08/06/2023 17:02 GMT+7

76 tỉ đồng nuôi phục hồi đàn sếu đầu đỏ

Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ của tỉnh Đồng Tháp dự kiến trong vòng 10 năm nuôi thả thành công 100 con, ít nhất 50 con còn sống.

76 tỉ đồng nuôi phục hồi đàn sếu đầu đỏ - Ảnh 1.

Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ dự kiến thực hiện trong giai đoạn 10 năm tại Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ngày 8-6, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục họp bàn chi tiết các nội dung dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ nhằm mục tiêu phục hồi sinh cảnh, bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Theo báo cáo của Vườn quốc gia Tràm Chim, dự kiến trong vòng 10 năm (2023-2033) có thể thả nuôi 100 con sếu, ít nhất 50 con còn sống trong môi trường tự nhiên quanh vùng đệm.

Dự toán tổng kinh phí thực hiện hơn 76 tỉ đồng. Trong đó, việc cải thiện môi trường sinh cảnh cho đàn sếu gần 13 tỉ đồng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gần 6 tỉ đồng và quảng bá du lịch gần 8 tỉ đồng.

Tiến sĩ Trần Triết - giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á - cho biết điểm cốt lõi của dự án không chỉ đơn thuần là phục hồi đàn sếu, mà là thông qua đó bảo vệ sự đa dạng sinh học gắn liền với tái tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sản xuất hữu cơ, người dân được thụ hưởng sản phẩm nông nghiệp sạch.

"Đầu tiên và quan trọng nhất phải phục hồi được sinh cảnh phù hợp để sếu có thể sống quanh năm, khu vực sản xuất nông nghiệp an toàn xung quanh vùng đệm của vườn quốc gia. Để thực hiện dự án cần rất nhiều thời gian, những năm đầu tiên cần nỗ lực rất nhiều cũng như bỏ ra chi phí cao để sếu sống trong sinh cảnh vùng lõi, phân kỳ công việc, thực hiện từng bước, sau 5 năm chi phí sẽ giảm dần", ông Triết nói.

Ông Nguyễn Phước Thiện - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đề nghị đơn vị tư vấn và sở ngành liên quan rà soát kỹ từng chi tiết trong dự án như về tái tạo hệ sinh thái, tạo sinh kế cho người dân xung quanh vùng đệm, nghiên cứu làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia làm du lịch.

Sếu đầu đỏ phân bố khá rộng, Ấn Độ, Úc và Đông Nam Á suy giảm nhiều, hiện còn khoảng 10% so với tổng đàn, chủ yếu sinh sản ở rừng. Tràm Chim là một trong những địa điểm sếu xuất hiện. Tháng 4-2021 là lần cuối sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

Nguyên nhân một phần do mất đi môi trường sống, không còn đồng lúa mùa thiên nhiên, chất độc phát thải từ nông nghiệp, thức ăn không còn.

Đồng Tháp xin nhận 2 con sếu đầu đỏ từ Lào về Vườn quốc gia Tràm ChimĐồng Tháp xin nhận 2 con sếu đầu đỏ từ Lào về Vườn quốc gia Tràm Chim

TTO - Ngày 14-9, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin được tiếp nhận 2 con sếu đầu đỏ từ Lào về nhận nuôi tại Vườn quốc gia Tràm Chim .


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên