24/05/2020 05:41 GMT+7

Bảo hiểm xe máy: ‘Có vấn đề’ về cách thức triển khai, sửa sai thế nào?

BÔNG MAI thực hiện
BÔNG MAI thực hiện

TTO - Ông Trần Nguyên Đán, viện trưởng Học viện Đào tạo bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, cho rằng bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy hiện nay không sai về bản chất mà sai về cách thức thực hiện và cần phải thay đổi.

Bảo hiểm xe máy: ‘Có vấn đề’ về cách thức triển khai, sửa sai thế nào? - Ảnh 1.

Sinh viên Nguyễn Thị Loan (Q.Thủ Đức, TP.HCM) làm đại lý bán bảo hiểm cho người đi xe máy trên đường Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM chiều 23-5 - Ảnh: LÝ NGUYÊN

* Ông bình luận gì về con số do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm công bố: năm 2019 doanh thu bảo hiểm xe máy là 765 tỉ đồng, bồi thường chỉ vỏn vẹn 45 tỉ đồng (chưa tới 6%)?

- Đây là một con số thấp kỷ lục nếu so với các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác. Với tỉ lệ bồi thường nêu trên, cục với chuyên môn của mình có bao giờ đặt câu hỏi vì sao tỉ lệ bồi thường lại thấp như vậy, trong khi tình hình tai nạn giao thông do xe máy gây ra rất cao qua các năm? 

Và tại sao đến tận bây giờ cơ quan quản lý nhà nước mới thừa nhận rằng "thủ tục bồi thường quả là có vấn đề"? Vậy ai chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi của người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) xe máy trong những năm qua?

* Vậy việc bắt buộc mua bảo hiểm TNDS xe máy nên hay không?

Xin nhấn mạnh là cần bắt buộc người tham gia giao thông phải có bảo hiểm TNDS, bởi vai trò của loại hình bảo hiểm này là bảo vệ lợi ích người bị nạn. Nhưng cách thức triển khai hiện nay không làm bật lên vai trò đó mà dường như đang bảo vệ lợi ích của ai đấy. Loại hình này không sai về bản chất mà sai về cách thức thực hiện.

* Theo ông, cần làm gì để thay đổi cách thức thực hiện?

- Đầu tiên, tôi đề xuất chúng ta nên triển khai loại hình bảo hiểm TNDS điều khiển phương tiện giao thông, thay vì là bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Theo đó, người dân tham gia bảo hiểm với các thông tin cá nhân chứ không phải là thông tin trên cà vẹt xe. Vì nhiều trường hợp người gây tai nạn không phải là chủ xe. 

Từ đó, dựa vào lịch sử liên quan đến các sự kiện tai nạn giao thông của một người, công ty bảo hiểm sẽ đánh giá rủi ro và đưa ra mức phí phù hợp. Điều này cũng khắc phục được cả vấn đề xe không chính chủ cũng như sẽ quản lý được vấn đề định phí bảo hiểm theo rủi ro trách nhiệm cá nhân.

Chúng ta cũng nên tạm ngừng chương trình kiểm tra bảo hiểm TNDS xe máy và xử phạt. Thay vào đó nên tập trung cho công tác tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân hiểu tác dụng của bảo hiểm và cách thức bảo vệ quyền lợi của mình.

* Riêng đối với các doanh nghiệp bán bảo hiểm, cần có những thay đổi gì?

- Cần yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi hình thức triển khai loại hình bảo hiểm này bằng các trạm tư vấn và cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Không để tình trạng người người, nhà nhà tràn ra đường bán bảo hiểm xe máy mà không hiểu gì hết về bảo hiểm như hiện nay.

Đồng thời, nên lập trung tâm hỗ trợ và giám sát bồi thường bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới để đảm bảo người tham gia bảo hiểm TNDS có được sự hỗ trợ cần thiết. Việc này là cực kỳ cần thiết để người tham gia bảo hiểm TNDS có nơi bấu víu vào khi xảy ra tai nạn.

Cơ quan chức năng cũng cần quy định rõ công tác xử phạt nếu doanh nghiệp bảo hiểm làm khó người dân trong khâu giải quyết bồi thường và có đường dây nóng để phản ảnh vấn đề này.

Luật sư Phạm Hoàng Sang (Đoàn luật sư TP.HCM):

Theo quy định hiện nay, để được hưởng quyền lợi, người dân phải cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm hàng loạt tài liệu bổ sung vào hồ sơ bồi thường như: giấy thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường theo mẫu, các chứng từ xác định và chứng minh thiệt hại do tai nạn, bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến xe và lái xe, bản sao bộ hồ sơ tai nạn (có xác nhận của công an nơi thụ lý tai nạn), sơ đồ hiện trường tai nạn, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông, các biên bản và tài liệu xác định trách nhiệm của người thứ ba (trong trường hợp tổn thất do người thứ ba gây ra), biên bản giám định thiệt hại, các chứng từ xác định thiệt hại do tai nạn… Theo tôi, các thủ tục này nếu áp dụng cho mọi trường hợp thì quá rườm rà, gây khó dễ, khiến người dân bỏ cuộc.

* Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế):

Buộc dân mua, phải quản chặt doanh nghiệp bảo hiểm

Bộ Tài chính phải rà soát và sửa đổi lại chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Sau khi áp dụng hơn 10 năm nay mà người dân không hề quan tâm, thể hiện qua con số chỉ có 30% xe máy trong cả nước có mua bảo hiểm, năm 2019 số tiền bồi thường bảo hiểm cho tai nạn xe máy 6% doanh thu là quá thấp.

Doanh nghiệp bảo hiểm bán được đồng nào gần như hưởng đồng đấy, không phải thực hiện theo đúng tính chất của bảo hiểm là đền bù thiệt hại khi không may xảy ra tai nạn. Và ngay cả cơ quan nhà nước quản lý và giám sát sản phẩm này chưa quản lý đúng tính chất của bảo hiểm bắt buộc. Khi bắt buộc người dân mua bảo hiểm, cách thức quản lý của cơ quan chức năng phải chặt chẽ đối với người bán và cả trách nhiệm bồi thường cho người mua. (L.THANH ghi)

Bảo hiểm xe máy: Giảm thủ tục, tăng bồi thường Bảo hiểm xe máy: Giảm thủ tục, tăng bồi thường

TTO - Ông Phùng Ngọc Khánh - cục trưởng Cục Giám sát quản lý bảo hiểm Sắp tới Bộ Tài chính sẽ phối hợp sửa đổi quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục các trường hợp đơn giản, và mức phí bảo hiểm phải phù hợp.

BÔNG MAI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên