07/10/2023 11:41 GMT+7

Bài toán di cư, EU họp mãi mà chưa giải được

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng khi Hungary và Ba Lan đe dọa sẽ ngăn chặn việc ra tuyên bố chung vì vấn đề người di cư.

Các nhà lãnh đạo EU đã đến thành phố Granada (Tây Ban Nha) để dự hội nghị thượng đỉnh và các hoạt động khác. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cởi áo vest sau khi rời một cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu tại Granada vào ngày 6-10 - Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo EU đã đến thành phố Granada (Tây Ban Nha) để dự hội nghị thượng đỉnh và các hoạt động khác. Trong ảnh: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cởi áo vest sau khi rời một cuộc họp không chính thức của Hội đồng châu Âu tại Granada vào ngày 6-10 - Ảnh: AFP

Ngày 6-10, các lãnh đạo EU đã có mặt tại TP Granada, miền nam Tây Ban Nha, để tìm cách giải quyết một loạt vấn đề mà khối này đang đối mặt. Hội nghị lần này tập trung vào những bất đồng về người di cư, việc mở rộng thành viên và vấn đề kinh tế.

Chia rẽ về người di cư

Theo Đài DW, trong số nhiều nội dung thảo luận, vấn đề người di cư có lẽ gây tranh cãi nhất. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia Nam Âu đang rất quan tâm tới việc giải quyết các thách thức liên quan người di cư khi số di dân tìm đến "lục địa già" và số người bỏ mạng trên biển ngày càng tăng.

Ý và Tây Ban Nha đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng người di cư đổ đến các hòn đảo của họ tăng bất thường trong năm nay. Kể từ cuối tuần qua, hơn 1.000 di dân đã đến hòn đảo nhỏ El Hierro thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha. Trong khi đó hồi tháng 6, tại vùng biển ngoài khơi Hy Lạp đã xảy ra vụ đắm tàu chết chóc nhất ở châu Âu trong nhiều năm với hàng trăm người di cư thiệt mạng.

Tại Đức, điểm đến ưa thích của nhiều người di cư khi tới châu Âu, chính quyền đã đưa ra các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn nạn nhập cư trái phép. Quyết định được đưa ra sau khi Đức ghi nhận số đơn xin tị nạn tăng gần 80% từ đầu năm tới nay. Các nước khác ở Trung Âu và Đông Âu cũng đã thiết lập những biện pháp kiểm soát biên giới.

Hôm 4-10, các nước EU đã nhất trí về một loạt thủ tục mới để xử lý tình trạng nhập cư ồ ạt bất thường. Họ hy vọng những thay đổi này sẽ được thông qua thành luật trước các cuộc bầu cử của EU trong năm tới.

Tuy nhiên vào ngày 6-10, Ba Lan và Hungary đã bày tỏ phẫn nộ trước những thay đổi nói trên. Lãnh đạo Ba Lan - quốc gia sẽ tổng tuyển cử cuối tuần tới - chỉ trích kế hoạch của châu Âu về việc sửa đổi quy định với người xin tị nạn và người di cư bất hợp pháp, coi đây là "mệnh lệnh" từ giới lãnh đạo EU và Đức.

"Chúng tôi không sợ những mệnh lệnh từ Berlin và Brussels. Kế hoạch của họ là đưa những người nhập cư bất hợp pháp đến các nước vốn không muốn tiếp nhận và áp đặt các hình phạt hà khắc. Ba Lan kiên quyết phản đối điều này" - Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói khi đến dự hội nghị ở Granada.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban thậm chí còn nặng lời hơn. Ông mô tả dự luật mà khối này đề xuất - trong đó bắt các nước thành viên phải tiếp nhận người di cư, nếu không sẽ phải góp tiền để hỗ trợ những nước đồng ý tiếp nhận - giống như việc bị "cưỡng hiếp hợp pháp".

Mở rộng thành viên

Có mặt tại Tây Ban Nha, lãnh đạo 27 nước EU cũng thảo luận về con đường chiến lược dành cho EU sau khoảng thời gian đối diện với nhiều khủng hoảng, từ đại dịch COVID-19 cho đến xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng năng lượng, bên cạnh những thách thức như biến đổi khí hậu và cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Một vấn đề nhận được sự quan tâm tại hội nghị là mở rộng thành viên EU. Hiện có tám nước giữ tư cách ứng cử viên chính thức của EU gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Moldova, Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia. Georgia và Kosovo là những ứng viên tiềm năng.

"Mở rộng EU đồng nghĩa với việc các ứng viên phải thực hiện cải cách. Những nước này biết họ phải làm gì. Về phía EU, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm quý vị có cuộc tranh luận cấp cao về một chủ đề cơ bản và những quyết định cơ bản như vậy" - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu trước báo giới ở Granada.

Ông Michel cho biết các thành viên mới sẽ được chào đón vào năm 2030. Tháng trước, lãnh đạo Serbia, Kosovo, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Albania kỳ vọng việc kết nạp họ vào EU sẽ diễn ra "không muộn hơn năm 2030".

Theo tài liệu mà Reuters tiếp cận được, dự kiến các lãnh đạo EU sẽ nêu trong tuyên bố chung vào cuối hội nghị thượng đỉnh: "Tương lai của các thành viên đang mong mỏi kết nạp và công dân của họ nằm ở EU".

"Không có kế hoạch B cho Ukraine"

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU diễn ra một ngày sau khi các lãnh đạo Cộng đồng chính trị châu Âu (diễn đàn gồm hơn 40 quốc gia trên toàn châu lục) gặp nhau tại TP Granada và cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã đến dự cuộc gặp này.

Cam kết được đưa ra trong bối cảnh Ukraine ngày càng lo ngại những bất ổn chính trị ở Mỹ và sự bất đồng giữa Ukraine - Ba Lan về xuất khẩu ngũ cốc có thể khiến phương Tây giảm hỗ trợ cho Kiev. "Không có kế hoạch B trong việc ủng hộ Ukraine. Chỉ có kế hoạch A, đó là dành sự ủng hộ vững chắc cho Ukraine đến khi Ukraine thắng thế" - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên X (Twitter) sau khi gặp ông Zelensky.

Thượng đỉnh EU: Phiên chợ BrusselsThượng đỉnh EU: Phiên chợ Brussels

TTCT - Liên minh châu Âu (EU) - hình mẫu mới về mái nhà chung của nhiều dân tộc - loay hoay tại hội nghị thượng đỉnh bất thường về khung ngân sách 1.800 tỉ euro cho 7 năm tới, trong đó chương quan trọng nhất là dự án vực dậy nền kinh tế hậu corona của các quốc gia thành viên Nam Âu bị bầm giập thê thảm vì đại dịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên