13/03/2024 06:39 GMT+7

50 trai bản khiêng sản phụ đi đẻ nhưng em bé vẫn chào đời giữa rừng

"Em sợ không kịp tới viện, sợ chết lắm", Hồ Thị La Ham rên rỉ, lo lắng. Ham được cả 50 thanh niên bản Cát thay nhau khiêng bằng võng tới trạm xá sinh nhưng nửa đường thì đứa bé chào đời giữa rừng.

Cát và Trỉa có 66 đứa trẻ được sinh ra ngay tại thôn vì đường sá cách trở - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cát và Trỉa có 66 đứa trẻ được sinh ra ngay tại thôn vì đường sá cách trở - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ngày 7-3 vừa rồi, con Ham vừa tròn 2 tuổi.

Tại hai thôn Cát và Trỉa, xã Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị), đến kỳ sinh nở, phụ nữ có lựa chọn: hoặc sinh nở tại nhà hoặc được khiêng bằng võng ra ngoài.

10 năm qua có 66 ca sinh tại nhà, 19 sản phụ được khiêng bằng võng ra bên ngoài sinh, trong đó bốn ca sinh rơi dọc đường. Nguyên do chưa có đường ô tô vào thôn.

Tôi từng gặp ca sa tử cung, dây rốn quấn cổ, không hiểu sao tôi xử lý thành công rồi đưa đi viện. May mắn là chưa gặp trường hợp bất trắc nào. Nhưng tôi tuyên truyền chị em sinh ở nhà nguy hiểm, phải đi viện. Tôi không thể đảm 100% mẹ tròn con vuông được. Phụ nữ ở đây chỉ gọi tôi khi trở dạ, nhiều người vì thiếu thốn mà không đi viện.
Chị HỒ THỊ PHƯỢNG

Đi đẻ bằng... võng

Thôn Cát có 119 hộ với 486 khẩu, thôn Trỉa có 50 hộ, 274 khẩu. Đây là hai thôn xa nhất của xã Hướng Sơn, cách biệt với trung tâm xã bởi rừng già và những ngọn đồi trùng điệp.

Vì không có đường ô tô nên khi có người đau ốm, sản phụ sinh nở, lựa chọn duy nhất là dùng võng và đòn gánh khiêng hai đầu. Ở Cát, Trỉa, nhà nào cũng có võng và đòn gánh phòng khi ốm đau, sinh nở.

Một đêm tám tháng trước, Hồ Thị Thìn trở dạ. Cả nhà lo lắng nhìn nhau, thúc giục đi gọi cô đỡ thôn bản với ý định sinh tại nhà.

Đến 4h sáng, sản phụ vẫn chưa sinh được. Lúc này người nhà í ới đi gọi thanh niên cả bản. Khoảng 40 thanh niên được huy động để thay nhau khiêng sản phụ ra km27 quốc lộ 9, cách 25km đường đồi dốc.

Đoàn người rầm rầm đi bộ trong đêm, người cầm đèn soi đường, người mang theo mì gói, nước uống, đường, sữa. Đi một đoạn mọi người lại đổi sức nhau, cứ thế luân phiên không ngừng nghỉ.

Đến trưa thì Thìn lên được xe cấp cứu, tới Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lộ sinh. Đến nay con gái Thìn tròn 8 tháng tuổi.

"Đau quá không đi xe máy được, phải nằm võng khiêng. Đi xe máy thì con rơi mất", Thìn cười.

Hồ Tuyền từng khiêng rất nhiều sản phụ đi sinh, vừa xoay hai bả vai vừa nói: "Đau nhức hết cả hai bên vai. Khiêng người đến nơi xong thì nói không khiêng nữa, nhưng rồi ngày mai ai đau, ai đẻ kêu thì mình lại đi khiêng".

Thật khó hình dung khung cảnh một đoàn người rồng rắn đi giữa rừng khiêng một sản phụ đi sinh, cứ người này mệt thì người khác lại thay như chuyện binh lính Nguyễn Huệ ngày xưa khiêng quân lương cho kịp tốc độ hành quân ra Bắc.

Khi đề nghị Hồ Tuyền tìm kiếm một bức ảnh, anh nói lúc đó cả bản không có sóng điện thoại, ai ra ngoài giao dịch thì dùng "cục gạch", lấy đâu ra ảnh.

Vì cách trở giao thông mà dân bản trở nên đoàn kết, sống ân tình dạt dào với nhau. Đau ốm, nhất là sinh nở không thể ngồi xe máy băng đường rừng, họ chỉ còn lựa chọn dùng võng khiêng ra bên ngoài.

Gia đình ai rồi cũng có người sinh nở, vì thế họ giúp nhau chính là giúp chính bản thân.

Hồ Thị La Ham và con trai 2 tuổi đẻ rơi giữa đường do đường sá khó khăn - Ảnh: HOÀNG TÁO

Hồ Thị La Ham và con trai 2 tuổi đẻ rơi giữa đường do đường sá khó khăn - Ảnh: HOÀNG TÁO

Những đứa trẻ đẻ rơi giữa đường

Câu chuyện sinh rơi với Hồ Thị La Ham (42 tuổi) diễn ra cách đây đúng hai năm. Sáng 7-3-2022, Ham đau bụng, có dấu hiệu trở dạ. Cô đỡ Hồ Thị Phượng đến thăm khám, thấy Ham gầy gò, sức khỏe yếu, tuổi cao nên động viên gia đình đưa đi viện, sinh ở nhà nhiều nguy cơ.

Đến 10h, 50 thanh niên, trai tráng bản Cát được huy động để đưa bà mẹ 42 tuổi đi sinh. Họ mang theo cơm nước, mì gói ăn dọc đường. Đến dốc Chai, con dốc cao nhất và cũng là điểm sạt lở nặng nhất, Ham thở dốc, níu lấy cô đỡ Hồ Thị Phượng.

"Chị giờ không đi tới viện được nữa, chị ưng đẻ rồi", Ham nói.

Chị Phượng đành tìm chỗ bằng phẳng rồi đỡ đẻ. Khoảng 1 tiếng rưỡi sau, ca sinh diễn ra thành công, cô đỡ cắt dây rốn cho trẻ, làm vệ sinh cho mẹ.

Lúc này chị Ham hồi sức, mặt mày tươi tắn, nói khỏe nên được thanh niên khiêng trở lại bản. Chị dâu bồng đứa trẻ, sau này đặt là Hồ Thiên.

"Lúc đó tôi rất lo lắng, sợ không kịp tới nơi, sợ chết lắm", chị Ham kể lại.

Năm 2019, một tháng trước ngày sinh con gái đầu lòng, chị Ham cùng chồng đi bộ ba tiếng băng rừng ra Trạm y tế xã Hướng Sơn. Chồng ở lại một tuần ổn định chỗ ăn nghỉ cho vợ rồi về nhà. Chị Ham ở nhờ tại trạm y tế, sinh xong một tuần thì bồng con đi bộ về nhà.

Chị Hồ Thị Phượng - cô đỡ thôn bản - cho hay 10 năm qua, có 66 ca sinh tại bản, 19 ca được khiêng ra bên ngoài sinh thì có bốn ca sinh rơi dọc đường. Đó là các sản phụ Hồ Thị Suốt, con đã 13 tuổi, Hồ Thị Diên, con gái 9 tuổi, Hồ Thị Mì, con trai 8 tuổi và Hồ Thị La Ham, con trai 2 tuổi.

Chị Diên được khiêng khoảng ba tiếng, hơn nửa đường thì kêu lên: "Chị ơi, em ưng đẻ". Chị Phượng đỡ đẻ, cắt rốn cho trẻ rồi ngồi chờ gần tiếng đồng hồ.

"Chừ răng, khỏe không em? Em ưa đi viện hay về nhà", chị Phượng hỏi. Sản phụ trả lời khỏe, muốn về nhà nên thanh niên khiêng chị này trở về.

Tương tự, chị Mì cũng đẻ rơi giữa đường rồi về nhà. Riêng chị Suốt đã được đi năm tiếng đồng hồ, ra sát km27 quốc lộ 9 thì sinh nên được đưa đến trạm y tế chăm sóc.

Điểm sạt lở đã 4 năm nhưng không được sửa chữa, người dân phải tự làm lối mòn đi bộ tạm bợ

Điểm sạt lở đã 4 năm nhưng không được sửa chữa, người dân phải tự làm lối mòn đi bộ tạm bợ

Mong mỏi một con đường

Đã từ lâu, người dân Cát, Trỉa mong mỏi một con đường ô tô vào bản, không chỉ thuận tiện cho việc sinh đẻ mà còn giúp bản phát triển kinh tế, cải thiện học hành.

Hiện có hai con đường để vào Cát, Trỉa đều xa ngái và hiểm trở. Một tuyến đường băng rừng dài 16km tính từ trung tâm xã. Vào mùa mưa, đường trơn trượt, gồ ghề, vực sâu thăm thẳm nên không ai dám đi.

Trước năm 2010, con đường này chỉ có thể đi bộ. Sau đó, một người buôn thực phẩm vừa đi vừa dùng cuốc sửa đường để đi xe máy. Dù xe máy nhưng người có "tay lái lụa nhất" cũng mất hơn 1 tiếng rưỡi đi đường.

Tuyến đường thứ hai nối từ bản ra km27 quốc lộ 9, rồi từ đó theo đường nhựa về trung tâm xã nhưng xa đến 90km. Trước năm 2019, con đường này thuần túy là đường rừng thăm thẳm.

Năm 2019 - 2020, tuyến này được một công ty mở rộng, đổ bê tông nhựa để thi công thủy điện. Mưa lũ tháng 10-2020 khiến tuyến này bị sạt lở bốn điểm lớn, cộng với việc không được duy tu, xe chở tràm, sắn tải trọng lớn cày phá nên cũng hư hỏng nham nhở.

Mùa hè chỉ có xe bán tải hai cầu, xe tải chở tràm, sắn mới có thể tiếp cận bản. Còn mùa mưa lũ, việc chia cắt là điều không thể tránh khỏi.

Hồ Văn Ai - thôn phó thôn Trỉa - tâm sự vì đường sá khó khăn mà giá sắn trong bản chỉ 1.600 - 1.700 đồng/kg, rẻ hơn 40% so với giá ở trung tâm. Tương tự, giá cây tràm, nông sản khác cũng rẻ hơn.

"Muốn bán trâu bò, dê... thì phải dắt ra ngoài điểm xe tiếp cận được. Cứ mỗi đợt mưa lũ xong thì dân bản lại dắt nhau đi sửa đường", ông Ai nói.

Ông Trần Bình Thuận - chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - thông tin tuyến đường từ trung tâm xã Hướng Sơn đi Cát, Trỉa được huyện, tỉnh khảo sát nhiều lần.

"Do tuyến đường đi qua 1,8km rừng đặc dụng nên không thể xây dựng. Xã Hướng Sơn đụng đâu là rừng đó. Hai thôn Cát, Trỉa khó khăn đường đi lại, UBND huyện Hướng Hóa ghi nhận, đang đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu", ông Thuận cho hay.

Trong khi đó, tuyến đường từ bản ra km27 chưa sửa chữa do công ty này đang ngừng thi công dự án, trong khi nguồn vốn lớn nên Nhà nước chưa thể bố trí.

Người mẹ vĩ đại giữa núi rừngNgười mẹ vĩ đại giữa núi rừng

TTO - Ghé bản Tăng Cô (xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào buổi trưa, tiếng gọi mẹ của một cô gái phát ra từ ngoài ngõ vào tận ngôi nhà ọp ẹp ở cuối con ngõ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên