02/07/2013 05:48 GMT+7

Ai Cập trong thời điểm quyết định

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Đất nước kim tự tháp đang một lần nữa rùng rùng chuyển động bởi những cuộc biểu tình của hàng triệu người tràn ngập thủ đô Cairo và nhiều thành phố khác với khẩu hiệu rõ ràng là đòi Tổng thống Mohamed Morsi “phải ra đi”.

Bốn bộ trưởng trong Chính phủ Ai Cập từ chứcAi Cập lại dậy sóng

Zid8HcFt.jpgPhóng to
Nhiều phụ nữ Ai Cập cũng xuống đường tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 1-7 - Ảnh: Reuters

Đây không phải là một cuộc phản kháng bộc phát mà là sự tích tụ của tâm lý bất bình lan rộng trong đông đảo người Ai Cập thuộc các tầng lớp và tôn giáo khác nhau đối với chính quyền do Tổng thống Mohamed Morsi đứng đầu - một vị tổng thống được chính người dân bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử dân chủ cách đây tròn một năm.

Nguyên do Hồi giáo hóa

Tổ chức Anh em Hồi giáo ra đời tại Ai Cập năm 1928, theo hệ tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc. Khi giành được chính quyền, Anh em Hồi giáo không che giấu tham vọng về một “thời đại phục hưng Hồi giáo” tương tự đế chế Hồi giáo hồi thế kỷ thứ 8. Để đạt được tham vọng “vĩ đại” ấy, Tổng thống Morsi đã liên tiếp đưa ra những quyết định theo hướng “Hồi giáo hóa” bộ máy nhà nước.

Sau cuộc “cách mạng 25-1-2011” của những người dân xuống đường, lật đổ được chính quyền Hosni Mubarak, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã nhanh chóng giành thế thượng phong trong xã hội, bởi được sự ủng hộ của đại đa số nhân dân vốn là tín đồ Hồi giáo. Nhờ thế, qua các cuộc bầu cử dân chủ, Anh em Hồi giáo lần lượt giành thắng lợi vang dội trên chính trường và người của họ - Mohamed Morsi - trở thành tổng thống ngày 30-6-2012.

Trong một năm cầm quyền, ông Morsi đã loại bỏ hội đồng quân sự tối cao vốn duy trì trật tự cho đất nước từ sau khi Mubarak sụp đổ đến khi có tổng thống mới. Chính quyền Anh em Hồi giáo đã tổ chức các cuộc bầu cử mang lại thế đa số cho phe Hồi giáo tại quốc hội. Rồi hiến pháp mới thiên về màu sắc Hồi giáo được thông qua một cách gượng ép.

Tổng thống Morsi đã cải tổ cơ quan an ninh, tình báo và cảnh sát để đưa nhiều người theo Hồi giáo vào bộ máy quyền lực này. Bộ máy thông tin tuyên truyền cũng bị cải tổ để phù hợp với đường lối Hồi giáo. Tiếp đến, ông Morsi tấn công vào thành lũy của tư pháp - một cơ chế vốn tồn tại khá độc lập với chính quyền Mubarak trước đó, để loại bỏ “lực cản tư pháp” đối với các quyết định do phủ tổng thống đưa ra. Đỉnh điểm của những quyết định gây bức xúc trong toàn xã hội là việc ông Morsi đưa ra “tuyên bố hiến pháp” ngày 22-10-2012, trong đó trao cho tổng thống nhiều quyền hành về cả lập pháp, hành pháp và tư pháp...

Những quyết sách của Tổ chức Anh em Hồi giáo do ông Morsi đưa ra thực thi trong xã hội Ai Cập khiến đông đảo dân chúng cảm nhận nguy cơ đất nước này sẽ dần bị biến thành một dạng Afghanistan thời Taliban, hay một chế độ “cộng hòa Hồi giáo” tương tự Iran hiện nay. Trước thực trạng như thế, nhiều tổ chức chính trị đã tham gia “cách mạng 25-1” lật đổ Mubarak cảm thấy “cách mạng đã bị phản bội” và cho rằng Anh em Hồi giáo “đã chiếm đoạt thành quả cách mạng” cho riêng họ!

Thừa nhận sai lầm quá muộn

Từ đó, các tổ chức chính trị đối lập đã tập hợp lại trong “Mặt trận cứu quốc” do một số nhân vật nổi tiếng đứng đầu, như tiến sĩ Mohamed ElBaradei - cựu tổng thư ký Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới, tiến sĩ Amr Moussa - cựu tổng thư ký Tổ chức Liên đoàn Ả Rập...

Đường lối “Hồi giáo hóa” mà Tổng thống Morsi theo đuổi còn gây hoài nghi đối với Mỹ và phương Tây về nguy cơ Ai Cập chẳng những không còn là đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, mà trở thành hiểm họa đối với sự ổn định của hiệp định hòa bình Ai Cập - Israel tồn tại từ năm 1979 đến nay. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng đưa ra những điều kiện ngặt nghèo mới để có thể giải ngân những khoản tín dụng nhiều tỉ USD dự kiến dành cho chương trình phát triển của Ai Cập.

Sự dè chừng của phương Tây và các định chế tài chính thế giới khiến kinh tế Ai Cập vốn đã eo hẹp, càng lâm vào túng thiếu trầm trọng. Tình trạng thất nghiệp lên cao và đời sống của đông đảo dân nghèo thậm chí còn khốn khó hơn cả dưới thời Mubarak!

Bởi thế, lời kêu gọi biểu tình lật đổ Tổng thống Morsi vào đúng ngày 30-6, ngày ông kỷ niệm một năm cầm quyền, đã được sự hưởng ứng đông đảo chưa từng thấy. Khẩu hiệu của Mặt trận cứu quốc đã lên đến “mức trần” tột đỉnh: đòi tổng thống từ chức! Tính chất đối đầu giữa phe đối lập tại Ai Cập với chính quyền Morsi đã tới mức “một mất một còn”. Tình thế hiểm nghèo buộc Tổng thống Morsi, hôm 29-6, phải tuyên bố “công nhận có những sai lầm” và cam kết “sẽ sửa sai”. Nhưng có lẽ mọi tuyên bố kiểu này dường như đã quá muộn!

Khó có thể dự đoán biến động tại Ai Cập hiện nay sẽ có kết cục thế nào. Nếu phe đối lập quyết tâm “lật đổ chế độ” trong khi Tổ chức Anh em Hồi giáo không nhượng bộ, thì một trong những kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là quân đội trở lại chính trường như sau khi Mubarak sụp đổ. Nhưng Tổ chức Anh em Hồi giáo không dễ dàng chấp nhận kịch bản này.

Trong một tuyên bố được đọc trên truyền hình hôm qua, quân đội Ai Cập cảnh báo sẽ can thiệp vào tình hình nếu những yêu cầu của người dân không được đáp ứng trong vòng 48 giờ sau làn sóng hàng triệu người xuống đường kêu gọi Tổng thống Mohamed Morsi từ chức, theo AFP. Đây cũng là thời hạn mà theo quân đội là cơ hội cuối cùng cho tất cả các bên “nắm lấy trách nhiệm cho thời khắc lịch sử mà đất nước đang trải qua”. “Nếu yêu cầu của người dân không được đáp ứng trong thời hạn này, quân đội sẽ đưa ra lộ trình tương lai và các giải pháp để giám sát việc thực hiện lộ trình này” - bản tuyên bố nói.
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên