​Chung kết Chiếc thìa vàng 2014: Sẵn sàng mở “chiếc hộp bí mật”

HOÀNG OANH - LÊ NAM 10/12/2014 20:12 GMT+7

TTCT - Mười lăm đội lọt vào vòng chung kết cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 đến từ các vùng miền có nền ẩm thực đặc sắc nhất cả nước đã sẵn sàng cho cuộc thi ngày 10-12.

Bí quyết gia truyền, đặc trưng địa phương hay sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại sẽ quyết định chủ sở hữu thìa vàng năm nay?

Đại diện cho khu vực phía Bắc tham gia vòng chung kết năm nay là năm đội thi đến từ Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Lào Cai. Mười đội phía Nam đến từ TP.HCM, Bến Tre, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. 

Sở trường và tài ứng biến

Sau khi đã trổ tài cùng những món ăn quê Việt ở vòng loại với chủ đề “Tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống”, đem sở trường và món tủ của mình ra thi thố ở vòng bán kết qua chủ đề “Món ăn vàng”, đến vòng chung kết, các đầu bếp xuất sắc nhất của cuộc thi lần này sẽ phải đối mặt với một đề bài khó nhằn có tên “Chiếc hộp bí mật”. 

Các đội thi sẽ bốc thăm để chọn chiếc hộp bí mật của mình, trong hộp sẽ có tên một loại nguyên liệu bất kỳ nào đó được ban giám khảo chọn lựa. 

Các đội thi dựa trên nguyên liệu chính này để đi chợ (được ban tổ chức bố trí ngay trong khu vực thi) và chọn thêm các loại nguyên liệu phụ, gia vị khác rồi chế biến thành một thực đơn bốn món trong thời gian 120 phút.

Đứng trước đề bài hóc búa này, các đầu bếp đến từ phía Bắc có những tâm trạng khác nhau. Đầu bếp Hà Văn Tám (đội trưởng đội khách sạn Sunway Hà Nội) cảm thấy rất háo hức vì đối mặt với nguyên liệu bất kỳ là một trong những thử thách khó khăn nhưng đầy thú vị dành cho một đầu bếp chuyên nghiệp. 

Anh cho rằng nếu bốc thăm đúng loại nguyên liệu mà mình từng thi ở các vòng trước thì phải có cách nấu khác để gây ấn tượng với ban giám khảo, còn nếu bốc phải loại nguyên liệu mới chưa làm bao giờ thì đòi hỏi phải ứng biến thật nhanh để có thể sáng tạo món ăn vừa ngon miệng vừa đẹp mắt. 

Đội Sunway vốn có sở trường nấu các món Âu nhưng lại rất thích tìm cách kết hợp với các nguyên liệu Việt. Với cách làm này, đội đã xuất sắc giành giải nhất trong vòng bán kết với các món như: xúp cốm chiên bách hoa, tôm càng xanh xốt sò điệp ăn kèm với cơm dừa lá nếp, thăn bò T-bone sốt nấm Truffle ăn kèm với mì Udon và rau Đà Lạt, Mousse chocolate hương vị trái cây ba miền. 

 

Đến từ vùng biển Quảng Ninh, đội của khách sạn Sài Gòn - Hạ Long cho biết cũng khá hồi hộp với đề thi lần này, nhưng đã là đầu bếp chuyên nghiệp thì phải biết nấu nhiều món khác nhau, sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau.

Ở vòng bán kết, đội giành giải nhì với các món sở trường về hải sản như: canh sá sùng nấu lá lốt, mực viên kim giáp, kim kê om hải vị.

Bếp trưởng Trần Văn Tuyết đã có 26 năm kinh nghiệm đứng bếp cho biết: “Năm ngoái đội của khách sạn tôi cũng tham dự cuộc thi này và lọt vào vòng chung kết, tiếc là chưa có giải nên năm nay đi thi lại với quyết tâm cao nhất!”. 

Còn đầu bếp Vũ Văn Sơn của đội Bảo Châu Boutique đến từ thành phố Sa Pa tâm sự: “Nếu so với các đối thủ đến từ các khách sạn năm sao lớn thì đội của chúng tôi chỉ là một nhà hàng nhỏ xíu ở vùng cao, lần đầu đi thi và được vào chung kết quả là điều ngoài dự đoán”. 

“Nhỏ mà có võ”, đội Bảo Châu Boutique đã khiến ban giám khảo ấn tượng với một thực đơn độc đáo tại vòng bán kết: ếch viên nhỏ ăn kèm salad búp đa đỏ, lươn ủ củ chuối tiêu hồng, trĩ đỏ xốt hạt dẻ rừng ăn kèm cơm gạo mộc và canh rau sam, bánh ngũ nhân hội tụ. 

Chuẩn bị tranh tài ở vòng chung kết, anh Sơn dè dặt bảo đội của mình đến từ vùng cao nếu bốc thăm trúng những nguyên liệu hải sản, tôm cua cá mực thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn và lúng túng trong cách chế biến.

Tuy nhiên, anh cho rằng mình và đồng đội chắc chắn sẽ hoàn thành tốt phần thi của mình, cũng giống như khi chọn “món ăn vàng” cho vòng bán kết, anh đã mạnh dạn nấu món lươn ủ củ chuối tiêu hồng lần đầu tiên sau 15 năm lập nghiệp xa nhà. 

Thế mạnh từ nguyên liệu dân gian

Dường như các đầu bếp tham gia vòng bán kết khu vực phía Nam đã đặt hẳn bên ngoài chuyện thắng thua của một cuộc chơi, thay bằng niềm hứng thú được “trình làng” việc tìm tòi những nguyên vật liệu dân dã tiềm tàng trong dân gian dường như đã bị quên lãng, thể hiện qua những “món ăn vàng” (món ăn thế mạnh, đặc trưng) trong thực đơn.

Bước vào khu bếp, lướt nhìn khâu chuẩn bị của các đầu bếp sẽ cảm nhận rõ điều đó. Này là cá sơn gà, cá ồ (cá ngừ ồ), kia là rễ cây đuôi chồn, lá bứa, trái bứa, hạt mắc ca, củ tắc kè đá, lá bụp giấm, bông muồng, bông súng, cà na, bông điên điển, củ năng...

Không gian trong gian bếp là cả một sự trình diễn của hành trình khảo cứu, đi tìm giá trị văn hóa ẩm thực dân gian tiềm tàng trong cuộc sống của những đầu bếp. 

“Điều đáng nói ở đây chính là khả năng chế biến, sáng tạo và biết khéo léo kết hợp các hương vị đặc trưng quê nhà nhằm đưa những món ăn dân dã lên bàn tiệc cao cấp của các đầu bếp rất ấn tượng” - chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương nhận xét. 

Chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi khá bất ngờ khi nhìn thấy hạt và lá của trái bứa được đưa vào chế biến món chả giò lá bứa sò điệp, ếch nấu đông, gỏi lá bứa hạt thông của đội nhà hàng Hoa Mua (khu du lịch Bình Quới 1). 

Sự quay về với truyền thống trong cuộc sống hiện đại cũng được các đầu bếp khéo léo thể hiện trong cách chế biến món ăn đã tạo nên ấn tượng tốt ngay từ vòng loại đến vòng bán kết. Chuyên gia ẩm thực Hoàng Anh tỏ ra rất ấn tượng với đội khách sạn La Sapinette khi họ mang đến cuộc thi đầy đủ dụng cụ như chày, cối đá lớn... 

Bò cuộn áp chảo
Bò cuộn áp chảo
Lươn ủ củ chuối tiêu hồng
Lươn ủ củ chuối tiêu hồng
Gỏi tôm bông súng
Gỏi tôm bông súng

 

 

Yaourt nếp cẩm
Yaourt nếp cẩm

 

Các đầu bếp thay nhau quết tại chỗ bột làm bánh dày mà không dùng máy móc hiện đại có sẵn. Lập luận của họ là dùng máy thì nhanh, nhưng không thể cho ra những chiếc bánh dày ngon như cách làm truyền thống.

Một số đầu bếp còn mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, sáng tạo trong cách chế biến gây ấn tượng bất ngờ. Đầu bếp đội khách sạn Caravelle dùng tia hồng ngoại sấy khô con hàu tươi để làm nên các món ăn nghe lạ tai, ăn lạ miệng gây ngạc nhiên và thích thú nơi người thưởng thức.

Nhóm đã sấy khô hàu tươi làm hàu vụn, rồi ép vào lá tía tô đã chiên giòn làm món lá hàu, sấy khô nước chiết xuất từ con hàu tươi để làm giấy hàu và những món ăn này dùng để nhấm với rượu trắng mang lại cảm giác rất đặc biệt.

“Nghe tên lá hàu đã lạ, khi ăn miếng lá tía tô chiên giòn nhưng hoàn toàn mang vị hàu tươi sẽ là một trải nghiệm mang hương vị Việt đặc trưng mà thực khách khó quên” - chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi kể lại một trong những lý do ban giám khảo đã chấm điểm cao để đưa nhóm khách sạn Caravelle đoạt giải cao nhất trong vòng thi bán kết khu vực phía Nam.

“Điều đáng nói ở đây chính là khả năng chế biến, sáng tạo và biết khéo léo kết hợp các hương vị đặc trưng quê nhà là thế mạnh của mình nhằm tạo ra ngày càng nhiều các thực đơn ngon, đẹp mắt, thậm chí nhiều thực đơn tôi cho là rất xuất sắc” - chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận