25/09/2021 07:17 GMT+7

40 thành viên Nghị viện châu Âu cáo buộc Gazprom thao túng giá khí đốt

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 22-9, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cảnh báo về việc thao túng giá nhiên liệu ở châu Âu. Cùng ngày, các nhà lập pháp châu Âu tố cáo công ty Nga đứng sau sự tăng vọt của giá năng lượng.

40 thành viên Nghị viện châu Âu cáo buộc Gazprom thao túng giá khí đốt - Ảnh 1.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm - Ảnh: REUTERS

Bà Granholm cho biết: "Quan điểm của Mỹ là chúng tôi và các đối tác sẵn sàng phản ứng khi có những đối tượng có thể đang thao túng nguồn cung để thu lợi".

Bà khẳng định Mỹ nghiêm túc xem xét vấn đề và đoàn kết với các đồng minh châu Âu để đảm bảo châu Âu có nguồn cung khí đốt đầy đủ, giá cả phải chăng trong mùa đông này.

Bóng đen của cuộc khủng hoảng năng lượng đang đe dọa châu Âu đã làm lu mờ cuộc họp của các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm nay. Bộ trưởng năng lượng các nước đều đã lên tiếng về vấn đề giá năng lượng tăng cao trong cuộc họp ngày 22-9.

Hãng tin AFP cho biết những người dự họp cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu lên tiếng đang được cảm nhận trên toàn cầu và là "nghiêm trọng".

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera tiết lộ rằng một quan chức của EU xác nhận EU nghiên cứu các phương án để giúp quản lý giá năng lượng. 

Châu Âu phải đối mặt với giá điện tăng cao, khi nền kinh tế mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong khi mùa đông đang đến gần và dự trữ khí tự nhiên lại ở mức thấp đáng lo ngại.

Hơn 40 thành viên Nghị viện châu Âu đã công bố bức thư cáo buộc Công ty Gazprom, phần lớn thuộc sở hữu nhà nước, của Nga thao túng giá khí đốt. Họ cho biết lượng khí đốt của Nga qua Ukraine giảm dần là hành động có chủ đích nhằm buộc Đức phải kích hoạt đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vừa hoàn thành qua biển Baltic.

Phía Gazprom bác bỏ cáo buộc.

Trong khi EU mới cảm nhận khủng hoảng năng lượng, tình hình tại Anh xấu hơn nhiều. Giá gas ở Anh tăng 500% so với năm ngoái khiến rất nhiều nhà cung cấp phá sản.

Dự báo con số sẽ còn tăng lên và người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn trong bối cảnh các hỗ trợ cho COVID-19 chỉ vừa kết thúc.

Ngày 22-9, bộ trưởng năng lượng và doanh nghiệp Anh cảnh báo ngành công nghiệp của Anh cần chuẩn bị cho tình trạng tăng giá kéo dài đến sang năm.

Theo AFP, giá khí hóa lỏng đã tăng vọt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian bị ngừng trệ do COVID-19. Nhu cầu cao về khí thiên nhiên hóa lỏng ở châu Á đã làm cho nguồn cung sang châu Âu giảm, gây sóng gió cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhiên liệu này. 

Nga - Đức đã hoàn tất lắp đặt đường ống dẫn khí gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2, và hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức gần như chắc chắn sẽ bắt đầu vào tháng 10-2021.

Tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, trị giá 12 tỉ USD, cho phép Nga chuyển đến 55 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm sang châu Âu thông qua hệ thống đường ống đặt dưới biển Baltic. Cùng với tuyến số 1, Nga có thể đưa tổng cộng 110 tỉ mét khối khí đốt sang châu Âu mà không cần trung chuyển qua Ukraine.

Việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải rất nhiều khó khăn do tranh cãi giữa các nước châu Âu, và bị Ukraine cùng Mỹ phản đối. Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia dự án, nhưng vẫn không ngăn cản được nỗ lực do Nga và Đức dẫn đầu.

Mỹ bác bỏ Chính phủ Nga đứng sau vụ tin tặc tấn công đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất Mỹ bác bỏ Chính phủ Nga đứng sau vụ tin tặc tấn công đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất

TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng thủ phạm vụ tấn công mạng vào hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ, do Công ty Colonial Pipeline điều hành, là mã độc từ Nga. Nhưng không có bằng chứng cho thấy Chính phủ Nga đứng sau.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên