17/12/2020 11:07 GMT+7

Ăn món Thái, Hàn, Malaysia... không cần đi đâu xa, chỉ cần qua quận 2

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Đi đâu để ăn các món ăn châu Á 'chuẩn nhà làm, mẹ nấu' như bún cá Malaysia, vịt quay và mì vịt Hong Kong, cháo ếch Singapore, satay xiên que chan xốt đậu phộng... trong thời buổi đại dịch mà không phải leo lên máy bay?

Ăn món Thái, Hàn, Malaysia... không cần đi đâu xa, chỉ cần qua quận 2 - Ảnh 1.

Thực khách từ nhiều quốc gia tại khu ẩm thực châu Á ở quận 2 - Ảnh: J.D.

Food court (khu ăn uống) châu Á đa phong cách Yo! (viết tắt của chữ Yummy là ngon và ơi - một từ đệm tiếng Việt rất quen thuộc với người nước ngoài) ở quận 2, TP.HCM là sự lựa chọn thích hợp.

"Tôi rất yêu Việt Nam vì sự thân thiện của người Việt và vì thức ăn ở đây rất ngon. Tôi đã ăn đủ các món ngon của Việt Nam từ Bắc vào Nam và lên tận 40kg sau 20 năm sống ở đây (khủng khiếp chưa và không phải tôi tự hào gì đâu).

Anh CHONG HAN KIONG

Lập khu ẩm thực vì... thèm ăn

Một tối cuối tuần tháng 12, tất cả các bàn ở khu ẩm thực Yo! đều kín. Khách xếp hàng mua đồ ăn trước các quầy hàng, còn những nhân viên phục vụ mặc đồng phục đen chạy đi chạy lại như con thoi.

Mặc dù là khu ẩm thực châu Á nhưng khách Âu Mỹ có khi còn đông hơn người châu Á. Một sân khấu lùi về phía sau có ban nhạc biểu diễn những bài hát nhạc Thái, nhạc Indonesia, Malaysia, nhạc Hoa, nhạc Việt nổi tiếng nhất. Gan wen lu zai hefang (Xin hỏi đường ở nơi đâu) - ca khúc chủ đề trong phim Tây du ký - là một trong những bài hát khiến chúng tôi ngừng ăn mà ngẩn người nghe trong lần đầu đến đây.

Food court đậm vị Á châu này được dựng lên từ một khu vui chơi trẻ em cách đây hơn một năm. Người sáng lập ban đầu, cũng là chủ một gian hàng bán đồ ăn Malaysia tại đây - chị Monica Yen Lee On - cho biết quận 2 là quận tập trung người nước ngoài với thành phần đa dạng nhất ở Sài Gòn.

Đặc trưng của quận này là mức sống cao, đắt đỏ. Những nhà hàng sang chảnh không hiếm, và chủ yếu nhắm vào đối tượng khách Âu - Mỹ, trong khi người nước ngoài sống ở quận 2 và cả Sài Gòn không chỉ có Tây.

Là người Malaysia sống ở Việt Nam 14 năm, chị Monica cho biết có những lúc chị nhớ quay quắt món ăn Malaysia. Đó là những lúc hoặc phải đến nhà hàng của người đồng hương ở quận 1, nay đã đóng cửa, hoặc lên máy bay về nước ăn cho đã thèm.

Trở lại cái duyên mở khu ẩm thực Yo! vào thời điểm tháng 11-2019, nghĩ đến những lúc thèm món quê đến cồn cào của chính mình và những bạn bè người nước ngoài khác từng ở trong hoàn cảnh này, Monica nghĩ tại sao mình không rủ rê những người muốn làm chủ cửa hàng nhỏ cùng bán những món dân dã nhưng đặc trưng, như cơm tấm của Việt Nam, mà mỗi người xa quê đều thèm khi nghĩ đến?

Tháng 11-2019, với sự cam kết của ba chủ quầy khác - bán món Singapore, Ấn Độ và satay Malaysia, họ tự tin khai trương. Giáng sinh, năm mới, người nước ngoài thường về nước rồi sau đó người Việt Nam về quê nên food court sẽ có một khoảng thời gian khởi động nhẹ nhàng.

"Nhưng người tính không bằng trời tính", Monica hóm hỉnh cho biết. Khoảng thời gian "chạy đà" kéo dài quá lâu do dịch COVID-19 xuất hiện ngay từ sau tết và gần như kéo dài đến lần phong tỏa toàn quốc vào tháng 4-2020. Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may. 

"Chính xác thì chúng tôi được biết đến nhiều hơn và nhận được sự ủng hộ rầm rộ chưa từng có từ đại dịch COVID-19", Monica cho biết.

Theo chị, người nước ngoài, nhất là những nước quanh khu vực Đông Nam Á, ở Việt Nam đều về nhà thường xuyên như đi chợ. Những lúc về nước, họ thường tranh thủ ăn những món mình thích và mua mang sang các loại đồ ăn mình cần. Giả sử nếu không về quê thì họ cũng nhờ được bạn bè, đồng hương cầm hộ mấy thứ này thứ kia.

Đến tháng 4 là tầm 3-4 tháng ngồi yên một chỗ. Nhớ những chuyến bay, người thân đã đành, nhưng nỗi nhớ món ăn là thường trực nhất. Người Malaysia thì tìm đến nhà hàng Malaysia, người Hoa thì đến nhà hàng Hong Kong, Trung Quốc để tìm những khẩu vị phù hợp; khu ẩm thực có khách dập dìu, có phần đông hơn cả lúc mới khai trương được bạn bè ủng hộ.

Cũng do dịch COVID-19, công việc, tương lai trở nên bấp bênh với nhiều người nước ngoài. Họ phải giảm chi tiêu chờ tình hình mới và không thường xuyên ghé các nhà hàng sang trọng như trước. Một lần nữa, khu ẩm thực châu Á trở thành lựa chọn tốt hơn.

Ăn món Thái, Hàn, Malaysia... không cần đi đâu xa, chỉ cần qua quận 2 - Ảnh 3.

Đầu bếp tiệm đồ quay Hong Kong chặt vịt - Ảnh: J.D.

Biến mắm tôm Việt Nam thành mắm ngọt Mã Lai

Như những công ty khởi nghiệp biến ý tưởng thành hiện thực rồi bán công ty cho nhà đầu tư tiềm năng, đến tháng 9-2020 Yo! về tay chủ mới - một người mê ẩm thực, yêu thức ăn ngon với nhiệt tâm giới thiệu tinh hoa ẩm thực châu Á đến với nhiều người.

Anh Chong Han Kiong (người Malaysia), chủ nhân mới của Yo!, đã sống ở Việt Nam gần 20 năm, tự hào giới thiệu về những món ăn của tiệm, bao gồm những món ăn đặc trưng của Việt Nam như cơm sườn, cơm tấm hay vịt quay của Hong Kong, đến mì sợi theo công thức Singapore.

Đến khám phá khu ẩm thực, chúng tôi được giới thiệu món bún cá Malaysia (Laksa), một món ăn có nước lèo hơi sệt và đậm màu. Nước lèo có vị chua nhẹ của thơm, nhưng hoàn toàn không thể so sánh món bún cá Malaysia này với món nước nào tương tự của Việt Nam. Tên bún cá nhưng càng không giống gì với tô bún cá Châu Đốc, bún nước lèo Sóc Trăng hay bún cá Nha Trang mà người Việt quen thuộc.

Món bún cá này nếu không ăn kèm với một loại nước chấm gọi là mắm tôm Mã Lai có màu đen, vị ngọt thì coi như bỏ. Chị Monica, chủ tiệm, cho biết mắm tôm ngọt này là siêu phẩm của cửa hàng do chị tự chế biến bằng các nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam, trong đó có mắm tôm và tương đen ăn phở.

"Này nhé, mắm tôm Việt Nam mặn lắm. Tôi phải thêm nước và rất nhiều đường, mà phải là đường thốt nốt mới thành mắm tôm ngọt kiểu Mã Lai. Để có màu đen, tôi dùng tương đen ăn phở và nước màu người Việt dùng để kho thịt cá. Vì dịch COVID-19, tôi không nhập khẩu được nên đã tự chế được mắm tôm ngọt của mình. Khách ăn thường hỏi mua đem về nhà" - Monica nói.

Chị Ai Ling - người Malaysia gốc Hoa, doanh nhân trong ngành đồ gỗ nội thất - là một trong những khách hàng thường xuyên của khu ẩm thực và đã giới thiệu rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đến đây. Chị cho biết: "Dễ lắm, mỗi ngày tôi thử một món, của một quầy khác nhau. Tôi biết món nào là món ngon nhất của mỗi tiệm. Tôi hi vọng ẩm thực các nước khác sẽ đến đây chung vui như món Thái, món Hàn chẳng hạn".

Nói về quyết định của mình, anh Chong Han Kiong cho biết: "Việt Nam đã phát triển bùng nổ về kinh tế trong 20 qua và trong 10 năm tới, sự phát triển này sẽ lên một tầm cao mới. Người Việt sẽ giàu hơn, mức sống sẽ cao hơn, tiêu thụ nhiều hơn. Tôi tin tưởng ở tương lai của Việt Nam. Tương lai đó phản ánh trong các quyết định đầu tư của tôi".

Thực khách người Việt

Ngoài người nước ngoài sinh sống ở TP.HCM và Việt Nam, Yo! cũng tiếp đón rất nhiều thực khách là người Việt. Những người Việt Nam thường xuyên đi du lịch trước đây, nay không thể bay qua Thái Lan, Singapore để ăn tom yum, cháo ếch, họ cũng có nhu cầu đổi không khí, đổi món. Không gian và ẩm thực ở Yo! là một trải nghiệm mới, giúp họ trải nghiệm ẩm thực nước ngoài phong phú ngay giữa lòng Sài Gòn.

Ẩm thực đường phố châu Á và hương vị của đời người Ẩm thực đường phố châu Á và hương vị của đời người

Hơn bất cứ châu lục nào trên thế giới, châu Á thu hút du khách nhờ thức ăn đường phố. Loạt phim truyền hình Street Food (Ẩm thực đường phố) của Netflix mới phát cuối tháng 4 chọn 9 thành phố có ẩm thực nổi tiếng ở châu Á để giới thiệu.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên