20/05/2020 11:06 GMT+7

4 chiếc bóng bên đời

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Mâm cơm chỉ có một bát ốc bươu vàng nấu dưa mà mấy đứa bé húp xùm xụp ngon lành như nghé con đói lòng gặp cỏ non. Hoa bị mẹ bỏ cho bà rồi đi biệt tích từ khi mới lọt lòng. Cô bé chưa đầy 2 tuổi chẳng thèm để ý anh chị đang tranh nhau miếng ốc..

4 chiếc bóng bên đời - Ảnh 1.

Bà Xuân cưu mang ba cháu thơ dại thiếu cha thiếu mẹ - Ảnh: VŨ TUẤN

Mấy con ốc bươu vàng được người bà lọm khọm mò ngoài ruộng. Thứ ốc hại lúa dai nhớt người ta chỉ bắt cho vịt ăn, nhưng bà cố nấu cho các cháu nhỏ côi cút có một bữa "tươi".

Tôi muốn gọi các cháu bằng những cái tên đẹp đẹp một tí. Mong rằng sau này lớn lên, đời chúng nó cũng đẹp, đừng như bố mẹ.

PHẠM THỊ XUÂN

"Người mẹ" 67 tuổi của 3 cháu bé

Ăn qua quýt để nhường các cháu, bà Phạm Thị Xuân (xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng) gạt nước mắt tâm sự với tôi rằng mình già rồi, chỉ mong các cháu được khai sinh, đến trường như bao trẻ thơ khác. Bố mẹ các cháu bỏ đi biệt tích, để lại 3 đứa nhỏ cho người bà già yếu nuôi nấng như con thơ.

67 tuổi, lưng bà Xuân đã còng vì suốt ngày lọm khọm ngoài đồng. Mà cánh đồng thời buổi này ít người cấy thì chuột bọ càng nhiều, chúng phá tan hoang mấy thửa ruộng của bà Xuân. Có một thửa to nhất, đẹp nhất ngoài bãi sông thì cậu con trai nghiện ma túy đã mang sổ đỏ đi "cắm" lấy tiền "đập đá".

"Vụ nhiều nhất được 3 tấn thóc, nhưng mấy năm nay chuột phá, tôi cấy chỉ được dăm tạ trên thửa ruộng còn lại" - bà nói rồi ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, đó là nguồn sống của bốn bà cháu.

Ba đứa bé mắt tròn xoe nhìn bà, nhìn khách, rồi lăn ra ngủ...

Chồng bà Xuân là bệnh binh, xuất ngũ năm 1992. Ông bị suy thận, mấy đồng trợ cấp không đủ viện phí chạy thận. Bà có 3 người con trai, 2 gái. Anh trai cả lấy vợ, nhà dựng xong thì anh mất. Người nói anh bị cảm, người nói anh trúng gió độc.

Chuẩn bị giỗ đầu anh con cả thì ông Lâm, chồng bà, cũng không chống chọi được với căn bệnh suy thận nữa. Ngày 2 cô con gái đi lấy chồng, người con trai thứ 4 của bà lại chết vì tai nạn. Cậu con trai tên Hưng duy nhất còn lại thì nghiện vật nghiện vã.

5 năm trước, Hưng dẫn về người phụ nữ - mẹ 3 đứa trẻ bây giờ - và cũng nghiện nặng. Bà Xuân thở dài nói: "Nếu hai con cai nghiện được, mẹ cho cưới". Thế là họ dắt nhau đi. Vài tháng sau, cô con dâu hờ trở về với cái bụng to tướng. Và sinh bé Hân mới mươi ngày, cô nhờ bà trông cháu để đi chợ.

"Nó bảo đi một lúc rồi về, nhưng nó đi hơn một năm sau mới về lại với cái bụng to sắp đẻ" - bà Xuân nghẹn ngào kể.

Rồi sinh con thứ hai được vài ngày, cô con dâu hờ này lại nhờ bà trông cháu để "ra ngoài một lúc" và tiếp tục biệt tích. Và hơn một năm sau, bà Xuân lại nghe nói con trai và cô con dâu hờ sinh con thứ ba gửi cho một phụ nữ ở phố Lạch Tray (Hải Phòng) trông hộ để "đi lấy hàng", rồi đi luôn đến giờ...

Biết chuyện, bà Xuân như đứt từng khúc ruột, lại lọm khọm nhận cháu nhỏ thứ ba về nuôi. Cũng may là chị Nhung, người phụ nữ được nhờ "trông hộ" ấy, mến tay mến chân đứa bé.

Có cái gì cũng mang lên cho, khi thì vài bộ quần áo cũ, khi thì hộp sữa, con cá - bà Xuân cười tươi kể, rồi nhìn đứa cháu gái: "Lúc đón bé Hoa, nó chỉ bằng cái chai, giờ đã nhớn thế này! Tháng 8 tới là được 2 tuổi rồi, ngoan lắm! Đến bữa biết xúc ăn, ăn xong lăn ra ngủ như cún con...".

4 chiếc bóng bên đời - Ảnh 3.

Bé Hoa khóc, nhận gói bánh của người hàng xóm thương cho - Ảnh: VŨ TUẤN

Ngày chăm cháu, đêm ra đồng kiếm cái ăn

Thu nhập chính của bà Xuân là số tiền trợ cấp hằng tháng hơn 700.000 đồng. Một mình bà phải còng lưng cấy lúa để có thêm tiền nuôi cháu.

Ban đêm, chờ bọn trẻ ngủ, bà lọm khọm xách đèn ra đồng, mò mẫm kiếm thêm ít thức ăn cho cháu. Khi chúng tôi đến nhà, chiếc xe đạp tồng tộc dựng ngoài sân vẫn buộc vài bó lúa xác xơ. Ngoài bờ giếng, đám ốc bươu vàng bò lổm ngổm trong cái chậu nứt nẻ.

Bà Xuân bảo hôm nào may mắn thì bà bắt được con lươn hay vài con cua về nấu cho cháu. Bây giờ khó khăn, bà nấu cả ốc bươu vàng. Thứ cho vịt ăn này bà làm thật sạch, cho ít dưa chua vào nấu lẫn, thế mà bọn trẻ háu đói tranh nhau ăn.

3 đứa trẻ ở nhà chơi với nhau, đứa nào cũng đen trùi trũi vì nắng. Trưa đi đồng về, bà Xuân tranh thủ nấu cơm, phơi lúa. Đến tối, bà lại "lừa" lũ cháu ngủ sớm để mang đèn pin ra đồng. Bà chỉ cấy lúa đêm. Làm cỏ cũng tranh thủ làm đêm, gặt cũng đêm, vì dành nhiều thời gian ban ngày chăm ba đứa cháu còn quá thơ dại.

Có lần đi cấy, bà thấy ruột nóng như lửa đốt. Bỏ dở đám mạ, bà chạy về, thấy bé út nhớ bà khóc như xé vải. "Lúc ấy, cái Hoa mới được 8 tháng. Sau vài lần chắc biết thân biết phận không cha chẳng mẹ nên nó không còn khóc nữa!".

"Thế ai đặt tên cho các cháu?" - tôi hỏi. "Thì tôi cứ gọi thế. Đứa lớn là Hân, thằng thứ hai là Khánh, bé út là Hoa. Chúng chưa có họ vì chưa có khai sinh" - bà ngân ngấn nước mắt tâm sự với tôi.

Đồ đạc trong nhà bà Xuân, cứ vật gì không dính chặt được xuống đất đều bị cậu con trai nghiện ngập mang đi bán hết hồi anh ta còn ở nhà làm khổ mẹ. Đến cái song cửa sổ bằng sắt, "ông con" cũng đục tường tháo ra. Đến giờ, người bà còng lưng và 3 đứa cháu nhỏ vẫn ở căn nhà với cái cửa sổ xiêu xẹo.

Khi bé Hân được 3 tuổi, đến tuổi đi nhà trẻ, bà Xuân tất tả gặp cô giáo. Nhưng bé không giấy khai sinh, các cô không dám nhận. Bà lại chạy ra ủy ban xã, cán bộ nói phải có giấy chứng sinh. Bà tìm đến bệnh viện, bác sĩ nói phải có giấy tờ để chứng minh bà là người thân.

Cô con dâu hờ sinh được vài ngày đã ôm con trốn viện, chẳng ký giấy gì, viện phí vẫn còn nợ bệnh viện.

Bà Xuân đành về, hi vọng ngày nào đó bố mẹ chúng về xin giấy khai sinh cho con. Lũ trẻ không được đi học, có lần Hân dắt em ra đứng trước cổng, tròn mắt nhìn lũ trẻ hàng xóm được bố mẹ cưng chiều đưa đi học.

Trời nổi cơn dông, lũ trẻ vẫn thui thủi ngủ ngon lành. Bà Xuân chạy ra sân thu vội đám thóc tránh mưa. "Tôi lo chúng nó không được đi học thì sẽ mù chữ, rồi sau này lại khổ như tôi" - người bà thở dài, nhìn cháu, rồi nhìn cơn dông đang ầm ập kéo về...

4 chiếc bóng bên đời - Ảnh 4.

Bó lúa gặt đêm của bà Xuân để ban ngày chăm cháu - Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Lương Thanh Hải - bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Lê Thiện (huyện An Dương, Hải Phòng) - tỏ ra bất ngờ với 3 đứa trẻ chưa có giấy khai sinh, chưa được đi học.

"Tôi chưa nắm được nguyên nhân "tắc" ở đâu, nhưng khi một con người đã được sinh ra thì phải có giấy khai sinh. Kể cả những đứa trẻ không được sinh ở bệnh viện hay nhặt được ở ngoài đường vẫn phải có giấy khai sinh để còn được công nhận là công dân Việt Nam.

Nếu đến tai tôi thì tôi bắt làm bằng được. Những trường hợp như tâm thần hoặc khó khăn đặc biệt, tôi "bắt" cán bộ thương binh - xã hội xuống. Nhà nước đã tạo hành lang như vậy rồi, đừng để dân thiệt" - ông Hải nói.

Bỗng dưng có… mẹ Bỗng dưng có… mẹ

TTO - Một cụ bà bị mù lòa, sống neo đơn "bỗng dưng" được một người phụ nữ cùng thôn không máu mủ ruột rà đưa về nhà phụng dưỡng, chăm sóc như mẹ ruột của mình.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên