02/02/2022 10:31 GMT+7

7 'đại sứ' hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Đầu tháng 8-2021, giới chức Việt Nam giải cứu 7 chú hổ con từ Lào trong một vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

7 đại sứ hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh 1.

Hổ ở Pù Mát

Thay vì bị nuôi nhốt lén lút để chờ người mua đem nấu cao hay ngâm thành rượu hổ, những chú hổ con này bây giờ đang có một mái ấm, được quan tâm và yêu thương.

7 chú hổ con đang được chăm sóc tốt tại Trung tâm cứu hộ động vật Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An). Chúng là bằng chứng sống về việc pháp luật được thực thi và là "đại sứ" tố cáo vấn nạn buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam.

Tôi mong muốn mọi người dân ý thức được rằng tất cả các loài đều có quyền được sống giống như con người và quan trọng hơn hết là chúng cần được sống trong môi trường tự do trong tự nhiên.

Ông Trần Xuân Cường (giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát)

7 đại sứ hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh 3.

Trong tuần đầu được cứu hộ, nhân viên chăm sóc cứ cách 2 giờ lại cho hổ con bú sữa - Ảnh: ©SVW/Lê Ngân

Những "bố bỉm sửa"

Sau khi chúng được giải cứu, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Vườn quốc gia Pù Mát tiếp nhận cứu hộ 7 hổ con màu, vốn nằm trong danh sách động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Ông Trần Xuân Cường, giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, đồng ý tiếp nhận.

Đặng Thanh Tuấn, trưởng nhóm chăm sóc động vật của SVW (Save Vietnam's Wildlife) tại Vườn quốc gia Pù Mát, kể sau 3 tháng từ ngày được cứu hộ, 7 hổ con đã lớn và khác nhiều.

Từ khoảng 2,9 - 4,5kg mỗi con, về hình thái được xác định là hổ Đông Dương, nay mỗi con đã nặng 13 - 16kg. Từ chỗ bị suy nhược, phải bế, đỡ cằm để bón sữa trong những ngày đầu tiên, giờ đây 2 hổ đực và 5 hổ cái đã tự ăn thịt sống hoàn toàn, tinh nghịch, lanh lợi.

Tại Vườn quốc gia Pù Mát, ngay từ ngày đầu việc chăm sóc 7 chú hổ được giao cố định cho 3 người thực hiện, ngoài Tuấn còn có các "bố bỉm sữa" khác là Dũng và Triều.

7 đại sứ hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh 4.

Mỗi khẩu phần thịt của hổ còn được bổ sung thêm canxi để chắc khỏe xương

Tuấn cho biết tháng đầu tiên khi hổ còn non yếu là tháng họ thực sự vất vả. Do còn quá nhỏ nên hổ phải uống sữa chuyên dụng dùng cho các động vật họ mèo hoàn toàn.

Nhà Tuấn chỉ cách chỗ làm khoảng 5km nhưng anh hầu như ăn ở tại cơ quan vì cứ 4 tiếng lại phải bón sữa cho 7 chú hổ con một lần, ngày đủ 6 cữ bú sữa. "Để như thế, phải dậy trước giờ cho ăn một giờ để pha sữa, cho ăn rồi sau đó rửa bình" - các "bố bỉm sữa" của hổ kể.

Khoảng 10 ngày sau khi được cứu hộ, các chú hổ có tiến triển sức khỏe, số cữ uống sữa giảm còn 5 lần/ngày, lượng sữa mỗi lần bú được tăng lên. Người chăm sóc cũng phải đánh giá bằng mắt thường hằng ngày để kịp thời phát hiện khi hổ "ốm" qua các biểu hiện hổ có nhanh nhẹn, linh hoạt, đi lại bình thường, có chán ăn, lười chơi... không.

Sau một tháng uống sữa hoàn toàn, hổ được chuyển sang ăn dặm. Trong tuần đầu ăn dặm, các bảo mẫu luộc thịt chín và dùng một phần nhỏ nước thịt hòa vào sữa cho hổ. Đến hết tháng thứ hai, hổ đã ăn thịt sống hoàn toàn - là ba loại thịt gà, thỏ, bò sống đã bỏ nội tạng, làm sạch lông, lọc xương.

7 đại sứ hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh 5.

Cứu hộ hổ tại Vinh, đội cứu hộ kiểm tra tình trạng sức khỏe của hổ và cho hổ con bú sữa

Sang tháng thứ ba, hổ được tập ăn thịt có xương (xương cổ, xương sườn, xương sống…), riêng xương ống thì chưa được thử vì xương này sắc, nhọn có thể gây tổn thương cho hổ.

Tuấn cho biết hiện nay mỗi chú hổ ở một khu nuôi riêng và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với con người. "Chúng tôi không xem hổ như thú cưng, không đặt tên riêng, không ôm ấp, cưng nựng và cũng không để người lạ tiếp xúc để chúng nuôi dưỡng các tập tính tự nhiên dù khả năng được thả về tự nhiên là không có" - Tuấn nói.

Anh cũng tiết lộ các con hổ đều bộc lộ những tập tính tự nhiên như khi được cho ăn, hổ thận trọng lùi ra xa, vờn quanh cảnh giác chứ không mừng rỡ quấn quýt người chăm sóc như mèo nhà.

7 đại sứ hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh 6.

Hổ được tập ăn thịt sống

Những "đại sứ" giáo dục về bảo tồn

Chia sẻ về tương lai của 7 con hổ này, ông Trần Xuân Cường, giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, cho biết hổ đang ngày càng lớn hơn, cơ sở vật chất của vườn sẽ không đảm bảo để giữ đàn hổ. Vườn chỉ có thể nuôi được vài con.

Từ giữa tháng 10-2021, vườn quốc gia đã liên hệ với các trung tâm cứu hộ của Nhà nước để đề nghị tiếp nhận.

Dự kiến trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vãn hồi, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) sẽ phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) để phân tích bản đồ gene của các con hổ này.

Vườn quốc gia Pù Mát cũng đang đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An một số chiến lược lâu dài trong công tác cứu hộ.

Vườn xin chuyển trung tâm cứu hộ tại đây thành cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo Luật đa dạng sinh học; mở rộng trung tâm cứu hộ và xây dựng các chuồng trại lớn hơn để có khả năng cứu hộ các loài thú lớn mà hiện trung tâm chưa thể tiếp nhận.

Ông Cường cho biết ông nhận định các đề xuất này sẽ được ủng hộ về chủ trương nhưng sẽ có thách thức trong việc đi tìm nguồn vốn.

7 đại sứ hổ con ở Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh 7.

Chú hổ con ở Pù Mát

7 con hổ con được giải cứu này sẽ là những "đại sứ" giáo dục về bảo tồn.

Chúng giúp truyền đi thông điệp rằng nhiều người bất chấp các quy định của pháp luật, muốn lấy da, thịt, lông, xương của hổ về để trang trí, để thể hiện đẳng cấp, để chế biến món ăn, để nấu cao tẩm bổ; con người cũng ép hổ vào các môi trường nuôi nhốt chật hẹp, ép giao phối và sinh sản thật nhiều hổ con dù giao phối cận huyết.

"Tôi mong muốn mọi người dân ý thức được rằng tất cả các loài đều có quyền được sống giống như con người và quan trọng hơn hết là chúng cần được sống trong môi trường tự do trong tự nhiên. Trái đất là một mái nhà chung mà các loài đều cần được sống để hệ sinh thái được cân bằng" - ông Trần Xuân Cường trầm ngâm nói.

Không thể thả về tự nhiên

Theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), có khoảng 7.000 - 8.000 con hổ sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Đông Á và Đông Nam Á, chủ yếu ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Số lượng này hơn gấp đôi số hổ hoang dã gần 4.000 con.

Tổ chức SWV cho biết 7 con hổ con này dù may mắn được cứu hộ, chúng không thể thả về tự nhiên vì chưa có nơi nào trên thế giới tái thả hổ sinh ra trong môi trường nuôi nhốt về tự nhiên.

Hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên. Do đó cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không. Thả khi còn nhỏ thì hổ chưa thể tự sinh tồn, thả khi trưởng thành sẽ làm tăng nguy cơ hổ tấn công và gây nguy hiểm cho con người.

Do không thể tự kiếm ăn vì thiếu các kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người, các con hổ sau khi được tái thả sẽ có xu hướng tới gần các khu dân cư để tìm thức ăn, có thể là vật nuôi hoặc thậm chí là con người.

Ngoài ra nếu mang gene không thuần chủng (do được sinh ra từ giao phối cận huyết), các con hổ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên, gây ra những biến đổi không mong muốn đối với nguồn gene tự nhiên.

'Bảo mẫu' của đàn hổ lớn nhất Việt Nam

TTO - Đang chơi đùa, thấy người lạ, bầy hổ lông vằn lực lưỡng liền gầm gừ, 'mắt hình viên đạn' như cảnh báo kẻ xâm phạm lãnh địa. Ấy vậy mà nhân viên chăm sóc tới, chúng lập tức dịu dàng, cọ đầu vào cửa sắt đợi 'bảo mẫu'... xoa đầu như em bé.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên