27/10/2018 17:54 GMT+7

Bài dự thi Ký ức về phở: Gánh phở trong sương lạnh

TRẦN TUYẾN
TRẦN TUYẾN

TTO - Tôi về quê giữa khuya, trời lạnh thở ra khói. Men theo con đường làng Trung Chỉ (Quảng Trị), nhác thấy chiếc xe đạp bán muối từ xa, bất giác da diết nhớ một gánh hàng rong thời thơ ấu.

Ngày đó, sương mù luôn chùng chình ngang qua ngõ, tiếng rao của cô Hồng cất lên theo gió vọng vào tận từng vách nhà "ai phở không…". Mỗi lần nghe thấy, chị em tôi đang thiu thiu như bừng tỉnh, vội xỏ chân vào đôi dép chạy ra cửa í ới gọi, rồi cái gánh phở xuất hiện, đi kèm bếp than ửng hồng đong đưa kẽo kẹt, lửa tí tách reo.

Bưng trên tay tô phở bốc khói nghi ngút, chúng tôi xuýt xoa hì hụp húp miếng nước ngọt ngào béo ngậy, vừa thơm mùi thịt lẫn mùi rau ngò, đậm đà mà không ngấy. Bánh phở trắng mịn mềm mại trầm mình trong nước lèo, lại thêm vài lát thịt bò xíu xiu.

Đã qua bao năm tôi vẫn chưa quên tô phở nho nhỏ trên tay mình trong những ngày mùa đông cắt da xẻ thịt ở vùng quê nghèo. Phở cho người nghèo nên chỉ 3.000-4.000 đồng/tô, ăn lưng bụng chứ không thể no ngay cả với thằng nhóc tiểu học như tôi…

Gánh phở cô Hồng đều đặn xuất hiện mỗi ngày bất kể nắng mưa. Gương mặt cô sạm đen đầy những nếp nhăn khiến cô nom già trước tuổi. Duy có nụ cười là không tuổi, nụ cười đôn hậu của người dân miền quê, của niềm lạc quan bất kể cuộc đời truân chuyên.

Nhà cô ở xóm dưới, cách xóm tôi một con đường làng và một lũy tre. Mẹ tôi kể chồng cô mất từ lúc đi bộ đội, nên cô một mình nuôi ba đứa con. Người con gái đầu học đến lớp 9 thì nghỉ do nhà nghèo, ở nhà phụ mẹ làm lụng, để lại cho cô Hồng một nỗi day dứt khôn nguôn.

Gánh phở ra đời từ đó, với hi vọng hai đứa con sau được học tới đại học. Có ai ngờ cái gánh phở nhỏ vậy mà lại chất chứa bao nỗi niềm, bao hi vọng… của cả gia đình.

Ban ngày cô Hồng làm ruộng, đến xế trưa mới có thời gian chuẩn bị cho gánh phở rong buổi chiều. Tiếng rao khuya của cô thời đó nghe buồn lắm. Cũng may chốn nghèo mà lắm tình, người gọi phở nhiều và phở cô Hồng chóng hết.

Đến ngày thằng út nhà cô đậu đại học cũng là ngày cô bị phỏng chân nặng vì nồi nước phở đổ vào. Cô vừa khóc vì đau đớn, lại vừa cười khoe tờ giấy báo trúng tuyển của con trai với mọi người.

Mọi người thấy vui vì cô đã bớt khổ, nhưng cũng buồn vì từ ngày đó hương phở không còn thoang thoảng trong xóm những buổi chiều. Tôi được biết con cô thành đạt và đón cô đi xa, nên tô phở đó giờ mãi là dĩ vãng.

Với tôi, tô phở cô Hồng là một mảnh ghép về tình người ấm áp vẫn len lỏi giữa những mảnh đời túng thiếu.

Bài dự thi Ký ức về phở: Gánh phở trong sương lạnh - Ảnh 1.

Nhằm tôn vinh và quảng bá món ăn "quốc hồn quốc túy" của người Việt, cũng như mong muốn nhận được những ý tưởng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa Ngày của phở , báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi Ký ức về phở .

Mời bạn viết về kỷ niệm với một quán phở cụ thể, một lần ăn phở đặc biệt, một kỷ niệm gắn liền với món phở; hoặc ấn tượng về một nhân vật có thật, gắn bó/có ảnh hưởng với món ăn truyền thống này.

Bài viết tối đa 1.000 chữ. Vui lòng gửi về: kyucvepho@tuoitre.com.vn.

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 12-11-2018. Các giải thưởng sẽ được công bố vào chương trình Ngày của phở 2018, dự kiến diễn ra ngày 12-12.

Tương tư phở Hà Nội Tương tư phở Hà Nội

TTO - Vắt miếng chanh, thả miếng ớt tươi, rắc thêm chút tiêu vỡ. Gắp những sợi phở mỏng mịn nuột nà thả vào thìa nước dùng nóng hổi. Xì xụp thưởng thức vị ngọt thơm của bát phở nghi ngút khói.

TRẦN TUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên