21/07/2016 09:25 GMT+7

66 cây pơmu trăm tuổi bị đốn hạ trong khu vực cấm

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay đây là vụ phá rừng quá nghiêm trọng với quy mô lớn, không loại trừ khả năng phá rừng có tổ chức.

Cây pơmu hàng trăm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc như thế này - Ảnh: LÊ TRUNG
Cây pơmu hàng trăm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc như thế này - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 20-7, ông Lê Trí Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đích thân dẫn đầu đoàn kiểm tra hiện trường vụ phá rừng pơmu nghiêm trọng ở xã La Dêê, huyện Nam Giang thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

Theo quan sát của Tuổi Trẻ, con đường độc đạo dẫn vào khu vực pơmu bị triệt hạ khá rộng, bằng phẳng.

Tại khoảnh 5, tiểu khu 351, có đến 66 cây pơmu hơn trăm năm tuổi có đường kính từ 0,5 - 1m bị lâm tặc triệt hạ không thương tiếc.

Điều đặc biệt là địa điểm này chỉ cách con đường tuần tra hơn chục mét. Tại hiện trường, gỗ bị lâm tặc xẻ ra từng phách, đặt nằm lăn lóc quanh các thân cây pơmu bị chặt.

Lâm tặc quá tự tin

Ông Lê Trí Thanh cho hay đây là vụ phá rừng quá nghiêm trọng với quy mô lớn, không loại trừ khả năng phá rừng có tổ chức. Các đối tượng lâm tặc rất liều lĩnh, quá tự tin để phá rừng. Bao nhiêu tai mắt, bao nhiêu lực lượng nhưng tại sao lại để xảy ra phá rừng, để lâm tặc tập kết gỗ gần trạm biên phòng và hải quan?

“Đây là khu vực cấm nhưng tại sao chúng ta không phát hiện mà để người dân phát hiện?” - ông Thanh nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, tinh thần là tập trung khẩn trương làm rõ vụ việc, xem xét một cách nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Đại tá Lê Quang Vịnh - trưởng Công an huyện Nam Giang - cho hay từ việc phát hiện 283 phách gỗ ở khu vực biên giới, tiếp tục mở rộng điều tra, đến nay lực lượng công an phát hiện thêm nhiều điểm tập kết gỗ, lập biên bản tạm giữ 591 phách gỗ pơmu với khối lượng hơn 44m3.

“Công an huyện đã phối hợp với công an tỉnh tiến hành điều tra, xác minh và sẽ sớm đưa các đối tượng phá rừng ra ánh sáng” - đại tá Vịnh cho biết.

Ông A Lăng Mai - chủ tịch UBND huyện Nam Giang - nói: “Đây là vùng cấm, nếu cần thiết cho lực lượng quét gần đó, tôi nghĩ chắc là vẫn còn gỗ chứ không phải có chừng đó đâu”.

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam, khi cơ quan này mở rộng điều tra thì phát hiện khu vực vùng đệm bên phía Lào có một nhà kho chứa hàng chục phách gỗ pơmu.

Tuy nhiên đây là khu vực trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quản lý, công an có phối hợp với biên phòng qua phía vùng đệm làm việc thì biên phòng nói đây là vùng cấm không vào được, phải có lệnh của cấp trên.

Phía cơ quan chức năng bên Lào cho biết số gỗ đó từ phía Việt Nam chuyển qua. “Tại đây chúng tôi còn phát hiện xưởng gỗ khu vực này tập trung rất nhiều pơmu” - vị lãnh đạo này nói.

Ngay sáng 20-7, ông Thanh điện thoại trực tiếp với phó tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông (Lào) và đề nghị phía Lào phối hợp cùng truy quét, điều tra các đối tượng khai thác gỗ.

“Chủ tịch tỉnh ký công hàm gửi tỉnh trưởng Sê Kông để phối hợp điều tra ngay trong sáng này và đề nghị phía Lào quyết liệt truy quét các lâm tặc” - ông Thanh nói thêm.

Những cây pơ mu bị hặt hạ còn ngổn ngang trong rừng - Ảnh: LÊ TRUNG
Những cây pơ mu bị chặt hạ còn ngổn ngang trong rừng - Ảnh: LÊ TRUNG

Kiểm lâm, bộ đội biên phòng “xin nhận trách nhiệm”

Ngay sau khi kiểm tra thực tế, đoàn đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Tại buổi làm việc, đại tá Nguyễn Đăng Chung - phó chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam - xin nhận trách nhiệm. “Chúng tôi phải có trách nhiệm tổ chức, kiểm điểm, cử một đội công tác tiến hành làm việc với đồn, trạm biên phòng để xác minh, điều tra trong nội bộ, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm”. Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Nam cũng cử lực lượng phối hợp cùng với cơ quan điều tra xác định đối tượng phá rừng.

Riêng ông Lê Trung Thịnh - chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang (người mới vừa bị tạm đình chỉ công tác vì có gỗ pơmu để tại trụ sở hải quan) - thì cho rằng nguồn gốc số gỗ tập kết tại trụ sở do doanh nghiệp nhập khẩu, hải quan nước bạn Lào cho, sau đó một số cán bộ trong cơ quan mua để sửa sang nhà. “Chúng tôi khẳng định đây không phải số gỗ trong vụ phá rừng” - ông Thịnh nói.

Giải trình với đoàn kiểm tra về trách nhiệm của đơn vị khi để phá rừng ngay trong khu vực mình quản lý, ông Đỗ Tuấn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung - cho biết việc xảy ra trên lâm phận của ban quản lý là một điều đáng tiếc. “Về trách nhiệm của chúng tôi là phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ đối tượng phá rừng. Nếu có đồng chí nào trong ban quản lý vi phạm thì trước hết bản thân sẽ chịu trách nhiệm” - ông Tuấn nói. Liên quan tới vụ việc, ông Phan Tuấn - chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam - cho biết đây là vùng cấm, rừng biên giới, nằm trong rừng phòng hộ nhưng lực lượng kiểm lâm có sự chủ quan trong việc quản lý, kiểm tra, tuần tra nên mới xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi - giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - cho hay ngay từ khi phá án, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng, chỉ đạo những điều tra viên có kinh nghiệm để làm sao sớm nhất bắt được đối tượng phá rừng, tiếp theo sẽ tính đến việc xác định những người liên quan khác.

Vụ phá rừng tại khu vực thủy điện Đồng Nai 5:

Bắt tạm giam thêm 11 đối tượng

Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã khởi tố bị can và bắt tạm giam thêm 11 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng tại khu vực thủy điện Đồng Nai 5 thuộc tiểu khu 390 (thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm).

11 đối tượng này đều liên quan đến đối tượng Lê Hồng Hà (tức Hà “đen”). Dưới sự chỉ đạo Hà “đen”, trong 2 năm trở lại đây các đối tượng này liên tục tham gia các đợt khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 390.

Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm lâm tặc này đã dùng cưa máy, thuyền vỏ sắt để khai thác gỗ trái phép trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5 và các cánh rừng nguyên sinh giáp ranh lòng hồ, sau đó xẻ thành gỗ hộp rồi vận chuyển về bến thuyền và dùng các phương tiện đưa đi nhiều nơi tiêu thụ.

Trước đó ngày 12-7, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng chính trong vụ phá rừng này, gồm: Lê Hồng Hà (48 tuổi, quê quán huyện Diễn Châu, Nghệ An, hiện ngụ thôn 9, xã Đambri, TP Bảo Lộc), Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, quê TP Hà Nội, là chủ xe tải chuyên vận chuyển gỗ trái phép cho Hà “đen”) và Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, quê tỉnh Bình Dương, lái xe tải, hiện ngụ huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông). Trong đó, Hà “đen” là đối tượng cầm đầu vụ án và đang bị truy nã trên toàn quốc.

TTXVN

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên