08/09/2016 12:47 GMT+7

51 tỉ đồng trùng tu chùa cổ Giác Viên ​hơn 200 tuổi

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Ngôi chùa cổ Giác Viên hơn 200 tuổi (thuộc Q.11, TP.HCM) được trùng tu nhiều hạng mục với tổng kinh phí hơn 51 tỉ đồng, dự kiến thực hiện trong thời gian 1 năm.

Chùa Giác Viên trước khi trùng tu - Ảnh: Giác Ngộ
Chùa Giác Viên trước khi trùng tu - Ảnh: Giác Ngộ

Ngôi chùa cổ Giác Viên (Q11, TP.HCM) vừa được chính thức khởi công trùng tu sáng 8-9 sau quá trình nghiên cứu lập dự án trùng tu tôn tạo.

Chùa Giác Viên đến nay hơn 200 tuổi, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1993. Tuy nhiên, thời gian qua, chùa bị xuống cấp do quá lâu không được tôn tạo sửa chữa, nhiều hạng mục hư hỏng nặng.

Công trình trùng tu chùa Giác Viên lần này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định dự án, thỏa thuận thiết kế và UBND TP.HCM phê duyệt dự án, duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.

Công trình do Trung tâm Bảo tồn di tích - Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là công ty Nguyễn Hoàng.

Các hạng mục sẽ được tu bổ gồm: chính điện, đông lang, tây lang, nhà trù, nhà mát, sân vườn với tổng mức đầu tư là 51 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách TP. Dự kiến thời gian thực hiện là 1 năm.

Phát biểu tại lễ khởi công, bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhắc lại những giá trị nghệ thuật của chùa Giác Viên.

Ngôi chùa đã hơn 200 tuổi nhưng vẫn còn giữ được những đường nét cổ kính, mang đậm phong cách dân gian với hơn 150 pho tượng có giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Bộ bao lam độc nhất vô nhị ở Nam bộ với 58 bao lam lớn nhỏ, được bài trí một cách nghệ thuật, 128 câu đối được treo ở dạng liễn và khắc chìm vào thân cột và vô số các phù điêu trang trí chạm trổ khéo léo.

Ông Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM cho biết trong quá trình trùng tu, chủ đầu tư sẽ thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ VHTTDL, UBND TP.HCM, Sở VHTT TP.HCM và lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân để cùng nhà thầu tổ chức thi công đúng các nguyên tắc tu bổ di tích theo Luật Di sản và Luật Xây dựng.

Lịch sử chùa Giác Viên gắn liền với sự kiện trùng tu chùa Giác Lâm vào năm 1798. Sau khi trùng tu xong chùa Giác Lâm, vào năm Canh Tuất (1850) hòa thượng Hải Tịnh cho trùng tu viện Quan Âm, xây dựng thành ngôi chùa lớn, đặt tên là Giác Viên.

Như vậy, tên chùa Giác Viên có từ 1850 nhưng trước đó nơi đây là viện Quan Âm gắn liền với địa điểm Hố Đất, rạch Ông Bường - nơi tập kết gỗ để trùng tu chùa Giác Lâm.

Theo Lịch sử Phật giáo Đàng trong (Nguyễn Hiền Đức), chùa Giác Viên từng được trùng tu một lần vào năm 1908-1910.

Giới nghiên cứu văn hóa Phật giáo lâu nay đánh giá chùa Giác Viên có nhiều cổ vật chạm trổ mỹ thuật độc đáo, tượng trưng cho nền mỹ thuật điêu khắc trên gỗ của Việt Nam thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên