09/02/2020 17:31 GMT+7

Bàn tay tài hoa biến vỏ trứng thành 'ngọc'

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Nhận ra vẻ sắc sảo từ lớp vỏ trứng bị vứt bỏ, chàng trai xứ Huế nghĩ ngay đến ý tưởng gắn vỏ trứng lên những vật dụng cũ. Dưới bàn tay tài hoa của anh, chiếc nón, cây viết, bình trà... trở nên sống động hơn.

Bàn tay tài hoa biến vỏ trứng thành ngọc - Ảnh 1.

Anh Lượm cẩn thận trong khâu nướng vỏ trứng để cho ra khối màu tốt nhất - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đến nay, những sản phẩm từ vỏ trứng của anh Hoàng Ngọc Lượm (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) được nhiều vị khách chọn làm quà lưu niệm khi đến tham quan.

Không chỉ làm đẹp, việc tận dụng nguồn phế phẩm là vỏ trứng cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường. Hiện một số đơn vị, quầy quán đã đưa sản phẩm vào sử dụng.

Hoàng Ngọc Lượm

Tỉ mỉ đến từng chi tiết

Dịp tết vừa qua, khách du xuân đổ về điểm du lịch cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) khá đông đảo. Sức hút từ gian hàng tranh sơn mài "Lac Quer - Hoàng Ngọc Lượm" càng thêm nổi bật và "níu" chân mọi người bởi diện mạo bắt mắt, mới mẻ từ nhiều vật dụng sinh hoạt, đồ lưu niệm đang trưng bày.

Nâng niu từng sản phẩm, anh Lượm cho biết cái duyên mình theo đuổi dòng sản phẩm này suốt 15 năm xuất phát từ vẻ đẹp "lạ lùng" của những chiếc vỏ trứng được phát hiện trong một lần đốt rác. Anh tự hỏi: "Liệu có thể tìm thấy vẻ đẹp, giá trị nào từ thứ vô ích, khó tiêu hủy này?".

Và rồi từng vật dụng từ nhỏ đến lớn trong nhà như lược, nón bảo hiểm, bàn ghế, bức tranh... được anh thử nghiệm. "Trước làm ít thì xin nhà này nhà kia. Còn giờ cần nguồn vỏ trứng ổn định thì mình đến các lò ấp để đặt mua. Trong khi người dân đang tìm cách xử lý nó, mình đến mua về dùng, vẹn đôi đường nên ai nấy đều vui" - anh Lượm nói.

Để có một sản phẩm từ vỏ trứng thật sự không dễ dàng. Nguyên liệu sau khi thu gom, anh nướng trên lửa để đạt độ giòn cứng và sắc màu nhất định. Đây là công đoạn rất khó, bởi non hoặc quá tay thì vỏ trứng sẽ không cho ra màu tốt nhất. Sau đó, tùy theo mục đích và chi tiết cần sử dụng, người thợ gắn, mài và xả màu. Sản phẩm càng nhỏ lại càng khó do vỏ trứng chỉ cần lệch 1mm so với nét vẽ khuôn thì sản phẩm không được đánh giá cao.

"Chỉ cần lơ là thì nước màu, đường nét sẽ không như ý. Chúng buộc phải bỏ đi dù thời gian làm ra đến đó cũng mất nhiều ngày trời, thậm chí mất cả tháng trời" - anh Lượm cho hay.

Bảo vệ môi trường

Vỏ trứng dùng trong tranh sơn mài hay đính lên trang sức không mấy xa lạ nhưng việc tái tạo loại "phế phẩm" này hiện diện trên vật dụng sinh hoạt thường ngày, đầy tính thẩm mỹ thì anh Lượm là người tiên phong. Tính thực tế cao của sản phẩm giúp anh tự tin, dự kiến sẽ giới thiệu trong những cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo ở tỉnh Thừa Thiên Huế lẫn cả nước trong năm 2020.

Cầm trên tay chiếc nón bảo hiểm đã thành phẩm, chị Huỳnh Thanh Nhàn (du khách 32 tuổi đến từ Nha Trang) ướm vội lên đầu rồi trầm trồ trước vẻ đẹp độc lạ. Bị "chinh phục" ngay lần đầu tiên, một số sản phẩm khảm vỏ trứng như mũ bảo hiểm, ấm chén, tranh cùng những cây viết nhỏ từ cửa hàng của anh trở thành món quà đặc biệt mà chị Nhàn mua về tặng người thân nhân chuyến thăm cố đô.

"Không ngờ thứ mình thường bỏ đi lại trở thành nguyên liệu cho các nghệ nhân làm nên tác phẩm nghệ thuật đẹp đến vậy, chẳng khác gì lớp ngọc rực rỡ" - chị Nhàn tấm tắc khen.

Để theo đuổi đam mê, từng có giai đoạn anh Lượm đi làm thợ hồ để kiếm tiền theo học các lớp tranh sơn mài. Chính những khám phá từ vỏ trứng giúp anh hoàn thiện ước mơ làm nên những sản phẩm khác biệt. "Không chỉ làm đẹp, việc tận dụng nguồn phế phẩm là vỏ trứng cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường. Hiện một số đơn vị, quầy quán đã đưa sản phẩm vào sử dụng" - anh thông tin thêm.

Tùy theo tính nghệ thuật, độ tinh xảo và phức tạp, mỗi sản phẩm được định giá từ 10.000 đến vài triệu đồng. Ngoài ra, dựa theo công năng trưng bày hay sử dụng để xét về độ bền của sản phẩm. Anh Lượm ước tính nếu trưng bày như tác phẩm nghệ thuật thì sản phẩm có tuổi thọ lên đến 30 năm hoặc hơn. Còn nếu dùng trong cuộc sống thường nhật, tuổi thọ "chắc chắn cao hơn sản phẩm tương đương ngoài thị trường nhờ lớp sơn mài và vỏ trứng" - anh nói.

Dạy nghề cho người chậm nói

Hiện tại anh Lượm đã nhận bạn Nguyễn Câm (quê Đắk Lắk) vào học nghề nhằm hỗ trợ công ăn việc làm cho chàng trai này. Điều đáng nói chính là việc cậu học trò mắc phải bệnh chậm nói, tư duy kém phát triển so với tuổi thực là 22 của mình.

anh luom 5 (1) 2(read-only)

Những vật dụng thường ngày sau khi được khảm vỏ trứng vẫn giữ được tính năng vốn có - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nhận định việc truyền nghề cho Câm sẽ nhiều khó khăn nhưng anh vui vẻ, tận tình hướng dẫn. "Trước đây cậu ấy đi phụ hồ khá vất vả, tiền chẳng được bao nhiêu. Chỉ mong cậu ấy học được cái nghề để còn sống qua ngày" - anh Lượm hi vọng.

Nhà khoa học 9X sáng lập Ruy băng tím: quá nhiều người hiểu sai về ung thư Nhà khoa học 9X sáng lập Ruy băng tím: quá nhiều người hiểu sai về ung thư

TTO - 'Sau khi liên hệ không ai trả lời, tôi buồn lắm, tính bỏ luôn', nhà khoa học 9X Nguyễn Cao Luân nhớ lại những ngày chuẩn bị thành lập Ruy băng tím - nơi cung cấp thông tin đúng, đủ về bệnh ung thư.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên