08/10/2019 19:17 GMT+7

Bà Đê trao 'cần câu cơm' cho người khó

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Đi lên từ khó nghèo và chật vật mưu sinh, bà Huỳnh Thị Đê (59 tuổi) trú phố Đội Cấn, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng lại trao chiếc “cần câu cơm” cho những phụ nữ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày trước.

Bà Đê trao cần câu cơm cho người khó - Ảnh 1.

Bà Đê (phải) phụ một tay với đội quân “tóc bạc” bóc mít cho kịp giao hàng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đến khu phố Đội Cấn hỏi nhà bà "Đê mít" ai ai cũng biết.

Đội quân "tóc bạc"

Hơn 4 năm nay, cứ mỗi sáng sớm, căn nhà bà Huỳnh Thị Đê lại rộn vui bởi tiếng cười nói của hơn chục cụ bà. Mỗi người trên tay một con dao nhỏ, hết bổ mít, lại gọt vỏ, tách múi. Những đôi bàn tay đã nhăn nheo đậm màu sương gió nay thoăn thoắt bóc mít để kịp đong đầy gánh mưu sinh.

Người trẻ thì bóc lanh lẹ hơn, không sợ muộn hàng bỏ các quán nhưng họ còn nhiều cơ hội công việc khác, tôi muốn những người già cả mà khó khăn kiếm được đồng tiền từ công việc này

Bà Đê

Trong đội quân bóc mít người nhỏ tuổi nhất cũng đã quá trung niên, lớn tuổi nhất thì ngoài 80. Mỗi người một hoàn cảnh nên dù đã ở cái tuổi được cháu con phụng dưỡng, họ vẫn đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Vừa bóc những múi mít vàng ươm chậm rãi, bà Trần Thị Diệu (72 tuổi) nói mình may mắn hơn người ngồi bên cạnh mới hơn 60 đã đau ốm cũng phải đi làm. "Tôi còn có sức khỏe nhưng tuổi tôi mà có người nhận làm là vui rồi. Mỗi ngày tôi bóc được từ 10-15kg, mỗi ký được trả 5.000 đồng, ngày kiếm đôi ba chục ngàn đỡ đần con cháu" - bà Diệu nói.

Con dâu bà Diệu bị bại liệt. Một mình bà phải vừa làm vừa phụ nuôi các cháu ăn học. Sáng bà đi làm, chiều nghỉ lại về lo cơm nước giặt giũ trong nhà.

Bà Đê trao cần câu cơm cho người khó - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Thu (80 tuổi) sáng sáng lại đạp xe tới nhà bà Đê bóc mít - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Còn bà Trần Thị Thu (80 tuổi) sáng sáng lại tìm tới nhà bà Đê để bóc mít tới quá giờ trưa mới về. Bà Thu kể từ ngày con dâu bị tai nạn nằm bệnh viện, rồi về nhà ở hẳn chẳng đi làm được, đồng tiền công từ việc bóc mít của bà Thu ngoài chi phí cho bản thân vừa phụ cho hai cháu đi học.

Bà Thu bảo rằng đi làm vừa kiếm thêm được tiền tiêu vừa vui vẻ suốt ngày chứ không ngồi ở nhà buồn chán tuổi già.

"Cũng cảm ơn cô Đê kiếm được công việc nhẹ nhàng cho mấy bà già làm có đồng ra đồng vào. Nhiều khi người trẻ, khỏe lanh lẹ đến xin làm nhưng cô Đê không nhận, để dành việc cho mấy bà già. Có hôm cao điểm không làm kịp hàng thì cô Đê phụ vô cho kịp" - bà Thu kể.

Bà Đê Mít và đội quân tóc bạc - Video: ĐOÀN NHẠN

Miệng nói chuyện, tay thoăn thoắt cân mít, cắt mít, gửi tiền, hỏi han "nhân công". Ở cái tuổi ngấp nghé lục tuần nhưng nhìn bà Đê tràn đầy năng lượng. Người đàn bà phúc hậu từ nét mặt đến giọng nói khiến ai tiếp xúc cũng cảm tình. Cả đội quân "tóc bạc" chưa có ai thấy phật ý bởi bà chủ thương người và lương thiện.

Bà Đê trao cần câu cơm cho người khó - Ảnh 5.

Giờ giải lao với tô bún và tiếng nói cười - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Giúp người từ cái khó của mình

Bà Đê có 10 năm bóc mít thuê ở chợ đầu mối Hòa Cường với mỗi ký mít bóc được nhận tiền công 2.000 đồng. Sau nhận thấy công việc này nhiều người lớn tuổi hơn cũng có thể làm, bà Đê nhận mít về cho các bà trong khu phố có hoàn cảnh khó khăn, lớn tuổi cùng bóc.

Khi chồng lâm bệnh nặng, rồi qua đời, một mình bà vừa lo cho mấy người con ăn học cũng nhờ cả vào nghề làm mít.

"Người trẻ thì bóc lanh lẹ hơn, không sợ muộn hàng bỏ các quán nhưng họ còn nhiều cơ hội công việc khác, tôi muốn những người già cả mà khó khăn kiếm được đồng tiền từ công việc này"- bà Đê tâm sự.

Thế rồi bà Đê lặn lội đi kiếm nhân công người già, khó khăn để "chiêu mộ" về với đội quân "tóc bạc". Từ đó đến nay cũng hơn 4 năm bà tạo thu nhập cho hàng chục người.

Mỗi sớm bà Đê ra chợ từ 3h sáng để lấy mít, đưa về cho kịp các bà đến làm khi mặt trời lên. Trên chiếc xe đạp cà tàng, bà Đê đi quanh vùng bỏ mít cho các quán chè, rồi lại về phụ cắt mít với bà con. Hôm nào công việc kết thúc sớm bà lại cắp nách làm vườn.

Bà Đê bảo việc làm của bà không có gì đáng nói cả nhưng với những nhân công trong đội quân bóc mít, chiếc "cần câu cơm" mà bà trao là cả thương yêu, đùm bọc giữa xã hội bộn bề và cuộc sống còn nhiều nhọc khó.

Nhiều người trong số họ đang chịu những gánh nặng tưởng như không còn chỗ để bám víu vào nay nhờ có công việc đã vững niềm tin mà cố gắng. Có những người già chính từ việc làm nhẹ nhàng ấy kiếm được thu nhập chính lo cho gia đình.

Bà Đê trao cần câu cơm cho người khó - Ảnh 6.

Bà Huỳnh Thị Chua (67 tuổi) và ông Trần Kiều (67 tuổi) mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng từ việc bóc mít - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Bà Huỳnh Thị Chua và ông Trần Kiều (67 tuổi) là hàng xóm bà Đê cho biết nhiều người có công việc cảm kích tấm lòng bà Đê lắm. Riêng vợ chồng ông bà mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn từ việc bóc mít.

"Ngày trước hai vợ chồng tôi trồng hoa Tết bán. Nhưng khi tuổi già đến, sức không còn đủ để bưng chậu, bê hoa. Làm nông thì ngưng làm ngưng ăn. Đến khi về già thì chỉ nhờ công việc cô Đê tạo cho mới có đồng vào đồng ra chi phí" - ông Kiều cho hay.

Mô hình hiệu quả

Ông Nguyễn Mãi, chủ tịch Hội Nông dân phường Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ) cho biết sơ chế mít là một mô hình tự phát nhưng mang lại hiệu quả cao và thiết thực.

"Bà Đê được nhiều bà con khen ngợi bởi sự nhiệt tình, giúp đỡ mọi người. Mô hình này đã thực sự giúp tạo công ăn việc làm cho phần lớn phụ nữ lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Phường. Hội Nông dân cùng các cấp lãnh đạo vừa ghé thăm hỏi và động viên tinh thần chị em và bà Đê" - ông Mãi nói.

'Talk show' với những cuộc đời lầm lỡ

TTO - Những buổi "talk show" qua lại với hàng trăm học viên cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng (Sở LĐ - TB&XH Đà Nẵng) thường xuyên được tổ chức, để tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm cho những cuộc đời non trẻ từng dây dưa với ma túy.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên