22/06/2021 09:06 GMT+7

AmCham kêu gọi Tổng thống Biden ưu tiên vắc xin cho Việt Nam

NGUYÊN HẠNH thực hiện
NGUYÊN HẠNH thực hiện

TTO - Ban lãnh đạo AmCham Việt Nam, các cựu chủ tịch và lãnh đạo của các công ty đa quốc gia lớn đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Joe Biden, đề nghị Mỹ chỉ định Việt Nam là một quốc gia được ưu tiên trong chương trình 'ngoại giao vắc xin' của mình.

AmCham kêu gọi Tổng thống Biden ưu tiên vắc xin cho Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Mary Tarnowka tại một buổi tọa đàm với các thành viên AmCham Việt Nam đầu năm 2021 - Ảnh: AMCHAM VIỆT NAM

Thông tin trên do bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) - tiết lộ với Tuổi Trẻ trong cuộc phỏng vấn mới đây.

* Xin bà cho biết các thành viên của AmCham Việt Nam có thể đóng góp gì cho chương trình tiêm chủng của Việt Nam?

- Chúng tôi rất vui vì Nhà Trắng hôm 3-6 đã công bố Việt Nam là quốc gia ưu tiên cho đợt chia sẻ vắc xin toàn cầu đầu tiên với 25 triệu liều. Tổng thống Biden đã tuyên bố trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 mới đây rằng Mỹ sẽ đóng góp thêm 500 triệu liều vắc xin cho tổng số 1 tỉ liều vắc xin mà G7 cam kết hỗ trợ 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm Việt Nam.

Chúng tôi hoan nghênh việc Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vắc xin vào tuần trước, đồng thời mong chờ các chuyến vắc xin từ Mỹ sớm đến Việt Nam.

AmCham Việt Nam hy vọng có thể phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam để đảm bảo nguồn cung đầy đủ các loại vắc xin đã được chứng minh hiệu quả, hoàn thiện danh mục ưu tiên theo nghị quyết 21, cũng như đóng góp tài chính để mua vắc xin cho người lao động của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội và người dân Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng phối hợp cùng Việt Nam trong chương trình triển khai tiêm chủng, phát triển các chính sách cách ly để góp phần vào "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

* TP.HCM đã và đang khẩn trương triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19. Bà trông đợi gì?

- Vừa là tâm điểm trong đợt bùng phát thứ 4 và động cơ kinh tế của Việt Nam, nhu cầu tiêm chủng của TP.HCM là rất cấp bách. Các thành viên AmCham hoan nghênh quyết định của Chính phủ Việt Nam về việc chuyển hơn 800.000 liều vắc xin vào thành phố này, hỗ trợ kế hoạch tiêm chủng đại trà đang được triển khai.

AmCham vui mừng vì Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa công nhân tại các khu công nghiệp vào nhóm ưu tiên tiêm chủng. Những người lao động này thường đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chúng tôi đề xuất người lao động ở các phòng khám đa khoa, nhà thuốc, cũng như các công ty phân phối dược phẩm và thiết bị y tế, được bổ sung vào danh sách nhân viên y tế tuyến đầu. AmCham cũng khuyến nghị rằng công nhân tại các cảng, nơi đóng góp cho 90% thương mại của Việt Nam, nên được xem là nhân viên tuyến đầu.

Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý rủi ro sức khỏe cộng đồng bằng cách phân phối vắc xin công bằng cho cả công dân Việt Nam và người nước ngoài, theo thứ tự ưu tiên tiêm chủng.

Tôi xin khẳng định rằng AmCham Việt Nam không tìm cách để được ưu tiên tiếp cận nguồn vắc xin. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận vắc xin một cách công bằng, tuân thủ nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng của Chính phủ Việt Nam.

Bà MARY TANOWKA

* Bà nghĩ đâu là giải pháp phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả của đợt triển khai tiêm chủng này?

- Trong những tháng sắp tới, một trong những thách thức lớn nhất sẽ là triển khai tiêm chủng vì một lượng lớn vắc xin sẽ bắt đầu đổ về, sớm nhất là từ tháng 7-2021. Các yêu cầu phức tạp đối với việc bảo quản và quản lý cũng là thách thức đáng kể.

Những điều trên yêu cầu công tác xác định, đăng ký và theo dõi trước các cá nhân được tiêm chủng cũng như tạo ra chứng nhận vắc xin thích hợp. Bên cạnh đó, các kế hoạch hậu cần, lưu trữ, phân phối và quản lý phức tạp cũng cần cân nhắc để bảo vệ chuỗi cung ứng và tiêm chủng an toàn, hiệu quả.

Các công ty thành viên của chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tư cách là đối tác triển khai. Nhân viên y tế từ một số bệnh viện và phòng khám là thành viên của chúng tôi đã làm việc với các cơ quan y tế địa phương trong các nỗ lực tiêm chủng diện rộng.

Chúng tôi cũng sẵn sàng và sẵn lòng hợp tác khi cần thiết trong những tháng tới, đặc biệt là trong quý 3 và quý 4-2021, thời điểm chúng tôi dự đoán phần lớn vắc xin sẽ về Việt Nam.

93% doanh nghiệp tài trợ vắc xin cho nhân viên

Bà Mary Tarnowka cho biết hơn 2/3 doanh nghiệp thành viên tham gia khảo sát của AmCham sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho việc tiêm chủng cộng đồng. Hơn 93% sẵn sàng chi trả vắc xin dành cho nhân viên của họ, trong nhiều trường hợp là cả gia đình của nhân viên.

Bà Tarnowka cho rằng sẽ rất có lợi nếu Chính phủ Việt Nam cân nhắc cấu trúc việc đóng góp theo hai cơ chế như sau: một là dành cho nhân viên doanh nghiệp và gia đình của họ, hai là các đóng góp tự nguyện hướng đến tiêm chủng cộng đồng.

"Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam cân nhắc việc xem những đóng góp này là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi được khảo sát, hơn 95% thành viên của chúng tôi tin rằng việc giảm thủ tục cách ly đối với các cá nhân đã được tiêm vắc xin đầy đủ sẽ lập tức tạo ra tác động tích cực đối với việc vận hành doanh nghiệp cũng như các dự định mở rộng hay bổ sung đầu tư" - bà Tarnowka nêu.

AmCham muốn tiếp sức chương trình vắc xin của Việt Nam AmCham muốn tiếp sức chương trình vắc xin của Việt Nam

TTO - Bà Mary Tarnowka - giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) - khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo đầy đủ nguồn vắc xin COVID-19, và tiếp cận bình đẳng chương trình tiêm chủng.

NGUYÊN HẠNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên