06/06/2019 07:29 GMT+7

30 năm chứ không xa, thế giới sẽ lâm nguy

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Một dự báo mới công bố cho rằng đến năm 2050, mực nước biển sẽ dâng 0,5m, nhiệt độ tăng 2 độ C... khiến nhiều vùng đất trên khắp thế giới không còn sinh sống được nữa.

30 năm chứ không xa, thế giới sẽ lâm nguy  - Ảnh 1.

Đây là "vùng đất chết" Chernobyl ở Ukraine. Trong vài chục năm tới, nhiều vùng đất trên thế giới sẽ trông như thế này vì biến đổi khí hậu buộc con người phải đi cư đi nơi khác - Ảnh: LIVE SCIENCE

Đó là lời cảnh báo đưa ra trong báo cáo vừa công bố của tổ chức học giả Trung tâm quốc gia vì Phục hồi khí hậu (Breakthough) của Úc. 

Khác với các dự báo trước, bao gồm của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc (IPCC), đánh giá lần này nhận định các phân tích khoa học đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng; nó sẽ đến rất sớm.

Breakthough nêu cụ thể: "Nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1,5 độ C khoảng năm 2030, và chạm mốc 2 độ C khoảng năm 2045 (trước đây dự báo là năm 2100 - PV), thúc đẩy bởi tình trạng phát thải nhân tạo, hệ sol khí giảm và dòng chảy đại dương thay đổi.

Với cam kết của các quốc gia trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris 2015, Trái đất dự báo sẽ tăng trên 3 độ C đến năm 2100. Nhưng con số này chưa tính đến sự biến đổi chu kỳ carbon dài hạn - yếu tố quan trọng hiện nay và trong tương lai gần do ảnh hưởng chưa từng có của các hoạt động nhân tạo đối với hệ thống khí hậu.

Tính cả điều này, lộ trình Paris sẽ khiến nhiệt độ tăng 5 độ C đến năm 2100".

Báo cáo của Breakthrough được đích thân Đô đốc Chris Barrie - cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) ủng hộ. Thông điệp rất đơn giản: nếu con người không hành động trong 30 năm tới, nhiều khả năng hành tinh sẽ ấm thêm 3 độ C và nền văn minh sẽ sụp đổ.

30 năm chứ không xa, thế giới sẽ lâm nguy  - Ảnh 2.

Nhiệt độ nóng khủng khiếp sẽ ảnh hưởng đến 1 tỉ người trên Trái đất trong 30 năm nữa - Ảnh: LIVE SCIENCE

Theo Tạp chí Live Science, đó là một viễn cảnh đáng báo động, vì vốn hiện nay biến đối khí hậu đã tác động xấu lên sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước, dẫn đến mùa màng thất bát, hạn hán, cháy rừng...

"Đó là những tác nhân gây ra đổ vỡ xã hội và xung đột trên khắp khu vực Trung Đông, vùng Maghreb và Sahel ở châu Phi, góp phần vào cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu" - bản Breakthrough đánh giá.

Kịch bản "diệt vong" 30 năm tới được các nhà khoa học gọi là "Trái đất nhà kính", trong đó 35% diện tích đất liền của Trái đất và 55% dân số toàn cầu sẽ bị "thiêu đốt" hơn 20 ngày/năm trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, vượt quá khả năng sinh tồn.

Nền nhiệt chết người sẽ duy trì hơn 100 ngày/năm tại các khu vực Tây Phi, Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á, buộc khoảng 1 tỉ người phải di cư khỏi vành đai nhiệt đới.

"Hệ sinh thái sẽ đổ vỡ, bao gồm các rạn san hô, rừng mưa Amazon và Bắc Cực. Vùng Bắc Mỹ sẽ bị cháy rừng, các đợt nóng dữ dội và hạn hán... hoành hành. Các vùng châu thổ quan trọng về nông nghiệp như sông Mekong, sông Hằng, sông Nile sẽ bị chìm dưới nước.

Đa phần diện tích của các thành phố đông dân nhất thế giới - bao gồm Mumbai, Jakarta, Quảng Châu, Hong Kong, TP.HCM, Thượng Hải, Bangkok, Manila - sẽ bị bỏ hoang" - báo cáo của Breakthrough mô tả.

Thậm chí khi nhiệt độ chỉ tăng 2 độ C, khoảng 2 tỉ người trên Trái đất sẽ mất nhà cửa. Các nhà khoa học cho rằng giải pháp duy nhất là con người phải xây dựng một hệ thống công nghiệp không phát thải ngay lập tức.

"Điều kiện này đòi hỏi phải tổng động viên nguồn lực và tài nguyên trên toàn cầu, quy mô tương đương với tình trạng tổng động viên khẩn cấp trong Thế chiến thứ 2" - báo cáo giải thích thêm.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên