26/02/2024 12:29 GMT+7

Bác sĩ trẻ, hãy cứ đi và cống hiến

Nguyễn Cao Hiệp Anh (28 tuổi) là bác sĩ đầu tiên đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ sau khi đơn vị này "trắng tay" ở ngày hội việc làm do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào tháng 8-2023.

Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ Hiệp Anh, đến nay đã có thêm ba bác sĩ khác từ Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk chọn Cần Giờ làm nơi cống hiến thanh xuân tuổi trẻ.

Hành trình đưa Hiệp Anh đến với nghề y khá thú vị. Anh là con một sinh ra trong "gia đình y khoa", có cha là kỹ thuật viên gây mê hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, mẹ làm điều dưỡng tại Bệnh viện Bình Dân. Tuy sinh ra lớn lên ở TP.HCM nhưng Hiệp Anh lại học y khoa tại Hậu Giang, cưới vợ làm dược sĩ ở Kiên Giang và giờ đây anh quyết định quay về huyện đảo duy nhất của TP.HCM.

Từ việc Cần Giờ "trắng tay" tuyển dụng

Nguyễn Cao Hiệp Anh là bác sĩ đầu tiên đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ sau khi đơn vị này “trắng tay” ở ngày hội việc làm do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào tháng 8-2023 - Ảnh: MINH QUÂN

Nguyễn Cao Hiệp Anh là bác sĩ đầu tiên đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ sau khi đơn vị này “trắng tay” ở ngày hội việc làm do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào tháng 8-2023 - Ảnh: MINH QUÂN

* Có một điều hơi lạ, khi bạn ở TP.HCM - nơi không thiếu các trường đào tạo y khoa danh tiếng nhưng chọn xuống miền Tây theo đuổi con đường học y khoa?

- Thật ra lúc đó (năm 2014), nguyện vọng cao nhất của tôi là thi vào ngành y đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) nhưng... trượt (cười...) nên mới xin chuyển nguyện vọng xét tuyển ở miền Tây.

Lúc bấy giờ, tôi chỉ suy nghĩ làm sao được học nghề y sớm lúc nào hay lúc đó thôi và sự lựa chọn của tôi là Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang). Rời TP.HCM về vùng sông nước giúp tôi có nhiều trải nghiệm mới hơn.

Đó là lần đầu tiên xa nhà, được gần gũi với bà con nơi vùng quê sông nước nhưng cũng không kém phần tất bật phát triển và tiện nghi.

* Rồi từ miền Tây sông nước, lý do nào khiến bạn quyết định về Cần Giờ?

- Thời điểm tháng 6-2023, khi tôi vừa hoàn thành chương trình thực hành 18 tháng cấp chứng chỉ hành nghề tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng là lúc biết được Cần Giờ đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Thực ra lúc đó, tôi có một số lựa chọn khác về nơi công tác, đầu tiên là quận 4, sau đó là quận 7. Nhưng khi đọc được thông tin Cần Giờ "trắng tay" tuyển dụng bác sĩ trên báo Tuổi Trẻ, tôi tự hỏi tại sao vùng trung tâm các bác sĩ tập trung đông như thế? Và rồi cũng tự nhủ mình còn tuổi trẻ nên cố gắng về các vùng xa xôi hải đảo như Cần Giờ.

Ngay lúc ấy, với suy nghĩ ấy, tôi đã muốn về Cần Giờ với hy vọng góp chút sức lực nhỏ nhoi giúp đỡ bà con vùng huyện đảo duy nhất của TP.HCM có được sự chăm sóc y tế tốt hơn.

Tháng 8-2023, tôi quyết định nộp hồ sơ xin việc và trở thành người đầu tiên được nhận vào làm tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Cũng trong thời gian này các bạn bác sĩ trẻ khác cũng bắt đầu xuống Cần Giờ.

Bác sĩ Nguyễn Cao Hiệp Anh là bác sĩ đầu tiên đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ - Ảnh: MINH QUÂN

Bác sĩ Nguyễn Cao Hiệp Anh là bác sĩ đầu tiên đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ - Ảnh: MINH QUÂN

* Trước khi đặt chân về đó, bạn có hiểu được những khó khăn mà Cần Giờ đang phải đối diện, đơn cử là khi "trắng tay" trong các lần tuyển dụng bác sĩ?

- Thực ra khi còn ở miền Tây, tôi cũng đã được thực tập ở nhiều nơi và nhận ra sự khó khăn chung của nhân viên y tế vùng sâu, vùng xa. Đó là nhân viên y tế thường phải sống xa nhà, họ thiếu các bác sĩ đầu ngành chuyên khoa sâu dìu dắt, thiếu thốn trang thiết bị và người dân cũng ít quan tâm đến sức khỏe của chính mình.

Ở Cần Giờ ngoài các khó khăn nêu trên, tôi nhận thấy còn có một sự khó khăn đặc biệt hơn khiến không ít người dân và nhân viên y tế trăn trở. Đó là dù cùng ở TP.HCM như nhau, dù đã được các bác sĩ "đàn anh" ở tuyến trên hỗ trợ nhưng chế độ chăm sóc sức khỏe vẫn còn thua kém xa với các quận huyện trung tâm.

Tôi muốn sớm rút ngắn khoảng cách này, trước tiên từ việc bản thân mình phải trau dồi trình độ chuyên môn.

* Hiện tại với sự tăng cường nguồn nhân lực trẻ, người dân Cần Giờ đã được hưởng lợi ích gì?

- Dĩ nhiên khi nhân lực đông hơn thì số người bệnh được khám nhiều hơn. Hiện một số kỹ thuật Cần Giờ cũng đã làm như các bệnh viện tuyến trên như mổ nội soi.

Có một điều đáng khích lệ là Cần Giờ đang có được những thiết bị mà các bệnh viện hạng 3 khác không có như các thiết bị nội soi, phòng mổ hiện đại. Thực tế từ khi về Cần Giờ, các bác sĩ trẻ chúng tôi cũng được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm hỗ trợ về chuyên môn, chúng tôi được học hỏi rất nhiều.

Còn điều thiếu nhất ở Cần Giờ, theo cảm nhận của tôi vẫn là nhân lực, cụ thể một số ngành chuyên môn sâu, cũng vì vậy mà đôi khi các trang thiết bị máy móc chưa được tận dụng triệt để.

Mục đích theo đuổi nghề y của tôi là trở thành một bác sĩ lâm sàng thật giỏi. Khi quyết định về đây, tôi chỉ xác định một điều là cống hiến hết sức mình vì bà con Cần Giờ.
Bác sĩ trẻ, hãy cứ đi và cống hiến- Ảnh 4.Bác sĩ Nguyễn Cao Hiệp Anh

Bác sĩ cần trái tim ấm áp, tấm lòng thấu hiểu

* Bạn bè, những người trẻ học nghề y họ có lựa chọn như bạn?

- Ồ không, mỗi người có một chí hướng và lựa chọn riêng. Có người thích làm ở bệnh viện tư nhân hơn là bệnh viện công, có người lại thích làm những cơ sở gần nhà hơn, cũng có người phấn đấu để vào các bệnh viện có tên tuổi.

Tôi cho rằng trong bối cảnh ấy, chính sách luân phiên bác sĩ tuyến trên về y tế cơ sở là một hướng đi mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh lẫn y bác sĩ. Người bệnh được khám chữa bệnh với chất lượng tương đương tuyến trên, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí đi lại. Còn bác sĩ học được rất nhiều điều, từ chuyên môn đến các vấn đề giao tiếp với người bệnh.

* Có ý kiến cho rằng làm bác sĩ chỉ cần giỏi chuyên môn thôi là đủ, bạn nghĩ thế nào về điều này?

- Theo tôi chỉ giỏi thôi chưa đủ, ngoài giỏi nghề thì bác sĩ còn phải có tấm lòng thấu hiểu và một trái tim ấm áp. Nếu giỏi tay nghề là một điều kiện đủ thì sự cảm thông nỗi đau của bệnh nhân là điều kiện cần. Bởi mỗi khi bệnh tật ai cũng như ai cả, cũng đều mệt mỏi.

Cho nên đặt mình vào vị trí của người bệnh đôi khi cũng là "liều thuốc" giúp đỡ họ được rất nhiều, tránh đi những xung đột không cần thiết và mang lại chất lượng thăm khám điều trị tốt hơn.

* Bạn chia sẻ vừa cưới vợ, vợ lại đang làm dược sĩ ở tận Kiên Giang. Mới cưới, lại "ở hai đầu nỗi nhớ" chắc không dễ dàng cho cả hai bạn...

- Chuyện này trước khi cưới chúng tôi cũng có tâm sự, hai đứa đã hiểu và thông cảm cho nhau rằng tất cả vì công việc. Tôi cố gắng sau này nếu có điều kiện sẽ thu xếp cho vợ chuyển chỗ làm lên TP.HCM và tốt nhất là có thể về Cần Giờ công tác.

Thực ra khi tôi quyết định về Cần Giờ công tác, vợ tôi không biết đây là vùng nào của TP.HCM bởi chưa bao giờ đặt chân đến. Ban đầu cô ấy cũng lo xa xôi cách trở, rồi điều kiện sinh hoạt và công việc có tốt hay không.

Nhưng mọi lo lắng đều tan biến khi thấy tôi được bố trí đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và đang có một công việc đúng sở trường ở môi trường nhiều thử thách nhưng mang đầy ý nghĩa này.

Đơn vị chạy thận nhân tạo được Bệnh viện Lê Văn Thịnh thiết lập cuối năm 2023 tại Cần Giờ là mơ ước nhiều năm của bà con nơi đây. Hiện đang có 18 bệnh nhân chạy thận tại đây, thay vì phải lên các bệnh viện trung tâm TP - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đơn vị chạy thận nhân tạo được Bệnh viện Lê Văn Thịnh thiết lập cuối năm 2023 tại Cần Giờ là mơ ước nhiều năm của bà con nơi đây. Hiện đang có 18 bệnh nhân chạy thận tại đây, thay vì phải lên các bệnh viện trung tâm TP - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Cuộc sống của bác sĩ ở huyện Cần Giờ thế nào?

- Rất may mắn từ khi tôi đặt chân đến đây, giám đốc Trung tâm Y tế huyện, kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ (bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ) đã cho thiết kế bố trí ở một khu vực gọi là nhà công vụ. Ở đó, tôi được bố trí một căn phòng rộng khoảng 25m2, rất sạch sẽ và thoáng mát; được bố trí đầy đủ các tiện nghi từ bếp, bàn ghế, tủ lạnh, máy lạnh, lò vi sóng và cả hệ thống máy nước nóng...

Chưa kể, không gian xung quanh thật sự rất rộng tha hồ vận động tập thể dục thể thao. Nhà công vụ cũng sát bên bệnh viện, nên mỗi lần đi làm chỉ cần đi bộ, tiết kiệm được rất nhiều tiền xăng đấy (cười...).

Nói tóm lại, ở Cần Giờ tôi chỉ cần mua đồ ăn về chế biến. Tôi hiểu, Cần Giờ đang cố gắng làm tất cả mọi thứ nhằm tạo ra một môi trường sống tốt nhất để bác sĩ trẻ cảm nhận như đang ở nhà của mình.

* Không ít bác sĩ trẻ mới ra trường tìm cách đầu quân cho một số bệnh viện lớn, có danh tiếng ở khu vực trung tâm. Còn bạn thì ngược lại...

- Đó là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng nếu ai cũng chọn cơ sở danh tiếng, đầu ngành để làm việc thì có lẽ y tế cơ sở cũng rất khó phát triển. Với cá nhân, tôi quan niệm mình vẫn còn trẻ và điều quan trọng nhất là phải trải nghiệm nhiều nơi, học hỏi càng nhiều càng tốt để trau dồi tay nghề. Khi tay nghề cao, dĩ nhiên sẽ thu hút được nhiều sự tin cậy của người bệnh và từ đó điều kiện kinh tế sẽ được cải thiện.

* Ông Nguyễn Hữu Tín (cha của bác sĩ Hiệp Anh):

Từ khó khăn, tôi tin tình thương của con sẽ mở rộng

Từ việc theo học ngành y đến chọn nơi công tác về Cần Giờ, vợ chồng tôi đều không can thiệp sâu vào sự lựa chọn của con. Tôi hiểu, con mình muốn chọn lối đi thử thách chính mình và tôi chiều theo đồng ý "thả" để con tự đi.

Hiệp Anh là con trai duy nhất của vợ chồng tôi, thực tình trước nay đều được bảo bọc của cha mẹ. Tuy vậy, tôi thấy con đã nỗ lực phấn đấu học tập và từng ngày trưởng thành. Việc con muốn về Cần Giờ thử thách khó khăn tôi rất ủng hộ, qua đó sẽ có được trải nghiệm, học hỏi, tiếp cận được câu chuyện cuộc sống.

Thấy được hoàn cảnh người dân vùng sâu vùng xa vất vả, tôi tin tình thương của con sẽ mở rộng và bao la hơn trong hành trình sống với nghề.

* Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ (giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ):

Các em có sức trẻ và lòng nhiệt huyết

Cần Giờ nhiều năm qua luôn thiếu hụt nguồn bác sĩ và thực tế dù có nhiều chính sách nhưng lượng bác sĩ về công tác tại địa phương vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Trong bối cảnh ấy, việc có bốn bác sĩ trẻ (trong đó có bác sĩ Hiệp Anh đã có chứng chỉ hành nghề và ba bác sĩ nữ vừa tốt nghiệp) về công tác là điều quá tốt cho địa phương.

Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết với công việc, các bác sĩ này đang góp phần bổ sung vào nguồn nhân lực thiếu hụt, giúp giảm tải đáng kể công tác khám chữa bệnh cho bà con.

Vùng núi, vùng sâu vùng xa rất cần bác sĩ

Bác sĩ Ma Thị Cầm, trưởng Trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đến tận nhà thăm khám cho người dân - Ảnh: HÀ THANH

Bác sĩ Ma Thị Cầm, trưởng Trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đến tận nhà thăm khám cho người dân - Ảnh: HÀ THANH

Trước tình trạng khó khăn trong khám chữa bệnh tại vùng núi, vùng sâu vùng xa, năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" (Dự án 585).

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn 1 của Dự án 585 (từ năm 2015 - 2020) đã tuyển dụng, tổ chức đào tạo 354 bác sĩ tình nguyện là viên chức của các đơn vị. Trong đó có 44 bác sĩ tuyển dụng tại 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 310 bác sĩ tuyển dụng tại địa phương tình nguyện công tác tại 85 huyện nghèo của 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Hiện 62 huyện nghèo cần 598 bác sĩ chuyên khoa 1 chuyên sâu. Trước nhu cầu cấp thiết của ngành y tế tại các vùng khó khăn, sau khi kết thúc giai đoạn 1, Bộ Y tế đã tiếp tục thực hiện giai đoạn mới của Dự án 585 (năm 2021 - 2030). Mục tiêu đến năm 2030, tại các vùng khó khăn sẽ có thêm hơn 1.000 bác sĩ khá, giỏi.

Theo đó, giai đoạn 2 của dự án mở rộng đối tượng tham gia là bác sĩ chính quy và bác sĩ đào tạo hệ liên thông tốt nghiệp loại khá, giỏi, đồng thời quy định thời gian tình nguyện làm việc tại các bệnh viện huyện vùng khó khăn tối thiểu 5 năm (giai đoạn 1, thời gian này là 3 năm đối với bác sĩ nam và 2 năm đối với bác sĩ nữ).

Theo TS Nguyễn Văn Quân - phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, phó giám đốc Dự án 585, các bác sĩ tham gia dự án được tuyển chọn từng người, ưu tiên chuyên ngành đang cấp thiết tại các cơ sở y tế huyện nghèo. "Tùy thuộc vào từng nhu cầu của địa phương sẽ khớp nối cung - cầu, phù hợp với từng địa bàn. Mỗi bác sĩ trẻ được tuyển chọn sẽ được các thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc và được đào tạo trong 24 tháng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kết hợp cùng các đơn vị triển khai dự án "Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở" qua đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Với dự án này, năng lực y tế chuyên môn ngay từ tuyến cơ sở được nâng cao, các khóa học đào tạo về kiến thức, kỹ năng ứng dụng thiết thực trong hoạt động khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở; ứng dụng nền tảng "Y360 - Cộng đồng y khoa học và đọc" trong việc tổ chức và xây dựng khóa học.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, chương trình đặt trọng tâm phát triển và nâng cao năng lực cho hơn 20.000 nhân viên y tế trên khắp Việt Nam.

Tỉ lệ hài lòng của người dân tăng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 ngành y tế thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (đạt 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân; 32 giường bệnh trên 10.000 dân; 93,2% dân số tham gia BHYT). Đồng thời, thực hiện đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Trong đó, tỉ lệ hài lòng của người bệnh với dịch vụ y tế tăng lên 90%, tăng gần 10% so với năm 2021.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, động viên y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, động viên y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), sáng 22-2, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm hỏi, động viên các y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP.HCM - cơ sở y tế nhi khoa hàng đầu cả nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên