​Thử tài ứng biến

LÊ NAM 15/12/2014 09:12 GMT+7

TTCT - Đội giành giải nhất cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 là đội vượt qua thử thách về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và sáng tạo với số nguyên liệu được cung cấp trong chiếc “hộp đen” nặng 6kg.

Không chỉ kinh nghiệm và tài năng, ứng biến nhanh là một kỹ năng rất cần thiết ở vòng chung kết - Ảnh: Tấn Tới
Không chỉ kinh nghiệm và tài năng, ứng biến nhanh là một kỹ năng rất cần thiết ở vòng chung kết - Ảnh: Tấn Tới

15 đội vào vòng chung kết không thể biết trong mỗi hộp đó ban tổ chức chuẩn bị sẵn nguyên liệu gì cho đội mình. Một cái “chợ” gia vị, rau củ quả được ban tổ chức bố trí ngay tại chỗ để các đầu bếp có thêm nguyên liệu phụ tăng thêm “hương hoa” cho món ăn của mình.

Có đội bốc thăm được cặp gà, có đội chọn trúng hộp hải sản, lại có đội chọn hộp tổng hợp nhiều nguyên liệu, có đội bốc trúng con cá lóc hay cá bông lau…

Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương cho biết “lần này ban tổ chức đưa thêm một số nguyên liệu hoặc gia vị vào trong hộp đen nhằm đánh giá khả năng ứng biến của đầu bếp với tình huống bất ngờ”.

Những loại gia vị này thoạt nhìn có thể có đầu bếp cho rằng ban tổ chức đánh lạc hướng đội dự thi. Nhưng gia vị đó không hề thừa trong việc chế biến thực đơn cho đội dự thi, thậm chí biết ứng dụng vào trong quá trình chế biến còn là điểm cộng cho thực đơn dự thi. 

Năm ngoái có đội đã vô cùng bỡ ngỡ khi mở chiếc “hộp đen” nhìn thấy một con cá còn đang bơi.

Theo bà Bùi Thị Sương, trong quy trình thực hiện món ăn ở khách sạn năm sao, toàn bộ thực phẩm chế biến đều được sơ chế, cắt tỉa sẵn theo khẩu phần và lưu trữ trong phòng lạnh, chờ đầu bếp lấy ra chế biến. Vì thế, khi đi thi nếu không chuẩn bị kỹ, gặp “đề bài” là một con cá tươi chưa chế biến thì việc lúng túng là chuyện thường.

Bà Sương cho rằng ở cuộc thi này đòi hỏi kỹ năng của đầu bếp tham gia phải toàn diện, ngoài việc nấu món nguội, món nóng, đầu bếp cũng phải biết sơ chế thực phẩm, biết làm món tráng miệng…

Đầu bếp được đánh giá thành công khi món ăn mang tính sáng tạo. Nhưng muốn sáng tạo phải nắm vững truyền thống, nguồn gốc của món ăn.

Theo chuyên gia Bùi Thị Sương, nếu sáng tạo món lai (fusion) nhưng không rõ nguồn gốc, thực khách có thể thích chỉ vì tò mò, nếu không gần gũi với khẩu vị thì họ sẽ trở về với món ăn truyền thống.

“Làm mới món ăn trên cơ sở món ăn phải gần gũi với truyền thống, đừng quá xa lạ. Không có nguồn gốc rất khó tồn tại. Vì vậy đầu bếp phải nắm vững ẩm thực truyền thống, kỹ năng phải thành thạo, kiến thức ẩm thực phải toàn diện” - bà Sương chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận