06/11/2021 06:34 GMT+7

Bản tin COVID-19 ngày 6-11: Mỹ hứa giải quyết tình trạng bất bình đẳng vắc xin

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Ngày 5-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tuần tới, ông sẽ triệu tập một cuộc họp ảo ngoại trưởng các nước trên thế giới để thảo luận về đại dịch COVID-19, và hứa giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc xin.

Bản tin COVID-19 ngày 6-11: Mỹ hứa giải quyết tình trạng bất bình đẳng vắc xin - Ảnh 1.

Người dân Áo ăn tối tại một nhà hàng ở thủ đô Vienna, Áo ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi sẽ thảo luận về những nỗ lực nhằm hướng tới công bằng vắc xin", ông Blinken nói.

Cùng ngày tại Mỹ, theo Hãng tin AFP, Công ty Ocugen cho biết đã yêu cầu các nhà chức trách Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19 Covaxin - do công ty dược Ấn Độ Bharat Biotech sản xuất - cho trẻ từ 2-18 tuổi.

Ocugen là đối tác của Bharat Biotech. Tuy nhiên, theo AFP, dữ liệu của Ocugen thu thập từ các thử nghiệm lâm sàng thực hiện bên ngoài Mỹ với một nhóm nhỏ trẻ em có thể không đủ để Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép.

Ngày 3-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin Covaxin. Vắc xin này cũng đã được phê duyệt sử dụng tại 17 nước.

Trong khi đó, ngày 5-11, giám đốc điều hành Hãng dược Pfizer Albert Bourla cho biết Pfizer đang thảo luận hợp đồng cung cấp thuốc COVID-19 đang được thử nghiệm của công ty với 90 nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết nước này đã đặt mua hàng triệu liều thuốc uống trị COVID-19 của Pfizer.

Trước đó, cũng trong ngày 5-11, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm tạm thời loại thuốc này chứng minh giảm tới 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đối với người trưởng thành có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.

Bản tin COVID-19 ngày 6-11: Mỹ hứa giải quyết tình trạng bất bình đẳng vắc xin - Ảnh 2.

Pfizer công bố kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc trị COVID-19 của hãng có hiệu quả 89% trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong - Ảnh: REUTERS

Tình hình dịch bệnh một số nước

Ngày 5-11, Áo thông báo cấm những người chưa chủng ngừa đầy đủ đến quán cà phê, nhà hàng và tiệm cắt tóc trong bối cảnh số ca mắc mới đang trở lại mức kỷ lục từng được ghi nhận một năm trước.

Theo Hãng tin Reuters, khoảng 64% dân số Áo đã chủng ngừa đầy đủ. Đây là tỉ lệ chủng ngừa trung bình tại Liên minh châu Âu, nhưng lại là một trong những tỉ lệ thấp nhất ở Tây Âu.

Ngày 5-11, Áo ghi nhận 9.388 ca mắc mới trong 24 giờ, gần với kỷ lục 9.586 ca bệnh được ghi nhận cách đây một năm. Chính phủ Áo dự báo sẽ ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục mới trong những ngày tới.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Đức đang bước vào giai đoạn khó khăn khi số bệnh nhân COVID-19 cần săn sóc đặc biệt tăng cao, theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn.

Lãnh đạo các bang ở Đức cũng cảnh báo nếu không hành động nhanh chóng, Đức có thể cần đến một đợt phong tỏa mới.

Ngày 5-11, bang Saxony thông báo các biện pháp phòng dịch mới đối với người chưa tiêm vắc xin COVID-19. Từ 8-11, việc ăn tối trong nhà hàng và các sự kiện trong nhà chỉ dành cho người đã tiêm đủ liều hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19.

Ngày 5-11, Đức đã ghi nhận 37.120 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục theo ngày trong ngày thứ hai liên tiếp.

Trong khi đó, theo Hãng tin AFP, ngày 5-11, Philippines dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch cho quán karaoke và sân tập bóng rổ tại thủ đô Manila, mở cửa lại trường đại học tại thành phố 13 triệu dân này khi số ca nhiễm giảm.

Tất cả hạn chế đi lại với người dưới 18 tuổi cũng được dỡ bỏ tại Manila. Các trường tiểu học cũng sẽ sớm mở cửa trở lại nếu được Tổng thống Rodrigo Duterte phê duyệt.

Theo đó, số ca nhiễm tại Manila đã giảm từ khoảng 2.000 ca/ngày hồi tháng trước xuống còn khoảng 493 ca/ngày hiện nay. Dù vậy giới chức Manila cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp nói trên chỉ có hiệu lực đến 21-11 và có thể được áp dụng lại nếu số ca bệnh tăng trở lại.

Thuốc uống trị COVID-19: Nhiều nước chọn Molnupiravir, Mỹ chọn hàng Pfizer Thuốc uống trị COVID-19: Nhiều nước chọn Molnupiravir, Mỹ chọn hàng Pfizer

TTO - Úc, Pháp, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ... nằm trong số các nước đã bày tỏ quan tâm tới thuốc trị COVID-19 của hãng Merck & Co hoặc Pfizer. Riêng Mỹ đã đặt mua hàng triệu liều.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 Pfizer Mỹ