05/05/2013 21:22 GMT+7

4 máy phát điện gây chấn động sập tòa nhà ở Bangladesh?

DUY TRÂN
DUY TRÂN

TTO - Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức quân đội Bangladesh cho biết số người chết trong vụ sập nhà – được xem là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất ở Bangladesh đã vượt qua con số 600.

kaZ2qCAg.jpgPhóng to
Hiện trường vụ sập tòa nhà. Ảnh: AFP
6czV0pIm.jpgPhóng to
Người thân của các nạn nhân mất tích dán ảnh tìm kiếm. Ảnh: AFP

Theo đó, đến ngày 5–5, đã có thêm hàng chục thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà tám tầng ở thủ đô Dhaka.

Trung tá Imran Khan cho biết sau hơn 10 ngày tiến hành các hoạt động cứu hộ và tìm kiếm kể từ khi thảm họa xảy ra, hiện số người chết đã lên tới 610.

“Con số dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa”, trung tá Imran Khan nói.

Tòa nhà chín tầng nơi có năm nhà máy may mặc đã bị sụp hồi ngày 24-4, khiến hơn 3000 người bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Đến nay, chỉ có 2.437 người được cứu thoát.

Hàng trăm thân nhân của những người mất tích đã tụ tập tại địa điểm xảy ra thảm họa để cầu nguyện, trong khi các công tác cứu hộ và tìm kiếm vẫn được tiến hành trong vô vọng.

Mohammad Jashim (25 tuổi) có chị là công nhân may vẫn còn mất tích, là một trong những người thường xuyên cầu nguyện tại khu vực đổ nát của tòa nhà. Cứ mỗi khi có một thi thể được tìm thấy, anh lại chạy đến để xem đó có phải là chị gái mình.

“Tôi sẽ bỏ đi cho đến khi nào tìm thấy thi thể của chị. Đối với tôi, chị ấy như một người mẹ”, Jashim nói với AFP.

Các quan chức cho biết các thi thể được tìm thấy đến thời điểm này hầu hết đã bắt đầu phân hủy, gây khó khăn cho việc xác định nhân thân.

“Chúng tôi đã xác định một số người bằng điện thoại di động được tìm thấy trong túi hoặc chứng minh thư”, Ủy viên phó của quận Dhaka Zillur Rahman Chowdhury cho biết

Một cuộc điều tra sơ bộ đã đổ lỗi cho 4 máy phát điện khổng lồ trên sân thượng của tòa nhà đã gây ra chấn động khiến tòa nhà bị sụp. Kiến trúc sư Masood Reza của tòa nhà cho biết thiết kế ban đầu của tòa nhà là làm một trung tâm mua sắm và văn phòng chứ không phải là nhà máy.

Trong một diễn biến khác, cảnh sát đã bắt giữ mười hai người bao gồm chủ tòa nhà và giám đốc bốn nhà máy dệt may đã buộc các công nhân phải làm việc trong ngày 24-4, mặc dù các vết nứt của tòa nhà đã xuất hiện một ngày trước đó.

DUY TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên