vẫn đảm bảo cho người đóng bảo hiểm nhiều hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, chứ không thể đóng khác nhau mà hưởng lợi ích giống nhau.

Muốn vậy, cần xóa bỏ độc quyền nhà nước trong BHYT vì sự độc quyền hiện nay đang dẫn đến nhiều hệ quả, như định phí bảo hiểm cao, dồn lên gánh nặng doanh nghiệp... Quản trị yếu kém còn chuyển gánh nặng chi phí hành chính và quản lý yếu kém vào phí do Nhà nước không có động cơ cạnh tranh để hoạt động một cách hiệu quả.

Tuy hướng đến xóa bỏ độc quyền, chúng ta cũng không nên phân tán nguồn bảo hiểm bằng việc chia nhỏ các quỹ bảo hiểm. Cần đảm bảo tính hỗ trợ của dịch vụ bảo hiểm, khuyến khích người mua bảo hiểm nhưng không gạt người nghèo qua bên lề các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng.

Ông Hoàng Kiến Thiết (nguyên trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội VN):

Nên có mức chi trả riêng cho người đóng cao

Đang có một bất hợp lý trong xây dựng chính sách BHYT, đó là những người ốm đau nhiều, sử dụng nhiều chi phí y tế thì có mức đóng rất thấp, còn người đóng mức cao thì lại ít sử dụng đến thẻ BHYT.

Có ý kiến cho là chính sách BHYT là để chia sẻ, người đóng cao bù cho người già, trẻ em hoặc những người có mức đóng thấp. Tuy nhiên năm nào cũng đóng cao, đóng mãi nhưng mức hưởng lại thấp thì người đóng cao sẽ thấy bất hợp lý và bất công.

Quy định BHYT ở Thái Lan có cho phép: nếu doanh nghiệp cam kết loại hình BHYT mà họ cung cấp cho nhân viên có quyền lợi cao hơn so với mức nhà nước đang cung cấp, thì doanh nghiệp có quyền chọn nhà cung cấp bảo hiểm khác, không bắt buộc mua bảo hiểm của nhà nước.

Tuy nhiên quy định ở VN thì chưa cho phép như vậy, trong khi rõ ràng những người có thu nhập cao và mức đóng BHYT cao có nhu cầu (và có quyền) được nhận dịch vụ chất lượng cao hơn. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN nên tính toán việc cung cấp loại hình bảo hiểm đáp ứng nhu cầu này để thu hút thêm được nhiều người tham gia BHYT.

Theo quy định hiện hành thì phần lớn những người đóng BHYT theo thang bảng lương là phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh (quỹ BHYT chỉ chi trả 80%), trong khi bảo hiểm thương mại lại có thể chi trả mức trần hoặc mức thực chi tính theo số ngày điều trị nội trú.

Các cơ quan chức năng rất nên nghiên cứu và điều chỉnh để làm sao người đóng cao phải được hưởng cao, hoặc có chính sách riêng cho họ.

Bên cạnh các dịch vụ cơ bản, đại chúng được cung cấp như nhau, những người đóng cao phải được chi trả cao hơn, như được trả tiền phòng dịch vụ nếu nằm viện chẳng hạn, thì mua bảo hiểm mới thực sự là nhu cầu, nếu không là vì bắt buộc phải mua và họ luôn cảm thấy ấm ức vì những bất hợp lý.

Lan Anh ghi

TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY 
KINH TẾ FULBRIGHT), N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên