19/12/2017 17:09 GMT+7

Bắc Kinh tố Mỹ giữ tư duy ‘Chiến tranh lạnh’

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Bị Tổng thống Trump nêu đích danh là đối thủ cạnh tranh không lành mạnh gây họa cho Mỹ, Bắc Kinh nhắc lại rằng tư duy đối đầu sẽ khiến cả hai bên cùng chịu thiệt hại.

Bắc Kinh tố Mỹ giữ tư duy ‘Chiến tranh lạnh’ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu công bố chiến lược an ninh quốc gia mới chiều 18-12 tại tòa nhà Ronald Reagan, thủ đô Washington - Ảnh: REUTERS

Sau bài phát biểu về chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump vào sáng 19-12 (giờ VN), Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi Washington "từ bỏ những quan niệm lỗi thời, như kiểu tư duy thời Chiến tranh lạnh" khi xếp Trung Quốc vào nhóm "quốc gia cạnh tranh".

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu: "Chúng tôi thúc ép Mỹ phải ngưng việc cố tình diễn giải sai lệch những ý định chiến lược của Trung Quốc và hãy từ bỏ kiểu chơi được ăn cả ngã về không".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh lại về kiểu hợp tác "tôn trọng lẫn nhau" để hai bên cùng thắng. "Trung Quốc mong muốn chung sống hòa bình với các quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Mỹ cần thích ứng và chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc", bà Hoa nhấn mạnh.

Trước đó, trong Chiến lược An ninh quốc gia, như những thông tin được Washington chủ động rò rỉ trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh về khía cạnh an ninh kinh tế cho nước Mỹ.

Ông Trump kêu gọi nước Mỹ "hành động chống lại hành vi thương mại không công bằng" và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ - hai yếu tố mà giới phân tích cho rằng nhắm trực diện vào Trung Quốc.

Trong văn bản này, ông Trump đã nêu chi tiết kế hoạch đẩy lùi những tham vọng kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu. Một đoạn khác trong văn bản dài 68 trang nhắc tới việc bảo tồn "nền tảng đổi mới của an ninh quốc gia" trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang xem xét những biện pháp ngăn cản Trung Quốc đầu tư vào những công nghệ nhiều hứa hẹn của Mỹ.

Nga cũng lên tiếng phản đối

Theo hãng tin Reuters, hôm nay, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cũng cho biết Matxcơva phản đối việc Mỹ xem Nga như mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng thoạt nghe chiến lược mới của ông Trump mang tư tưởng đế quốc và cho thấy chưa sẵn sàng từ bỏ chủ nghĩa đơn phương. "Nhưng chính sách mới này của Mỹ cũng cần được (Nga) nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Peskov tuyên bố.

Bắc Kinh tố Mỹ giữ tư duy ‘Chiến tranh lạnh’ - Ảnh 3.

Ông Jared Kushner (giữa) - cố vấn cấp cao của Nhà Trắng và cũng là con rể ông Trump, có mặt tại buổi công bố Chiến lược an ninh quốc gia chiều 18-12 - Ảnh: REUTERS

Nếu như 2 chiến lược an ninh quốc gia thời Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến việc hợp tác với các đồng minh và đối tác kinh tế, thì chiến lược an ninh mới của ông Trump lại tìm cách giữ cân bằng giữa một bên là khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ trước tiên" và một bên là khẳng định ông không từ chối hợp tác với các đối tác của Mỹ chừng nào sự hợp tác này còn có lợi cho Mỹ.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là văn kiện này đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào Nga gay gắt hơn nhiều so với quan điểm trước đây của ông Trump.

Về phía Bắc Kinh, sau phát biểu tố cáo thái độ của Mỹ, bà Hoa không quên răn đe rằng "hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho Trung Quốc và Mỹ" dù biết rằng "không có gì đáng ngạc nhiên" khi giữa hai quốc gia có những bất đồng nhưng cần phải tìm những con đường mang tính xây dựng để giải quyết chúng.

Tờ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng có bài bình luận nhấn mạnh rằng "xét theo qui mô khổng lồ và sức mạnh mà Trung Quốc đã đạt đến thì Mỹ không thể loại trừ được Trung Quốc".

Chính quyền Bắc Kinh cũng không lo lắng lắm về những ngôn từ mạnh mẽ mà ông Trump nhắm vào mình"

Ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở ĐH Renmin tại Bắc Kinh

Tuy nhiên, ông Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở ĐH Renmin tại Bắc Kinh, nhận định với hãng tin Reuters như sau: "Kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, chính sách của chính quyền Bắc Kinh luôn là: đừng nghe những gì ông ấy nói mà hãy nhìn những gì ông ấy làm".

 Ông Shi cũng chính là người đóng vai trò cố vấn về ngoại giao cho chính quyền Bắc Kinh.

4 trụ cột của Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ

- Bảo vệ lãnh thổ Mỹ thông qua siết chặt các quy định nhập cư.

- Thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng của nước Mỹ bằng cách gây sức ép, đòi thương mại công bằng với Trung Quốc và các nước khác.

- Duy trì hòa bình thông qua sức mạnh quân sự.

- Tăng cường tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên