10/03/2015 06:00 GMT+7

​Ầm ĩ hơn ca sĩ mở liveshow

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY

TTO - “Ầm ầm ầm…”, tiếng loa thùng công suất cực mạnh “dập” thâu đêm. “Làm vậy khách nhậu mới “tê”, nghe hét mới hay…” - một chủ quán nói.

Ảnh minh họa: Ảnh: T.THẮNG

Nhiều bạn đọc phản ánh họ bị ức chế vì tiếng ồn không chỉ từ những dàn karaoke nhạc sống mà còn từ các cửa hàng bán điện máy, shop quần áo…

Bên cạnh đó, những dàn nhạc sống âm thanh sống động “dập ầm ầm” phục vụ cho khách ở các quán nhậu cũng là nỗi khổ của không ít người dân sống cạnh đó.

Điếc tai vì đủ thứ tiếng ồn tra tấn

Hàng trăm comment của các bạn đọc than phiền nhức đầu vì tiếng ồn phát ra từ những dàn nhạc sống, dàn karaoke lưu động và cả những nơi bán hàng phát loa ầm ĩ  mà người dân đang phải “sống chung” hằng ngày.

Chị Mai Vũ (Q.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết chị đi làm cả tuần, chỉ có thứ Bảy, Chủ nhật là được ở nhà nghỉ ngơi, nhưng chưa có cuối tuần nào được ngủ yên bình “vì không nhà hàng xóm này thì nhà hàng xóm kia thuê nguyên dàn karaoke nhạc sống kèm theo mấy cái loa khủng về hát từ trưa đến tối”, chị kể.

>> Chị Mai Vũ

Một bạn đọc ở Cần Thơ phản ảnh với TTO : “Đám cưới hát, đám giỗ hát, sinh nhật hát, đến cả tiệc mừng thọ mà cũng hát luôn. Đã vậy trong xóm còn có nhà kia thường xuyên nhậu nhẹt, mỗi lần như vậy là mở karaoke hát suốt 6-7 tiếng đồng hồ, còn hơn ca sĩ mở liveshow nữa”, bạn đọc bức xúc.

Một dàn karaoke nhạc sống tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang, cuối tháng 2-2015 - Ảnh: V.TR

Một bạn đọc khác ở  Tiền Giang cho biết “nguyên cái Tết vừa rồi cả xóm tôi đau khổ vì những dàn karaoke cho thuê. Chiều nào cũng phải nghe hò hét rần rần, ngày nghỉ, cuối tuần, còn mệt hơn”.

Hoảng hồn với những loại âm thanh không thua kém gì sàn nhảy, bạn đọc tên Nguyên cho biết nhà mình ở gần một quán nhậu ngày nào cũng thuê nhóm nhạc về nhảy và “hét”. “Được vài bữa, bà tôi (70 tuổi) mất ngủ, lên cơn đau ngực rồi nhập viện”, bạn đọc này nói.

Anh Linh Thuận (Q.4, TP.HCM) nêu ý kiến: Các quán nhậu hay các cửa hàng bán điện máy, quần áo,… đừng vì thu hút khách hay lợi nhuận mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh. Thử đặt mình vào hoàn cảnh ngày nào cũng “sống chung với tiếng ồn” thì mới thấy ức chế ra sao.

Có thể điếc do tiếng ồn

Một CLB khiêu vũ dùng dàn loa công suất lớn để mở nhạc tập - Ảnh: Minh Mẫn

BS Phan Quốc Bảo (chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết có 2 ngưỡng cho phép căn bản của tiếng ồn. Ở những khu vực đặc biệt như bệnh viện, nhà trẻ, viện dưỡng lão thì mức tiếng ồn cho phép là từ 45-55dB.

Ở khu vực dân thông thường thì ngưỡng cho phép là 55-70dB. “Nếu quá ngưỡng này thì môi trường đã bị ô nhiễm tiếng ồn”, BS Bảo nói.

>> BS Phan Quốc Bảo

Chia sẻ về những tác động của tiếng ồn đến sức khỏe con người, đặc biệt là về thính giác, BS Phan Quốc Bảo nói: “Tiếng ồn có thể làm con người cảm thấy khó chịu, mất tập trung, nhức đầu, khó ngủ…

Ở mức độ cao hơn, tiếng ồn ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim của con người. Nghiêm trọng hơn, nếu phải chịu đựng tiếng ồn ở ngưỡng trên 90dB trong một gian kéo dài thì các cơ quan thính giác sẽ bị tổn thương và có nguy cơ điếc hoàn toàn”.

>> BS Phan Quốc Bảo

BS Lâm Hữu Tài (Trung tâm Y tế quận 1, thành viên Hội Tâm thần học TP.HCM) cho biết chịu ảnh hưởng lâu ngày bởi tiếng ồn, con người sẽ dễ bị rối loạn về cảm xúc và kéo theo những rối loạn liên đới khác.

>> BS Lâm Hữu Tài

Không thấy tịch thu phương tiên gây tiếng ồn?

Nhiều bạn đọc cho rằng chính quyền địa phương ở một số nơi đã thiếu quan tâm, ít kiểm tra chặt chẽ, xử phạt nghiêm những nơi làm ồn.

Một “ca sĩ” biểu diễn liveshow của mình để bán hàng (ảnh chụp ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: M.Phượng

“Luật đã có, tại sao cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, không giữ môi trường trong lành cho người dân?” – bạn đọc Khắc Chân nói.

Luật sư Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo (TP.HCM) cho biết theo quy định tại nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt tối đa đối với vi phạm về tiếng ồn có thể lên tới 160 triệu đồng, kèm theo hình thức xử phạt là tịch thu phương tiện gây ồn. Luật sư Lê Quang Vũ cho biết:

>> Luật sư Lê Quang Vũ

“Nếu có cá nhân hay đơn vị vi phạm, có thể tiến hành lập biên bản và chụp hình các thông số trên các thiết bị âm thanh, ghi nhận mức volume điều chỉnh đến đâu… Từ đó sẽ tiến hành giám định và có cơ sở để xử phạt”, luật sư Vũ nói.

 >> Luật sư Lê Quang Vũ

 

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên