09/02/2017 10:20 GMT+7

90 làng Cơ Tu bỏ tục đâm trâu

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Trong khi dư luận hoan nghênh Yên Bái ngừng nghi thức treo cổ trâu đến chết tại đền Đông Cuông (Tuổi Trẻ ngày 7-2), trước đó, tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) tết này có đến 90 làng Cơ Tu không đâm trâu!

Nhờ những già làng thuyết phục, người Cơ Tu ở Tây Giang, Quảng Nam không còn tổ chức tục đâm trâu   - Ảnh: T.V.
Nhờ những già làng thuyết phục, người Cơ Tu ở Tây Giang, Quảng Nam không còn tổ chức tục đâm trâu - Ảnh: T.V.

Người dân tự nguyện bỏ hẳn một tục lệ vốn đã tồn tại như một nét văn hóa ngàn đời.

Các tộc người thiểu số sống lưng chừng dãy Trường Sơn lấy con trâu làm lễ cúng thần linh và lễ hội đâm trâu thường diễn ra vào nhiều dịp khác nhau: mừng lúa mới, cúng đất lập làng, cúng Giàng, giải quyết các tranh chấp đất, kết nghĩa, cưới xin, cúng bái gặp bất trắc, tạ ơn...

Người Cơ Tu ở Tây Giang cũng vậy, tục đâm trâu cúng bái trong dịp Tết Nguyên đán vẫn thường diễn ra hằng năm nhưng năm nay bỏ hẳn.

Nhờ những già làng

Ông Bh’Riu Liếc - bí thư Huyện ủy Tây Giang - hồ hởi: “Huyện có tổng cộng 90 làng, nhưng năm nay chẳng làng nào đâm trâu. Điều cơ bản là người dân, các già làng, trưởng bản thấy được điều đó và họ dần thay đổi nếp nghĩ. Chúng tôi muốn phát triển Tây Giang thành vùng du lịch sinh thái nhưng nếu vẫn bảo tồn sự chết chóc, sự sợ hãi thì chắc chắn du khách sẽ e ngại đến với mình”.

Ông Bh’Riu Liếc kể rằng ông thật sự choáng ngợp khi nghe một gia đình ở Nam Trà My phải đâm trâu để đãi đến 200 người và đổ nợ, thậm chí phải đi làm để trả nợ vay ngân hàng. Có nhiều gia đình phải đâm đến 5 con trâu, tốn cả trăm triệu đồng để lên được già làng.

Theo ông Liếc thì quyết định dừng việc đâm trâu là một quyết định rất khó khăn. Nếu các già làng trưởng bản không ủng hộ và thuyết phục người dân tin theo thì chắc chắn không bao giờ xóa bỏ được việc này.

Ông Clâu Nghi - chủ tịch Mặt trận huyện Tây Giang - cũng tâm sự rằng việc dừng hẳn một nghi thức từ ngàn xưa đối với một cộng đồng người không đơn giản và sẽ không thành công nếu không có những già làng đứng ra thuyết phục.

“Ban đầu cũng có một số người bức xúc, nhưng nhờ các già làng đứng ra giải thích, phân tích thiệt hơn, nên mọi thứ dần ổn định. Đặc biệt các bạn trẻ được giao lưu tiếp thu nhiều thứ văn minh khác nên đã ủng hộ quyết định này. Nếu không có sự đồng thuận của các già làng thì dù chủ trương trên có áp đặt xuống mọi việc chưa hẳn đã thành công” - ông Nghi cho biết.

Ngồi đan những chiếc nón bằng tre trước nhà gươl của làng Bh’Ning, già làng Clâu Nâm (80 tuổi, xã Lăng) tâm sự rằng thật ra không đâm trâu thì cái tết cũng buồn buồn.

Bởi vì ngàn đời nay tục đâm trâu vẫn cứ diễn ra dưới mái nhà gươl trong tiếng chiêng rộn rã, điệu múa tung tung da dá, và men rượu cần ngây ngất say. “Nhưng mình cũng vì cái chung thì cũng không nên kéo dài sự chết chóc máu me đó” - già Nâm nói.

“Mình nói đúng nên dân nghe theo”

Vượt đèo Đỉnh Quế, về làng Tr’Hy xa xôi nơi những ngôi làng treo mình cheo leo trên vách núi, nhiều người dân trong làng nói rằng tết vẫn vui tươi dù không còn đâm trâu nữa. Già làng Clâu Blâu kể Tết Đinh Dậu năm nay máu trâu không đổ trước nhà gươl giữa bản làng. Người Cơ Tu ở Tr’Hy đã mổ heo, gà thay cho việc đâm trâu.

“Tôi họp dân làng và cũng nói rõ rằng nên bỏ dần những hủ tục vì chúng ta phải tiến đến những cái chung. Chúng tôi vẫn giết thịt trâu trong các dịp lễ nhưng không dùng giáo mác đâm cho nó chết dần chết mòn nữa. Trước tiên là phải giữ trâu lại để làm sức kéo cày. Thứ hai là tiết kiệm vì nếu đâm trâu nhiều thì vốn liếng của các gia đình sẽ sụt dần đi, ăn nhiều thì bao nhiêu cũng hết” - già Blâu tâm sự.

Chị Zơ Râm Thị Chi - bí thư chi bộ làng A Rớt - kể rằng trước đây nhiều gia đình bệnh tật, nghèo đói nhưng vì hủ tục cũng phải làm lễ đâm trâu để cúng thần linh, cầu mong mọi thứ bình an cho gia đình, bản làng. “Bây giờ thì khác rồi, đau ốm phải đi bệnh viện. Con trâu là tài sản của gia đình nghèo, phải giữ gìn nó làm sức kéo hoặc bán đi làm vốn, cùng lắm bán nó mà chữa bệnh thì bệnh mới khỏi được. Mình nói đúng nên dân nghe theo” - chị Chi nói.

Dẫn chúng tôi ra trước nhà gươl, chỉ tay vào chiếc đầu trâu làm bằng gỗ in hẳn vào bậc thềm nhà, bà cụ Clâu Thị Á (93 tuổi, làng Bh’Ning) bảo: “Không phải ngẫu nhiên mà bất kỳ nhà gươl nào của người Cơ Tu cũng có cái hình đầu trâu này. Nó là minh chứng cho một tập tục từ ngàn xưa mà từ nay sẽ chấm dứt”.

Khóc tế trâu

Đêm trước lễ đâm trâu người Cơ Tu thường làm lễ Nơơi, tức là lễ khóc tế trâu. Các cụ già thường thức đến sáng để khóc tế con trâu của mình. Nội dung tế trâu là nói lên câu chuyện đời ẩn uất, đau xót, khổ ải, cả đời lam lũ vẫn nghèo khó...

Khóc tế trâu là thể hiện lòng yêu thương con người với con người, thương trâu cả đời cực nhọc nay phải hiến xác thịt cuối cùng cho con người. Thường 5-6 người ngồi khóc tế thương tiếc trâu bên ngọn lửa cháy giữa sân làng với tiếng trống ngắt nhịp 1-2-1 đến khi trời sáng.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên