16/04/2018 09:53 GMT+7

Bạn muốn tổ chức tiệc cưới thế nào?

HỒNG VÂN - NGỌC ĐÔNG ghi
HỒNG VÂN - NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - Câu chuyện Hà Nội cấm cán bộ, công chức tổ chức tiệc cưới tốn kém ở khách sạn 5 sao, resort cao cấp được dư luận quan tâm, bình luận nhiều chiều. Nhân đây, một số người nước ngoài nói về văn hóa tổ chức đám cưới ở nước họ với nhiều nét thú vị.

Bạn muốn tổ chức tiệc cưới thế nào? - Ảnh 1.

Đám cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức cho 100 cặp đôi vào năm 2017 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vấn đề của đám cưới ở Ấn Độ là tình trạng hôn nhân sắp đặt, tiền hồi môn nhà gái phải trả cho nhà trai, chứ chuyện hối lộ trá hình dưới danh nghĩa tặng quà, tặng tiền hầu như không thể có

Prem Rai

* Anh Prem Rai (chuyên gia giáo dục, người Ấn Độ):

Đa số đám cưới không nhận tiền mừng

Ở Ấn Độ, đám cưới thường kéo dài đến năm ngày, nếu có đơn giản gọn nhẹ lắm cũng phải trong hai ngày. Người ta mời ca sĩ, ban nhạc đến hát và nhảy mỗi đêm. Như trường hợp đám cưới em trai tôi, cố gắng gọn nhẹ lắm rồi thì số khách mời cũng là 1.000 người trong suốt hai ngày.

Khách dự đám cưới có thể là bạn của bạn, bạn của ông hàng xóm gia đình nhà cô dâu, chú rể. Không sao cả, người Ấn chúng tôi thật lòng hoan nghênh bạn. Và do đây là cách đám cưới diễn ra nên khách mời không bao giờ phiền lòng nếu đồ ăn đồ uống có thiếu chút đỉnh.

Theo văn hóa của chúng tôi, tuyệt đại đa số các đám cưới không nhận tiền mừng. Nhiều đám cưới không nhận quà mừng hoặc chỉ nhận quà từ người thân thiết. Cô dâu chú rể và gia đình họ thường lưu ý điều này với những người khách mời. Đặc biệt, nếu bạn tặng tiền, họ sẽ rất tổn thương.

Đám cưới ở Ấn Độ rất tốn kém và có thể mang lại gánh nặng nợ nần cho người trong cuộc. Tôi nghĩ chúng ta không thể phán xét gì nếu nhìn từ bên ngoài. Như nơi tôi ở, láng giềng là rất quan trọng. Khi gia đình bạn có người ốm đau, có khi cả làng sẽ xắn tay giúp. Vì vậy, đám cưới là dịp để người ta thắt chặt mối quan hệ với cộng đồng.

Đám cưới ở Ấn Độ không phải là chuyện hai người lấy nhau mà là hai gia đình lấy nhau nên cả hai bên đều suy nghĩ muốn làm tốt nhất trong khả năng của mình, thậm chí nếu ngoài khả năng mà cố được, họ vẫn vay nợ để tổ chức đám cưới. Đa số người Ấn Độ đều hiểu và chấp nhận điều này là thực tế bình thường.

Tôi là người Ấn Độ nhưng làm việc ở Singapore và cưới vợ Nhật Bản nên đám cưới của tôi rất đơn giản. Chúng tôi ra tòa thị chính ở Singapore đăng ký kết hôn trước sự làm chứng của em trai tôi và mẹ vợ tôi.

Cả hai vợ chồng tôi đều đồng ý là không làm lễ cưới rình rang. Dự tiệc cưới chỉ khoảng 20 người. Trong đó, có 4 người là bạn riêng của tôi, 2 người là bạn chung của hai vợ chồng và những người còn lại là gia đình, họ hàng.

Thay cho việc không tổ chức lễ cưới rình rang như bao người khác, chúng tôi thường kỷ niệm tình yêu của mình ở nhiều nước khác nhau, với những người bạn chung của cả hai.

* Chị Veronnica Nagathota (người Úc):

veronnica nagathota  15-4 4(read-only)

Tôi chuẩn bị kết hôn với chồng sắp cưới người Việt. Ban đầu tôi và anh ấy chỉ muốn một đám cưới đơn giản với khoảng 20 người vì chúng tôi không muốn chi quá nhiều tiền cho sự kiện chỉ diễn ra trong một ngày. 

Nhưng sau đó chồng sắp cưới nói với tôi rằng mẹ anh đã mời hơn 90 người nên chúng tôi sẽ tổ chức tiệc cưới lớn hơn.

Tôi luôn nghĩ rằng nên để dành tiền cho cuộc sống lứa đôi về sau hơn là chi nhiều tiền cho việc tổ chức đám cưới. 

Bắt đầu cuộc sống hôn nhân bằng một khoản nợ, theo tôi, không phải là lựa chọn khôn ngoan. Vợ chồng mới cưới cần dành thời gian phát triển mối quan hệ của họ chứ không phải là nặng đầu về tiền bạc và nợ nần.

Ở Úc, cô dâu chú rể cũng phải nghe ý kiến của phụ huynh khi tổ chức đám cưới, đặc biệt là mẹ cô dâu. Tuy nhiên, hầu hết con cái ở Úc đều được dạy để tư duy độc lập nên thường cô dâu sẽ nói với mẹ điều mình muốn.

Úc là một đất nước đa văn hóa, mỗi gia đình đều có quan điểm riêng của mình về chuyện cưới xin. Tuy nhiên, hầu hết các đám cưới cũng đều là để cha mẹ cô dâu chú rể vui lòng. Thường thì khách mời sẽ là họ hàng, bạn bè thân thiết của cô dâu chú rể, có khi bạn bè thân của phụ huynh, không có hàng xóm.

Theo tôi, đám cưới nên xoay quanh tình yêu, sự kết hợp của một cặp đôi và cuộc sống tương lai của họ. Đây là mục đích chính của đám cưới.

Với tôi, một đám cưới hoàn hảo là một đám cưới nhỏ thân mật với những người thân thiết trong cuộc sống của tôi được tổ chức trong một khu vườn xinh đẹp, chỉ cần trang phục trang trọng, chứ cũng không nhất thiết là phải mặc váy cưới.

* Anh Peter (cầu thủ bóng đá, người Nigeria):

Tôi thích đám cưới đơn giản và đáng nhớ

Theo truyền thống, một lễ cưới ở quê hương tôi sẽ kéo dài hai ngày, nhưng quy mô có thể khác nhau. Vào sáng sớm, những người khách mời đã đến và họ cùng nhau chuẩn bị đồ ăn thức uống cho bữa tiệc chính, bắt đầu khoảng 4h chiều.

Cô dâu chú rể và các khách mời sẽ nhảy tưng bừng cả đêm và ăn uống thỏa thuê. Sáng hôm sau, họ có thể về nhà ngủ và ngủ luôn tới chiều rồi tối lại tiếp tục đến lễ cưới, nhưng lần này thì không vui chơi sáng đêm mà mọi người sẽ ra về vào khoảng giờ đi ngủ.

Hai khoản chi lớn trong tiệc cưới của đôi bên gia đình là tiền mời dàn nhạc, ca sĩ và tiền đồ ăn thức uống. 

Thông thường, đám cưới được tổ chức ở một khu vực công cộng như khu sinh hoạt cộng đồng của địa phương hoặc một sân bóng. Người ta ăn uống và nhảy ở đấy. Do không khí rất náo nhiệt nên những ai dù không được mời vẫn có thể đến và được chào đón. Đó là văn hóa của chúng tôi.

Trong đám cưới, từ 3-5 người thân thiết với gia đình sẽ được chỉ định để tặng những món quà đặc biệt cho cô dâu chú rể. 

Theo truyền thống, họ sẽ thi với nhau xem ai tặng món quà giá trị nhất. Không khí giống như một cuộc đấu giá. 5 người này sẽ liên tục tăng giá trị số tiền hay bổ sung thêm các món quà và cuối cùng tất cả các món quà tặng sẽ thuộc về cô dâu chú rể như là quà cưới. 

Gia đình cô dâu chú rể cũng đưa ra một món đồ cho khách mời tham gia đấu giá. Mọi người cũng sẽ thi nhau trả giá cao nhất để mua món đồ này. Khoản tiền bán món đồ thuộc về cô dâu chú rể. Ý nghĩa của việc này là để mọi người có thể chung tay giúp cô dâu chú rể một số vốn trong vui vẻ và theo khả năng của mình.

Nigeria là một đất nước có tỉ lệ tham nhũng rất cao và người dân đã bất lực trước vấn nạn này. Vì vậy theo tôi, để đưa hối lộ, người ta có thể tiến hành theo nhiều cách mà không cần mượn đến một sự kiện như đám cưới. 

Dù vậy, tôi cũng xác nhận rằng có khả năng người ta sẽ lợi dụng nét văn hóa của việc đấu giá món đồ trong ngày cưới để trả giá thật cao như một cách đưa hối lộ hợp lý.

Tại Nigeria, có những đám cưới lớn đến mức phi lý như cả hai bên gia đình cô dâu chú rể và khách đến một khách sạn sang và ở đó suốt thời gian lễ cưới. Tiền đâu mà họ tổ chức một đám cưới khủng như vậy? 

Ai cũng hiểu, nhưng ở Nigeria người ta đã "bó tay" với tham nhũng rồi nên báo chí có đưa tin thì cũng chẳng giải quyết được gì!

Đám cưới là sự kiện quan trọng của đời người, vì vậy ngày tôi cưới vợ sẽ là ngày tôi cố gắng làm được những gì tốt nhất trong khả năng kinh tế của mình. Tuy nhiên, dẫu tổ chức thế nào thì đám cưới của tôi vẫn đảm bảo tiêu chí đơn giản và đáng nhớ.

* Anh YOSHITAKA OHARA (người Nhật):

Tổ chức đám cưới lớn là phung phí

anh nguoi nhat 15-4 4(read-only)

Tôi nghĩ một đám cưới không cần quá lớn hay quá xa xỉ. Tôi chỉ thích mời gia đình và những bạn bè thân thiết.

Nếu đám cưới do chính bạn bè cùng tôi lên kế hoạch tổ chức thì nó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc vung tiền ra để đặt một đơn vị thực hiện giùm.

Ngay cả khi có rất nhiều tiền, tôi cũng không có ý định tiêu phần lớn số tiền cho đám cưới. Tôi sẽ chỉ dùng một phần tiền sao cho hợp lý, và phần còn lại tôi sẽ tiết kiệm để sử dụng cho những mục đích khác có ích hơn.

Đối với bản thân tôi và cả những người trong gia đình tôi, việc tổ chức một đám cưới lớn chẳng có gì để gọi là "nở mày nở mặt" cả. Tôi chỉ cho rằng đó là phung phí tiền bạc.

Tại Nhật Bản, theo truyền thống thì ý kiến của cha mẹ rất quan trọng. Họ thậm chí có thể can dự vào việc tổ chức một đám cưới theo cách thức nào. Tuy nhiên, ngày nay, thế hệ trẻ thường thích tự mình quyết định mọi thứ trong tiệc cưới của họ hơn.

BÌNH MINH ghi

HỒNG VÂN - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên